Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Trà Vinh ngày 15.1, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - kỹ thuật Biển (PORTCOAST) đưa ra một số gợi ý cho các nhà đầu tư để phát triển cảng biển, chuỗi cung ứng logistics cho Đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải.
Ông Tuấn phân tích, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi xuất khẩu gạo, thủy sản, trái cây chính của cả nước. Khối lượng vận chuyển hàng hóa Đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 đạt 131 triệu tấn, bằng đường thủy là 91 triệu tấn. Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long rất cao.
Tuy nhiên, cả khu vực này chỉ có cảng Cần Thơ được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia loại một, tại các tỉnh hầu hết là cảng địa phương loại hai. Sông Tiền, sông Hậu bị bồi lắng là hạn chế của cảng biển vùng này. Do đó, 70% hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long phải xuất khẩu qua khu vực cảng TP.HCM, Đông Nam Bộ (như Cái Mép -Thị vải). Điều này góp phần gia tăng chi phí vận tải và giảm cạnh tranh.
Phần lớn hàng hóa phải đi qua cảng khu vực khác nhưng tăng trưởng qua cảng biển của khu vực này vẫn tốt. Từ 2016, sau khi luồng cho tàu biển cỡ lớn vào sông Hậu được khai thác và trung tâm điện lực Duyên Hải được đưa vào hoạt động, tăng trưởng vận tải tăng từ 13 triệu lên 22 triệu tấn.
“Mặc dù đang khó khăn trong đầu mối cảng biển nhưng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển phát triển rất cao. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư vào cảng biển, các dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng của Đồng bằng sông Cửu Long này”, ông Tuấn nhận định. Dự báo đến năm 2030, hàng hóa tổng hợp bằng tàu container qua các cảng khu vực này khoảng 22 - 26 triệu tấn, than là 31-36 triệu tấn.
Bên cạnh đó, hàng hải thế giới có xu hướng mở rộng đội tàu theo hướng cỡ lớn. Các tàu vận tải than được nghiên cứu nâng cấp từ trọng tải 70.000 tấn lên 160.000 tấn. Tàu tổng hợp container khoảng trên 100.000 tấn. Các cảng tại khu vực Đông Nam Bộ có thể tiếp nhận tàu 280.000 tấn. Với sự phát triển của đội tàu như vậy, 20 năm qua, chúng ta vẫn tìm lối ra để đưa tàu vào sâu hoặc xây dựng cảng ngoài khơi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa tham gia vì chi phí cho việc xây dựng này lớn.
So với các nơi khác, vùng duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long có thềm lục địa thoải, phù sa nhiều. Đây là một khó khăn. Dù vậy, vùng này có những tiềm năng như khu kinh tế Định An đang phát triển, hệ thống giao thông đặc đường thủy đường bộ kết nối, cơ sở hạ tầng cảng biển có sẵn, luồng sông Hậu được nạo vét… có thể tiếp nhận tàu từ 100.000 - 160.000 tấn. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư xem xét đầu tư tại Trà Vinh.
Nam Anh (lược ghi)
minhtam
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/co-hoi-cho-nha-dau-tu-cang-bien-logistics-va-chuoi-gia-tri-tai-tra-vinh-a897.html