Đạo đức kinh doanh là một trong những yếu tố phải đặt lên hàng đầu

Để trở thành quốc gia phát triển văn minh, sánh vai các cường quốc mà chúng ta đang hướng tới thì phải xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh xứng tầm, đó là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.

pham-tan-cong-1665309655.jpg

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: VCCI coi xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh là nhiệm vụ chiến lược 

Sáng 8/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm:"Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" nơi các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng phân tích, chia sẻ về sự đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế; sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang cần xử lý, xem xét; những kiến nghị, đề xuất cụ thể của doanh nghiệp...

Tại tọa đàm, Chủ tịch VCCi Phạm Tấn Công đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân hiện nay, và điều này tác động thế nào tới kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, chúng ta đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế với một sự cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu và ngay trong lãnh thổ Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như vậy, mọi nguồn lực các doanh nghiệp đều phải phát huy, vì nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng là sự thắng thua.

Doanh nghiệp các nước, đặc biệt các nước phát triển, phát huy rất tốt nguồn lực đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam rất tiếc trong giai đoạn vừa rồi chưa quan tâm nguồn lực này. Cái đó cũng đúng thôi vì chúng ta mới bước sang kinh tế thị trường được mấy chục năm và chúng ta vẫn đang trong giai đoạn "học bài" nên phải nhìn sang các nước và thấy rằng đây là nguồn lực to lớn và uy tín sẽ tạo ra sức hấp dẫn của sản phẩm.

Vì sao chúng ta thấy mỗi lần iPhone mở bán thì người ta xếp hàng? Đây phải chăng cũng là chữ tín và đạo đức, văn hoá kinh doanh của họ.

"Doanh nghiệp chúng ta trong giai đoạn sắp tới, cấp bách để cạnh tranh thành công thì phải quan tâm đến vấn đề đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Đạo đức kinh doanh là một trong những yếu tố mà tất cả chúng ta cần phải đặt lên hàng đầu. Còn với tầm nhìn xa, để trở thành quốc gia phát triển văn minh, sánh vai các cường quốc mà chúng ta đang hướng tới thì phải xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh xứng tầm với một quốc gia phát triển và ngang tầm với các nước văn minh nhất trên thế giới", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.

Do đó, theo ông, đây vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược trong xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Chính vì vậy, VCCI trong nhiệm kỳ này đã coi đây là nhiệm vụ chiến lược, đã công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Đây là câu chuyện không chỉ một con người, một tổ chức có thể làm được mà toàn bộ xã hội, toàn bộ hệ thống, trong đó đầu tiên là giới doanh nhân Việt Nam phải tiên phong thực hiện.

"Chúng tôi rất mong ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tham gia thực hành đạo đức kinh doanh chuẩn mực, mang bản sắc văn hoá Việt Nam nhưng đồng thời có tinh hoa của quốc tế để chúng ta tạo ra sức mạnh mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay", ông Phạm Tấn Công nói.

Chủ tịch VCCI cũng kỳ vọng về mặt thể chế sẽ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày càng quan tâm đến câu chuyện này và sẽ có những chính sách, thể chế kịp thời khích lệ việc thực hành đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần tham gia, từng doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong câu chuyện này.

"Tôi cho rằng về lâu dài, đây là câu chuyện rất lớn, rất quan trọng và quyết định đến sự thành công của quốc gia trong hội nhập quốc tế cũng như trong khát vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ. 

gian-tu-trung-1665309914.jpg
Tiến sĩ Giản Tư Trung: “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, bằng cách dùng sản phẩm hay dịch vụ như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”

Theo Tiến sĩ Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, nghề kinh doanh, xưa nay vẫn thường bị hiểu chỉ như là nghề “kiếm tiền”. Nhưng thực chất, không hề có nghề kiếm tiền, bởi nghề nào thì cũng kiếm tiền cả. Chẳng hạn, luật sư kiếm tiền bằng việc hành nghề luật, bác sĩ kiếm tiền bằng cách chữa bệnh cứu người… Và doanh nhân, người hành nghề kinh doanh, cũng kiếm tiền bằng cách lãnh đạo một doanh nghiệp và thông qua doanh nghiệp đó để giải quyết vấn đề hay đáp ứng nhu cầu nào đó của xã hội.

"Nhưng điều khác biệt của nghề kinh doanh là trong quá trình hành nghề của mình doanh nhân không hành động một cách đơn lẻ mà biết kiến tạo ra các chuỗi giá trị. Cụ thể hơn, họ nắm lấy một doanh nghiệp và tập hợp bên mình nhiều thành viên để cùng cộng hưởng lại nhằm hình thành một sức mạnh tổng lực, từ đó tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội. Đó cũng chính là lý do mà nghề kinh doanh thường kiếm được nhiều tiền hơn so với những nghề khác và vẫn được cộng đồng xã hội ủng hộ", Tiến sĩ Giản Tư Trung chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Giản Tư Trung, nghiên cứu 25 huyền thoại doanh nhân thế giới cho thấy, dù có quá nhiều sự khác biệt nhưng họ đều có chung một tư tưởng chủ đạo: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”. Hay nói một cách đầy đủ hơn, “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, bằng cách dùng sản phẩm hay dịch vụ như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Cái “đạo” kinh doanh này đã được họ quán triệt ngay từ buổi đầu khởi nghiệp đầy gian khó cho tới lúc thành công. Và sự thật này cũng chính là lý do giúp họ kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất, bền nhất, còn bản thân họ thì được xã hội tôn vinh, nể trọng, và rồi họ đi vào lịch sử kinh doanh thế giới như những huyền thoại, doanh nghiệp của họ cũng vĩ đại và trường tồn.

Theo TS Giản Tư Trung, với một tâm thế luôn hướng về cộng đồng, luôn khát khao làm cho xã hội quanh mình (có thể nhỏ gọn trong một ngôi làng hoặc rộng lớn bằng cả một hệ mặt trời) tốt đẹp hơn, chính họ, những doanh nhân (dù lớn hay nhỏ, dù “Tây” hay “Ta”, dù “cổ” hay “kim”) luôn được xã hội tôn vinh không phải vì số của cải khổng lồ họ kiếm được, mà vì những đóng góp vô giá của họ vào sự đổi thay của thế giới này.

Công Lý

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dao-duc-kinh-doanh-la-mot-trong-nhung-yeu-to-phai-dat-len-hang-dau-a8954.html