Làng khoa học, khởi nghiệp xanh sẽ giúp đưa ra các giải pháp tái cấu trúc chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu - theo ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện kinh tế Xanh nhận định.
Mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh ngày 15.1, ông Lê Thành dẫn câu chuyện chia con của Âu Cơ và Lạc Long Quân về hai hướng lên rừng - xuống biển. Hình ảnh biểu tượng cho mô hình kinh tế bền vững dựa vào logistics, phát triển cả kinh tế biển và kinh tế rừng. Cùng với những gợi ý của các chuyên gia về kinh tế biển và vai trò của Trà Vinh trong kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Thành đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế trong tương lai khi biến đổi khí hậu đe dọa.
Ông Thành cho biết Viện Kinh tế Xanh hiện đang đầu tư mô hình phát triển khoa học công nghệ và khởi nghiệp xanh tại Trà Vinh trên nền tảng kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.
Trong bài phát biểu của tại lễ khởi động năm chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Cộng đồng ASEAN sẽ là mẫu hình của kinh tế tuần hoàn với một sức mạnh mới". Thủ tướng cũng nhấn mạnh tại hội nghị phát triển bền vững năm 2019: “Cần thực hiện đồng bộ chiến lược quốc gia, tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cho sự phát triển vững". Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng phát triển bền vững nên lấy con người làm trung tâm
Kinh tế nâu - mô hình kinh tế sử dụng hầu hết các tài nguyên thiên nhiên hiện nay đã không chống chịu được dưới tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, ông Lê Thành cho rằng phải tái lập một mô hình mới là kinh tế tuần hoàn để cấu trúc lại chuỗi giá trị bền vững, thân hiện, sử dụng ít tài nguyên hơn. Khi đó, hệ sinh thái sẽ được đảm bảo.
Như vậy, theo ông Lê Thành, chìa khóa của kinh tế tuần hoàn là ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị để tối ưu hóa vòng đời của tài nguyên thiên nhiên, hình thành các khu vực nghiên cứu chuyên sâu về phát triển kinh tế bền vững.
“Ở đây, với kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế, chúng ta phải bảo đảm gắn liền với văn hóa bản địa, mang lại đời sống cho người dân địa phương, gắn liền với hạnh phúc của con người trong chương trình môi trường của Liên hợp Quốc đã công bố”, ông Thành nói. Câu chuyện của ngôi làng ở Hà Lan đang chống chịu với thiên nhiên một cách bền vững khi tìm ra cách sống dưới mực nước biển, có hệ thống giao thông đường thủy là trọng tâm là một ví dụ.
Một ví dụ khác cũng được đưa ra là ngôi làng thứ hai, cũng tại Hà Lan - được gọi là thế hệ tương lai của Hà Lan với khả năng tự cung tự cấp, dùng năng lượng tái tạo. Ngôi làng trở thành một trung tâm (hub) tri thức với những dự án khởi nghiệp của Hà Lan. Thành phố thứ ba được nhắc tới là thành phố khoa học của Hàn Quốc - nơi các sáng chế, các sáng kiến (của nhà khoa học, trường đại học của Hàn Quốc) liên kết từ đây đi ra thế giới.
“Chúng ta phải nhận ra rằng biến đổi khí hậu là một cơ hội để chúng ta đổi mới sáng tạo”, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Kinh tế xanh nói. Hiện nay ở miền Tây Nam Bộ, cây mãng cầu xiêm được cấy ghép mọc trên gốc bình bát tại các bờ kè mặt nước đang lên là một minh chứng cho sự thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trà Vinh nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long - vùng được nhận định chịu ảnh hưởng của đổi khí hậu. Và đây chính là cơ hội để các nhà khoa học trên thế giới quan tâm về đây thực nghiệm, sống với thiên nhiên. “Cho nên, toàn bộ dự án đầu tư của Viện Kinh tế xanh cùng với Quỹ khởi nghiệp xanh kêu gọi các nhà đầu tư làm khoa học công nghệ và khởi nghiệp xanh tại Trà Vinh”, ông Lê Thành tiết lộ.
Trà Vinh sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ về thích ứng biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu là đưa ra các giải pháp giúp tái cấu trúc chuỗi giá trị ngành nghề truyền thống. Nơi đây sẽ được gọi là "làng khoa học” mà không phải thành phố. Ông Lê Thành lý giải, không thể từ bỏ chữ làng vì đây là vùng của văn hóa bản địa (với người Kinh, người Hoa, người Khmer đã sống hàng ngàn năm nay) với không gian sống hiền hòa với thiên nhiên cây cỏ, con người thân thiện với sông nước. Sự phát triển của làng này phải giúp tạo ra sinh kế bền vững cho cả Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện Viện Kinh tế Xanh đã được chuyển giao khoa học về loại vật liệu chống chịu được với biến đổi khí hậu, thích hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long.
“Chúng tôi đã kết nối được hơn 30 nhà khoa học Anh, Mỹ, Úc, Canada… tham gia vào làng khoa học, đến thời điểm này", ông Lê Thành chia sẻ trước Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư.
Làng khoa học sẽ trở thành trung tâm cho sinh viên, nhà khoa học tham gia đóng góp. Học sinh, sinh viên trên khắp thế giới sẽ được tạo điều kiện để thực tập những ngành mà họ cảm thấy cần có trách nhiệm trước biến đổi khí hậu để bảo vệ “mẹ trái đất”.
Cùng với đó, dự án kỳ vọng sẽ xây dựng vườn thực nghiệm bảo tồn nguồn gen của cây cối, sinh vật bản địa dù một ngày, biến đổi khí hậu làm thay đổi quan điểm về gieo trồng, chăn nuôi. Nơi đây phải là bảo tàng lưu giữ nguồn gen, là trung tâm công nghệ sinh học. “Trà Vinh phải nằm ở chặng cuối của hai con sông Tiền và sông Hậu, nơi phù sa đổ về, có những chủng vi sinh tuyệt vời mà chúng ta phải lưu giữ lại. Sau này, từ những chủng vi sinh chúng ta có thể thích ứng trở lại với chính biến đổi khí hậu. Bảo tồn nguồn gen và bảo tồn vi sinh vật để phù hợp với xu hướng biến đổi khí hậu”, ông Lê Thành phân tích.
Ngoài ra, làng khoa học - mà Trà Vinh là trung tâm, sẽ là nơi lưu giữ văn hóa bản địa với với các dự án nhà hát nổi trên sông, giải đua thuyền quốc tế dọc sông Hậu…
Ông Lê Thành tiết lộ, Công ty cổ phần Green Logistics đã đăng ký đầu tư vào đây hơn 2.000 tỉ đồng. Viện Kinh tế Xanh được các Bộ ngành cho phép đi kết nối các nguồn lực để xây dựng làng khoa học quốc tế, khởi nghiệp xanh Trà Vinh như một trung tâm tri thức của thế giới gần gũi với “mẹ thiên nhiên”. “Ngôi làng này thân thuộc nhưng chứa đựng những mô hình, giải pháp kinh tế trong tương lai", ông Lê Thành nói.
Thái Hoàng
minhtam
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/xay-dung-tra-vinh-thanh-lang-khoa-hoc-khoi-nghiep-xanh-chong-bien-doi-khi-hau-a895.html