Ông Don Lam, CEO VinaCapital: Các nhà đầu tư vẫn thấy cơ hội đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn bao giờ hết

Theo các chuyên gia đến từ VinaCapital cho rằng từ góc độ định giá: thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất rẻ so với khu vực. Do đó, tuy có những bất định ở phía trước nhưng nếu nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn từ 5-10 năm, đây là thời điểm hấp dẫn để nắm giữ cổ phiếu.

VinaCapital, một trong những tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu Việt Nam, tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư năm 2022 tại TP. HCM và chào đón gần 100 nhà đầu tư đến từ các nước trên thế giới. Diễn ra từ ngày 5-7/10/2022, hội nghị có sự tham dự của nhiều diễn giả đại diện cho các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, từ những công ty công nghệ khởi nghiệp cho đến các tập đoàn công nghiệp lớn.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, cho biết: “Hội nghị Nhà đầu tư gần nhất được chúng tôi tổ chức trực tiếp là cách đây ba năm và từ đó đến nay thế giới đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, có một điều vẫn không thay đổi đó là sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Không nhiều quốc gia có thể vượt qua đại dịch và hồi phục mạnh mẽ như Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng vì các nhà đầu tư đến Việt Nam để nghe và thấy rằng cơ hội đầu tư ở đây nhiều hơn bao giờ hết”.

vinacapital-1-1665049071.jpeg
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital

Nền kinh tế Việt Nam đang có sự “khác biệt” so với nền kinh tế thế giới

Chia sẻ tại sự kiện, ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư của VinaCapital cho biết: “Sự biến động của thị trường chứng khoán đã làm không ít nhà đầu tư bất an, tuy nhiên điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là các công ty niêm yết và công ty tư nhân của Việt Nam vẫn đang hoạt động hiệu quả nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa. Các công ty được chúng tôi đầu tư, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, vẫn đang ghi nhận doanh thu ổn định, thậm chí cao hơn giai đoạn trước đại dịch. Với sự tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế, chúng tôi tự tin rằng các doanh nghiêp này sẽ liên tục phát triển và tạo ra lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư trong dài hạn”.

Đồng thời, ông Andy Ho cũng nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam có sự khác biệt với kinh tế thế giới. Cụ thể,  Việt Nam đang chia tách ra so với nền kinh tế của Mỹ và thế giới, tức là Việt Nam đang phát triển mạnh các ngành bán lẻ, dịch vụ, sản phẩm rất mạnh. Trong khi đó, các nước khác như Mỹ đang gặp lạm phát cao với mức 8-9% hay châu Âu với mức 9-10%, lạm phát của Việt Nam tương đối ổn với mức 2-3%.

Lý giải về nguyên nhân có sự khác biệt này, ông Andy Ho nêu ra 2 lý do. Thứ nhất, do nhà đầu tư trực tiếp FDI đầu tư rất nhiều về Việt Nam bởi họ đang đa dạng hóa ngành sản xuất. Trước đây, họ mở 10-20 nhà máy ở Trung Quốc thì hiện nay họ vẫn giữ những nhà máy đó, tuy nhiên họ sẽ đa dạng hóa mở thêm từ 1-4 nhà máy tại Việt Nam. Như việc Apple sắp sửa đầu tư sản xuất đồng hồ hay Lego cũng sẽ mở nhà máy sản xuất đồ chơi tại Việt Nam. Đây là chiến lược của các nhà sản xuất quốc tế, đa dạng hóa ngành sản xuất từ Trung Quốc hay nước khác vào Việt Nam. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho Việt Nam “quảng bá” với cơ sở hạ tầng, đất đai, con người, khả năng, kinh nghiệm để sản xuất những sản phẩm này cho thế giới.

Thứ hai, nền kinh tế kinh tế Việt Nam đang phát triển mảng bán lẻ rất mạnh. Do tình hình đi du lịch nước ngoài chưa nhiều, chủ yếu tập trung mua sắm ở trong nước tạo ra sự phát triển cho ngành bán lẻ. Những doanh nghiệp như Masan, Thế Giới Di Động, PNJ cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

vinacapital-2-1665049068.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Nhà đầu tư năm 2022 của VinaCapital

Về GDP, ông Andy Ho cho biết dự báo GDP năm nay tăng khoảng 8%. Năm nay, tuy không có sự đóng góp từ du lịch quốc tế nhưng bù lại sản xuất, xuất khẩu mạnh. Sang năm, khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu phát triển chậm lại, nhu cầu giảm đi, tăng trưởng về sản xuất có thể giảm nhưng thay vào đó du khách nước ngoài có thể bắt đầu đến Việt Nam. Du lịch quốc tế đang chiếm xấp xỉ 10% GDP.

Về dự báo cho năm 2023, VinaCapital cho rằng số tiền chi cho đầu tư hạ tầng tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, tiêu thụ cá nhân sẽ giảm đi cũng như khả năng xuất khẩu giảm vì nền kinh tế co lại. Vì vậy, tăng trưởng GDP dự báo khoảng 6-7%/năm.

Về tiền tệ, năm nay VNĐ mất khoảng 4-5% so với USD, con số này vẫn tương đối thấp so với các nước Đông Nam Á (trung bình mất từ 10-12%). Điều này cũng tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp đang vay USD, vì thế các doanh nghiệp sẽ có động lực đi tìm USD để trả nợ. Áp lực này sẽ làm tăng giá trị USD đi lên và tạo áp lực giảm giá tiền VNĐ đi xuống. Tuy nhiên, đây là vấn đề của tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam.

Thời điểm hấp dẫn để nắm giữ cổ phiếu

Chia sẻ về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu VinaCapital cho biết về dài hạn thị trường chứng khoán rất tích cực.

Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong chu kỳ tăng trưởng khá nhanh so với các nước cùng mức độ phát triển như Việt Nam, tức là những nước cận biên hay nước có nền kinh tế mới nổi. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam rất là tốt. Dự báo trong dài hạn có thể đạt được mức tăng trưởng từ 6-7%, bởi Việt Nam có nền tảng tốt về dân số: với hơn 100 triệu dân và dân số trẻ, mức độ phụ thuộc thấp.

Hiện nay, Việt Nam thu hút nhiều FDI do đó nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam ổn định một cách vượt bậc so với các nước trong khu vực, nhất là trong giai đoạn mới đây khi mà đồng tiền ở một số nước ở Đông Nam Á bị phá giá ở mức rất lớn trong khi tiền VNĐ vẫn giữ được sự ổn định.

vinacapital-4-1665072390.PNG
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu VinaCapital

Về ngắn hạn, bà Thu cho rằng thị trường chứng khoán sẽ gặp phải những rào cản khá là mạnh. Đầu tiên là những căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu phủ “bóng đêm” lên nền kinh tế, tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, làm cho giá hàng hóa tăng và gây ra lạm phát ở rất nhiều nơi trên thế giới gây tác động tâm lý tiêu cực đến các nhà đầu tư. Điều này, dẫn đến các Ngân hàng Trung ương đưa ra các chính sách thắt chặt tiền tệ thay vì nới lỏng như những năm xảy ra dịch Covid-19.

Ngoài ra, việc siết chặt quản lý trên thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu sẽ làm cho các tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp và có tầm nhìn dài hạn, bà Hoài Thu cho rằng điều này rất tích cực bởi vì nó mang lại môi trường đầu tư lành mạnh hơn và tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán cũng như trái phiếu Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư cá nhân họ lại hoang mang, điều này thể hiện thông qua việc thanh khoản suy giảm rất mạnh trong thời gian gần đây.

Một điều đáng lưu tâm là chỉ số VN-Index cũng bám sát sự sụt giảm của thanh khoản này. Mặc dù đã giảm tới một nửa nhưng mức thanh khoản hiện nay vẫn đang cao hơn gấp 3 lần so với cả thời gian trước đại dịch Covid-19.

Vậy điểm sáng trên thị trường chứng khoán là gì? Từ góc nhìn của bà Hoài Thu, điểm sáng là định giá thị trường Việt Nam đang rất rẻ so với khu vực.

Mức độ chiết khấu về định giá tính trên chỉ số P/E tương lai của thị trường Việt Nam so với thị trường Đông Nam Á cho thấy mức chiết khấu trung bình trong 5 năm gần đây thấp hơn rất nhiều so với mức chiết khấu hiện nay.

Ví dụ đối với các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines có mức chiết khấu trung bình trong 5 năm là 12% và hiện giờ đang là 36% - gấp 3 lần so với mức trung bình trong quá khứ. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đang rẻ hơn một cách tương đối so với các thị trường khác trong khu vực.

Trong khi định giá ở mức rẻ, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết thì rất hấp dẫn. Năm 2023, dự báo là mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết lên tới 19%, cao hơn hẳn so với các nước khác trong khu vực, đây là điểm đặc biệt đáng lưu ý.

Thêm một góc nhìn khác, Earning Yield – nghĩa là lợi tức từ việc nắm giữa cổ phiếu so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại ngân hàng Vietcombank, hiệu số của hai tỷ suất này đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Hiệu số này cho thấy mức hấp dẫn tương đối của việc nắm giữa cổ phiếu so với việc gửi tiền tiết kiệm.

Nếu nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn từ 5-10 năm, đây là thời điểm hấp dẫn để nắm giữ cổ phiếu mặc dù có thể phía trước là những bất định liên quan đến địa chính trị hay lạm phát trên toàn cầu.

“Tóm lại, thị trường chứng khoán rất tích cực trong dài hạn, còn trong ngắn hạn thì cũng có nhiều yếu tố bất định. Tuy nhiên, về mặt định giá chúng tôi có thể tự tin khẳng định rằng thị trường Việt Nam hiện nay đang ở trong vùng định giá rất hấp dẫn kể cả so với quá khứ của chính thị trường Việt Nam cũng như so với các nước khác trong khu vực”, bà Nguyễn Hoài Thu nhận định.

Hà Giang

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ong-don-lam-ceo-vinacapital-cac-nha-dau-tu-van-thay-co-hoi-dau-tu-o-viet-nam-nhieu-hon-bao-gio-het-a8942.html