Trà Vinh - Điểm đến đầu tư

Với những tiềm năng về khí hậu ôn hoà, điều kiện kinh tế, tài nguyên môi trường và con người, Trà Vinh đang là điểm đến cho các nhà đầu tư.

Một góc Trà Vinh, nhìn từ trên cao (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)
Một góc Trà Vinh, nhìn từ trên cao (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)

Nằm tại khu vực phía Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 2.358 km2, tỉnh Trà Vinh là nơi hội tụ đầy đủ nét văn hoá, con người, lịch sử và truyền thống cách mạng. Với dân số trên một triệu người, Trà Vinh là nơi sinh sống của 3 dân tộc anh em: Kinh, Khmer, Hoa - 3 bản sắc dân tộc riêng được hòa quyện sống chan hoà trên cùng một mảnh đất.

Trà Vinh được “mẹ thiên nhiên” ưu ái về vị trí địa lý. Tiếp giáp biển Đông với chiều dài 65 km bờ biển, Trà Vinh bao gồm vùng đất châu thổ lâu đời với nguồn tài nguyên biển dồi dào, được bao bọc bởi hai nhánh sông Tiền và sông Hậu tiếp giáp biển Đông, với 2 cửa sông Cung Hầu và Định An là 2 cửa sông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhờ lợi thế địa lý, Trà Vinh còn là cửa ngõ thông quan của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long với hệ thống cảng sông, cảng biển và đường Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào Sông Hậu. Tuyến luồng này đóng vai trò là huyết mạch ổn định lâu dài, nâng cao thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế và trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến các khu vực khác trong nước và trên thế giới bằng đường thủy, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế địa phương.

Trà Vinh sở hữu lợi thế phát triển cảng biển nói riêng và kinh tế biển nói chung (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)
Trà Vinh sở hữu lợi thế phát triển cảng biển nói riêng và kinh tế biển nói chung (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)

Đặc biệt, bên cảng Định An là bến cảng tổng hợp, container cho tàu trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn; lâu dài sẽ phát triển thành bến chính của cảng với vai trò xuất nhập khẩu hàng hoá cho toàn vùng.

Không những thế, giao thông đường bộ tại tỉnh Trà Vinh cũng phát triển với 4 tuyến Quốc lộ chính là 53, 53B, 54 và 60, kết nối tỉnh Trà Vinh thông suốt với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Tỉnh luôn đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghiệp với 1 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp. Đặc biệt trong đó, khu kinh tế Định An của Trà Vinh là một trong 16 khu kinh tế ven biển của cả nước, đồng thời là một trong 2 khu kinh tế ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long.

Điện năng cũng mang lại lợi thế phát triển cho Trà Vinh. Năm 2019, sản lượng điện sản xuất tại Tỉnh đạt trên 16 tỷ Kwh, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trung tâm Điện lực Duyên Hải với công suất 4.400 MW, Điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh với công suất 165 MWp, cùng tiềm năng lớn về năng lượng điện gió, điện mặt trời, sẽ góp phần đảm bảo cung cấp nguồn điện một cách ổn định.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)

Về nguồn nhân lực, Trà Vinh có lực lượng lao động dồi dào, với khoảng 620.000 người trong độ tuổi lao động. Ngoài bậc phổ thông, tỉnh còn có 1 trường Đại học, 2 trường Cao Đẳng, 1 trường trung cấp và 20 cơ sở sở đào tạo, dạy nghề. Các cơ sở đào tạo tại Trà Vinh đủ góp phần cung ứng lao động trình độ cao cho Tỉnh và khu vực. Trường Đại Học Trà Vinh đào tạo đa ngành, với số lượng sinh viên hằng năm hơn 25.000 người, tốt nghiệp từ 8.000 – 10.000 sinh viên mỗi năm, cung ứng đủ cho thị trường lao động.

Với những lợi thế kể trên, Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế trong lĩnh vực Công Nghiệp, Nông nghiệp công nghệ cao, Thương mại và Du lịch.

Năm 2019, tăng trưởng GRDP tỉnh Trà Vinh ước đạt 14,85%. Trong đó cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo định hướng. Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng – dịch vụ trong cơ cấu GRDP tăng từ 66,02% năm 2018 lên thành 68,26% năm 2019. GRDP bình quân đầu người tăng từ 53,12 triệu đồng/người/năm 2018, lên thành 59,09 triệu đồng/người/năm 2019.

Các ngành công nghiệp chủ lực của Trà Vinh không thể không kể đến những ngành công nghệ cao như: hóa chất cơ bản, dược phẩm, mỹ phẩm, điện tử... và các ngành công nghiệp khác như sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí, chế biến nông thủy hải sản, chế biến dừa, mía đường, hạt điều, thức ăn chăn nuôi, giày da, may mặc,…

Năm 2019, sản xuất công nghiệp tại Trà Vinh chuyển biến tích cực với tổng giá trị ước đạt 38.584 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoá không khí tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 49,6% (chiếm 53,8% giá trị sản xuất toàn ngành); công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,9% (chiếm 45,6% giá trị sản xuất toàn ngành).

Với địa hình thấp và phẳng, hệ thống sông rạch phong phú nên đất đai luôn được phù sa bồi đắp, Trà Vinh sở hữu lợi thế phát triển nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và phong phú, hội tụ các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ gắn với các loại sản phẩm đặc thù. Một số loại cây trồng thế mạnh của Trà Vinh gồm có lúa, xoài, cam, quýt, nhãn, chôm chôm, chuối, thanh long, dừa, dừa sáp,…. Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản phát triển toàn diện nuôi trồng và khai thác, với sản phẩm đặc trưng bao gồm tôm sú, tôm chân trắng, cua biển và các loại thuỷ sản khác như cá tra, cá lóc,…

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong năm 2019 (theo giá so sánh 2010) đạt 28.157 tỉ đồng, tăng 2,87% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: nông nghiệp đạt 17.958 tỉ đồng, tăng 1,51%, lâm nghiệp đạt 305 tỉ đồng, tăng 0,15% và thủy sản đạt 9.894 tỉ đồng, tăng 5,52%.

Về thương mại – dịch vụ, hạ tầng thương mại tại Trà Vinh ngày càng hiện đại, phát triển đa dạng. Cùng với hệ thống chợ, Trà Vinh hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 11 cửa hàng bách hoá xanh và 8 máy bán hàng tự động. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được thực hiện với hình thức đa dạng, thông qua các hội chợ, lễ hội, phiên chợ hàng Việt,…

Chùa Âng - ngôi chùa Khmer cổ nhất tại Trà Vinh (Ảnh: Bảo Zoãn/Tạp chí Nhà Quản Lý)
Chùa Âng - ngôi chùa Khmer cổ nhất tại Trà Vinh (Ảnh: Bảo Zoãn/Tạp chí Nhà Quản Lý)

Ngành du lịch Trà Vinh có nhiều điều kiện khai thác và phát triển. Ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, Trà Vinh còn sở hữu những thắng cảnh nổi tiếng như: Biển Ba Động, Ao Bà Om, cùng nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa và những cảnh quan sông nước miệt vườn. Hiện Trà Vinh có 10 di tích lịch sử, kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 1 bảo vật quốc gia, cùng với 143 ngôi chùa Nam tông Khmer với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo. Đây là những điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước có sở thích tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng.

Với những tiềm năng về khí hậu ôn hoà, điều kiện kinh tế, tài nguyên môi trường và con người, Trà Vinh đang là điểm đến cho các nhà đầu tư.

Ngoài chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, tỉnh còn có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh cũng tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, rút ngắn thời gian thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Để Trà Vinh đang ngày càng phát triển nhanh và bền vững, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư là một chủ trương lớn của lãnh đạo tỉnh, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế xã hội quan trọng của Tỉnh, cải thiện cuộc sống cho nhân dân, góp phần trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tạp chí Nhà Quản Lý (lược ghi)

tamvu

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tra-vinh-diem-den-dau-tu-a893.html