Ông Nguyễn Thiện Nhân: Toàn bộ tỉnh Trà Vinh đều nằm trong vùng kinh tế biển

Trà Vinh cùng các tỉnh miền Tây Nam Bộ chưa phát huy được lợi thế kinh tế biển bên cạnh nông nghiệp, thủy sản.

Trong vòng chưa đầy một năm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã hai lần về lại Trà Vinh để tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư. Sau bài góp ý về kinh tế xanh định hướng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm quả-rau-hoa hồi tháng 4.2019, lần này, ông Nhân mang tới Hội nghị Xúc tiến đầu tư Trà Vinh 2020 ngày 15.1 câu chuyện về kinh tế biển.

Là người con của đất Trà Vinh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã nghe nhiều về kinh tế biển. Ở nhiều nước, kinh tế của các tỉnh thành phố ven biển có thể chiếm tới 80% giá trị nền kinh tế. Tiềm năng để phát triển vẫn còn khi 28 tỉnh thành phố ven biển Việt Nam mới chỉ đóng góp ⅔ tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bí thư Thành ủy TP.HCM tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh 2020 (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Trà Vinh, vừa diễn ra sáng ngày 15.1.2020 (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)

Theo quan điểm của nhiều quốc gia, vùng kinh tế biển được tính theo khu vực cách bờ biển 100km, hoặc khu vực có tồn tại hệ sinh thái biển. Cả TP.HCM và Trà Vinh đều có thể coi là vùng kinh tế biển nếu theo tiêu chuẩn chiều sâu không quá 100km kể từ bờ. Điểm xa nhất của Trà Vinh cách mép nước 88km, ở TP.HCM con số này là 75km. Như vậy, toàn bộ tỉnh Trà Vinh nằm trong khu vực kinh tế biển, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Bảy tỉnh Tây Nam Bộ có biển hiện đóng góp 6,4% trong nền kinh tế Việt Nam. Bí thư Thành ủy TP.HCM phân tích, lợi thế của miền Tây về kinh tế biển phát huy chưa nhiều. Nông nghiệp, thủy sản vẫn chiếm vai trò chủ yếu. 50% gạo, 65% thủy sản và 70% trái cây xuất khẩu xuất đi từ miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, ⅔ trong số này hiện đang đi qua các cảng của miền Đông Nam Bộ.

“Đây là sự bất hợp lý của vùng. Nông nghiệp phát triển nhưng đường xuất khẩu phải nhờ nơi khác. Tiềm năng kinh tế biển chưa phát huy. Để miền Tây phát triển hơn ngoài nông nghiệp, kinh tế biển đóng vai trò rất quan trọng”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Hệ thống sông Cửu Long nằm ngang kết nối các tỉnh với vùng ven biển rất thuận lợi. Cùng với đó, đường bộ đang phát triển theo chiều dọc từ Cà Mau về TP.HCM. Kinh tế biển, giao thông trên biển kết hợp với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ của khu vực này rất thuận lợi.

Trong giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu là một vấn đề cần quan tâm. “Biến đổi khí hậu là thách thức nhưng chúng ta phải chung sống và biến thành thời cơ”, ông nói. Miền Tây Nam Bộ phải tính tới việc sống thế nào, đô thị hóa ra sao, phát triển làng xóm theo hướng gì… khi biến đổi khí hậu. Lãnh đạo TP.HCM gợi ý, cùng với Cần Thơ, Trà Vinh có thể trở thành trung tâm nghiên cứu về thích ứng biến đổi khí hậu của vùng biển phía Nam cả về đô thị hóa, nông nghiệp, kinh tế biển và văn hóa.

Qua hội nghị lần này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết nhận thức thêm về tiềm năng kinh tế biển của TP.HCM khi có chiều sâu 75km từ Cần Giờ tới Củ Chi. TP.HCM cùng với hai tỉnh Đông Nam Bộ và bảy tỉnh Tây Nam Bộ có kinh tế biển đặc thù phải bàn bạc phải cùng nhau đồng bộ hóa các điều kiện để toàn vùng phát triển. 28 tỉnh có biển trong tương lai có thể chiếm 70-80% kinh tế cả nước. Ông Nhân khuyến nghị rà soát hoàn thiện đường lối phát triển kinh tế biển, làm rõ hơn động lực của Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người. Ngoài ra, ông cho rằng nên hiện đại hóa đất nông nghiệp và tiềm năng nông nghiệp cùng các nguồn tài nguyên với kinh tế biển, phát huy tiềm năng tĩnh lũy trong lĩnh vực công nghệ…

Thái Hoàng

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ong-nguyen-thien-nhan-toan-bo-tinh-tra-vinh-deu-nam-trong-vung-kinh-te-bien-a891.html