Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu Việt Nam đã đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…
Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên chặng đường phát triển nông nghiệp hữu cơ phía trước còn vô vàn những khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thương mại sản phẩm như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…
Ông Lê Khắc Cương,Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Quốc tế TH Group cho biết, để có một sản phẩm hữu cơ chuẩn tốn quá nhiều thời gian.
Theo ông Cương, do yếu tố lịch sử, tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) làm chai đất, độ PH chỉ 3-4. TH phải kiên trì 5-7 năm mới cải tạo được để đưa vào sản xuất. Chưa kể, trong quá trình sản xuất, chỉ một mẫu không đạt sẽ phải làm lại từ đầu. Do đó, giá thành sản phẩm đội lên rất cao. Đây cũng là thách thức không nhỏ khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.
Đồng quan điểm, ông Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch HĐQT Vinamit cho hay, để làm nông nghiệp hữu cơ thực chất, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo uy tín, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự tâm huyết, giữ uy tín, bởi khi bắt đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn như thiếu chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao, kinh phí, vốn đầu tư,...
Ông Quân cũng thẳng thắn nói rằng: “Hiện nay Vinamit vẫn chưa thể tin tưởng được một số nhà cung cấp do nhiều đơn vị chưa đảm bảo đúng theo cam kết ban đầu…”
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh chia sẻ, thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trong đó có Bảo Minh, đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn. Thế nên, họ vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán sản phẩm ra thị trường với giá thường.
Đối với thị trường nước ngoài, ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - Giám đốc Điều hành Ecolink cho hay, từ năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực sự làm chủ nông nghiệp hữu cơ. Cũng trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới đã đi lên được một chút. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu. Do đó, chúng tôi cho rằng hướng đi vào thị trường trong nước sẽ dễ hơn, vấn đề là phải khơi thông được thị trường này.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là một sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Đồng thời, sảm phẩm hữu cơ mang giá trị tái tạo môi trường, trách nhiệm bảo vệ con người và trách nhiệm chung với tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.
Song, ông cũng thừa nhận những khó khăn mà nông nghiệp hữu cơ phải khắc phục như: xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sảm phẩm hữu cơ; điều kiện sản xuất trên diện rộng còn hạn chế; về hợp lực ngành hàng để cùng nhau đi xa hơn, ở quy mô lớn hơn trong câu chuyện về thị trường.
Do vậy, cần chận thức đúng về mặt sản xuất, tiêu dùng, chia sẻ thông tin. Điều quan trọng là truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa, số hóa sản phẩm hữu cơ, ông Toản chỉ rõ.
Quang Thuận
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/doanh-nhan-viet-noi-gi-ve-lam-nong-nghiep-huu-co-a8868.html