Cần làm gì để doanh nghiệp số Việt không bơ vơ trên sân chơi toàn cầu?

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam còn đơn độc, bơ vơ, bị thua thiệt… khi gặp phải vấn đề tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trên Internet là những chủ đề nóng trong buổi Tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” do Câu lạc bộ Nhà báo ICT (ICT Press Club) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Nền kinh tế số đang thiệt hại hàng triệu USD do tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Nền kinh tế Internet đang mở ra tiềm năng rất lớn cho các startup với doanh thu được dự báo lên tới hàng chục tỷ USD vào năm 2025. Hiện nay có rất nhiều sản phẩm số của Việt Nam đạt top 10 trên toàn cầu, mở ra những tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.

ict-1-1664446425.jpg
 

Các doanh nghiệp Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị, nằm trong top đầu của thế giới, như các sản phẩm GameFi, game blockchain hay các sản phẩm giải trí như: Phim hoạt hình, âm nhạc, nội dung giải trí phát hành trên các nền tảng trực tuyến.

Song hiện không ít sản phẩm nội dung số của Việt Nam khi đi ra toàn cầu, dù các doanh nghiệp đã nhận thức và thực hiện đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ nhưng trên môi trường số đã gặp phải những trường hợp tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp nước ngoài, và phần thua thiệt đã thuộc về các doanh nghiệp Việt.

Buổi Toạ đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” đã thực sự “nóng” lên khi ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect Vietnam chia sẻ câu chuyện cạnh tranh bản quyền giữa Sconnect và một chủ thể nước ngoài là Entertaiment One (EO).

Ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết, do YouTube thiên vị cho doanh nghiệp Anh dẫn đến Sconnect phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đối thủ EO lợi dụng chính sách của các nền tảng xuyên biên giới để cạnh tranh không lành mạnh trong vụ việc “sói Wolfoo” và “lợn Peppa”.

Theo đó, trong 8 năm phát triển và trở thành một đơn vị sản xuất với hệ sinh thái Wolfoo có 2 tỉ lượt xem mỗi tháng trên nền tảng YouTube, giờ đây Sconnect đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ mạnh của Anh là EO.

ict-9-1664446518.jpg

Ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO Sconnect Vietnam phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Wolfoo là bộ nhân vật hoạt hình do Sconnect xây dựng, hiện kênh nội dung về nhân vật này thu hút 50 triệu người theo dõi, đang phải chịu thua thiệt trong vụ kiện tranh chấp bản quyền với bộ nhân vật hoạt hình Pepa Pig của EO.

Mặc dù Wolfoo đã được đăng ký đầy đủ chứng nhận bản quyền hình ảnh, nhân vật, kịch bản tại Việt Nam, Mỹ và nhiều quốc gia khác, nhưng khi EO đánh bản quyền và vẫn được YouTube chấp nhận đã gây thiệt hại rất lớn cho Wolfoo về doanh thu hơn 1 triệu USD, cũng như ảnh hưởng về uy tín thương hiệu.

Là một doanh nghiệp sản xuất nội dung âm nhạc với hơn 500 kênh trên các nền tảng quốc tế, đại diện Ant Group cho biết, tập đoàn này cũng gặp vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ với đối thủ bên Mỹ. Có nhiều nội dung về âm nhạc, do Ant Group sản xuất, sau đó một đơn vị nước ngoài lấy bản quyền, đăng ký giai điệu bài hát. Ant Group chưa có giấy tờ pháp lý trên nền tảng YouTube nên mất bản quyền và không thể sản xuất nội dung về bài hát đó. Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có tổ chức có thẩm quyền ở Việt Nam chấp nhận quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề. Nên Ant Group mong muốn được cơ quan quản lý có thẩm quyền hỗ trợ về cấp giấy phép chứng nhận để đảm bảo về pháp lý cho sản phẩm sáng tạo.

Ông Võ Thanh Hải, Tổng giám đốc Viettel Media cho biết: “Vi phạm bản quyền trên mạng là bài toán rất nhức nhối. Viettel Media đang sở hữu hàng chục nghìn giờ phim, hàng chục nghìn bài hát để kinh doanh trên online. Nhiều trường hợp bị các đơn vị quốc tế đánh dấu bản quyền với nội dung do Viettel sản xuất. Rồi tình trạng vi phạm bản quyền nội dung trên các website không giải quyết được. Việc phát hiện vi phạm không khó, nhưng xử lý thì rất lâu và không hiệu quả”.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt cần “bệ đỡ” trên sân chơi toàn cầu

Các ý kiến tại Toạ đàm nêu ra thực trạng các công ty sản xuất nội dung số Việt Nam đã làm ra những sản phẩm tốt, mang doanh thu kiều hối từ nước ngoài về nhưng khi gặp khó khăn khi xuất khẩu ra nước ngoài, hay bị tranh chấp bản quyền, bị cạnh tranh bởi những doanh nghiệp mạnh có tiềm lực ở nước ngoài, lại không biết dựa vào đâu, không biết cơ quan nào có thể đứng ra đồng hành cùng doanh nghiệp.

“Trước sức ép của EO và sự thiên vị của YouTube, hoạt động của Sconnect bị gián đoạn khi phải dồn nguồn lực triển khai thủ tục pháp lý và không thể kinh doanh với đối tác. Do đó, chúng tôi rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý, hiệp hội lên tiếng hỗ trợ doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp quốc tế”, ông Tạ Mạnh Hoàng nói.

Còn ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ant Group nêu ra ví dụ để so sánh: “Các lĩnh vực khác như xuất khẩu gạo, cá tra… gặp trở ngại khi ra nước ngoài thì có Bộ Công Thương hay các hiệp hội ngay lập tức lên tiếng hỗ trợ. Nhưng với các công ty sản xuất nội dung số Việt Nam dù làm ra những sản phẩm tốt, mang về nguồn kiều hối lớn nhưng khi gặp khó khăn hay bị tranh chấp bản quyền, bị cạnh tranh bởi những doanh nghiệp mạnh ở nước ngoài thì không biết dựa vào đâu.

“Chúng tôi cảm thấy “cô đơn” trên sân chơi quốc tế và mong muốn được sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, của các hiệp hội khi gặp khó khăn”, ông Tuấn nói.

ict-19-1664446955.jpg

Bà Phạm Quyên - COO Công ty CP Bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM Online và ông Huy Phạm - CEO Văn phòng Metub Hà Nội tại buổi Tọa đàm

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, trên môi trường số khi phát sinh tranh chấp sở hữu trí tuệ, thiệt hại tính bằng giờ. Nếu xử lý bằng con đường khởi kiện ra toà án, thì chờ thắng kiện có khi sản phẩm đó đã chết rồi. Do đó, đề xuất cơ quan nhà nước cần thiết lập cơ chế làm việc xử lý nhanh chóng, đây là cơ chế hoàn toàn có thể làm được để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cộng đồng sáng tạo Việt Nam.

Để các doanh nghiệp Việt còn non trẻ hội nhập vào nền kinh tế Internet, rất cần có vai trò "bệ đỡ' của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, hội quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Doanh nghiệp phải biết tự bảo vệ sản phẩm từ khi còn trong ý tưởng

Ý kiến của ông Huy Phạm, Giám đốc Văn phòng Metub Hà Nội nhận được nhiều sự đồng tình, khi ông cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube hay các nền tảng số nước ngoài cần thực hiện đăng ký ngay tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ từ khi còn đang là ý tưởng. Trong trường hợp Ant Group, hay Sconnect nêu ra, nếu đăng ký bản quyền ở cấp  cao hơn ngoài cấp quốc gia ngay từ đầu sẽ dễ dàng xử lý hơn khi có tranh chấp.

“Lời khuyên của tôi là các doanh nghiệp số khi đầu tư sản phẩm nào hãy đến ngay các cơ quan nhà nước để đăng ký bản quyền. Chỉ có vậy thì khi có tranh chấp sẽ có bằng chứng đưa ra cho YouTube. Tuy nhiên, nhiều trường hợp YouTube có thể xử lý sai, nhưng đây là nền tảng của họ, nên mình phải chấp nhận”, ông Huy Phạm nói.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, mong muốn được cơ quan nhà nước can thiệp với Google và YouTube để đảm bảo quyền lợi là rất đúng. Nhưng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề rất phức tạp, trong quá trình sáng tạo nhiều khi bị trùng lặp về ý tưởng. Nên doanh nghiệp cần phải có ý thức rõ ràng và đầu tư nhiều hơn vào nguồn lực pháp lý để bảo vệ bản quyền ngay từ đầu.

ict-23-1664446736.jpg

Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Ông Hồng cũng chia sẻ, nhãn hiệu là đối tượng bị tranh chấp rất nhiều trên môi trường số. Dù có đăng ký nhãn hiệu thì cũng chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ quốc gia, nếu doanh nghiệp kinh doanh xuyên quốc gia vẫn có thể bị tranh chấp. Do đó, doanh nghiệp cần có chiến lược đăng ký sở hữu nhãn hiệu tại các quốc gia mà mình định kinh doanh. Ví dụ có kế hoạch kinh doanh tại Anh thì phải đăng ký và thực thi theo pháp luật Anh.

“Các doanh nghiệp khởi nghiệp rất yếu về việc này. Nếu ngay từ đầu đăng ký ngay bản quyền, đăng ký nhãn hiệu thì khi xảy ra vấn đề cạnh tranh việc xử lý sẽ dễ dàng hơn”, ông Hồng nói.

Luật sư Hà Liên, Văn phòng Luật sư Phan Law cũng chia sẻ, đăng ký bản quyền giống như khai sinh cho con mình là để xác lập quyền của mình. Thực tế các doanh nghiệp khởi nghiệp để tối ưu chi phí, thường bỏ qua việc đăng ký bản quyền. Các doanh nghiệp cần lưu ý xác lập quyền tác giả đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả, sẽ có hiệu lực đương nhiên được bảo hộ theo Công ước Berne. Còn xác lập quyền sở hữu công nghiệp thì đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và những chứng nhận này chỉ được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Khi kinh doanh tại thị trường nào thì phải xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu ở nước đó.

ict-1-1-1664446841.jpg

Luật sư Hà Liên, Văn phòng Luật sư Phan Law

“Doanh nghiệp cần rà soát lại xem mình đã đăng ký đủ hay chưa, phải tự bảo vệ mình trước. Trên môi trường số mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng, nên nếu không đăng ký quyền sở hữu trước sẽ khó bảo vệ sản phẩm mình”, Luật sư Liên nhấn mạnh.

Việt Nam đang bước vào “Thập kỷ kỹ thuật số”

Theo báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, khu vực Đông Nam Á đang trên con đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá một nghìn tỉ USD vào năm 2030, trong đó Việt Nam có thể đạt ngưỡng 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hoá (GMV). Được thúc đẩy bởi nền tảng người tiêu dùng và doanh nghiệp kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, sự tăng tốc trong thương mại điện tử, giao thức ăn và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, Đông Nam Á (SEA) ước tính đạt 174 tỉ USD (GMV) vào cuối năm 2021. Con số này dự kiến sẽ vượt qua 360 tỉ USD vào năm 2025, vượt xa dự báo trước đó là 300 tỉ USD.

Báo cáo dự đoán rằng Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam đang bước vào “Thập kỷ kỹ thuật số” khi Internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. 

Năm 2021, Tổng cục Thống kê ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước. Trong đó cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP. Dự báo doanh thu kinh tế Internet giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021 là 21 tỷ USD.

Đỗ Quyên

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/can-lam-gi-de-doanh-nghiep-so-viet-khong-bo-vo-tren-san-choi-toan-cau-a8867.html