Trà Vinh có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế biển

Với vị trí địa lý quan trọng của khu vực ĐBSCL, các nhà chuyên gia về logistics và cảng biển nhận định Trà Vinh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cảng biển.

Ngày 15.1, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Trà Vinh 2020 với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Viện Kinh tế Xanh, chuyên gia kinh tế cảng biển đã trình bày về kinh nghiệm của quốc tế và cơ hội của ĐBSCL về phát triển kinh tế biển và logistics của tỉnh Trà Vinh.

Chuyên gia kinh tế biển Nguyễn Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Viện Kinh tế Xanh (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)
Chuyên gia kinh tế biển Nguyễn Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Viện Kinh tế Xanh (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)

Vùng kinh tế biển theo quan điểm của ông Nguyễn Tuấn Hoa, là vùng kinh tế cách bờ biển khoảng 100 km, hay theo lưu vực sông, đến nơi mà có sinh thái biển hiện diện. Theo nghĩa đó, kinh tế Trà Vinh là kinh tế biển, do đặc điểm địa lý, điểm xa nhất của Trà Vinh cách biển chưa đến 90km.

Tỉnh Trà Vinh có hình dáng gần như một hình chữ nhật tương đối hoàn chỉnh, với ba mặt được bao quanh bởi sông và biển. Với vị trí tiếp giáp Biển Đông, Trà Vinh có đường bờ biển dài 65 km. Bên cạnh đó, Trà Vinh còn có vùng đất châu thổ lâu đời, bên cạnh vùng đất trẻ mới bồi và mạng lưới sông ngòi chằng chịt mang nặng phù sa, bồi đắp cho những vườn cây ăn trái. Được bao bọc bởi sông Cổ Chiên (một đoạn của sông Tiền) và sông Hậu, giao thông đường thủy của Trà Vinh có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi để phát triển.

Tại Mỹ, kinh tế biển đóng góp 83% trong GDP (năm 2012). Trong đó, đóng góp nhiều nhất vào kinh tế là vùng duyên hải. Tại Việt Nam, Trà Vinh là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế vùng duyên hải.

Ngoài ra, thế giới cũng đang dần thích ứng với những hiện tượng xâm mặn để phát triển kinh tế và thu hút các nhà đầu tư vào chuỗi giá trị dựa vào logistics. Trà Vinh có lợi thế đặc biệt về logistics đường thủy, ông Hoa nhận định tại hội nghị.

Trong phát triển logistics, quốc gia nào có chất lượng dịch vụ cao và chi phí thấp thì thu hút đầu tư. Trong khi đó, 50%-60% chi phí logistics phụ thuộc vào tàu biển. Theo ông Nguyễn Tuấn Hoa, giá chi phí thấp nhất là tại Trà Vinh. Tỉnh Trà Vinh hội đủ các đặc điểm để trở thành khu vực kinh tế logistics. Tỉnh có vị trí đầu mối trung tâm, phát triển kinh tế biển, logistics cho cà tiểu vùng Mekong, có sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư.

Logistics là “thước đo sức khỏe” của nền kinh tế, trực tiếp ảnh hưởng lên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các nước phát triển luôn có chi phí logistics thấp nhất (7% - 10% GDP). “Theo quan niệm của quốc tế, ĐBSCL có lợi thế rõ rệt trong phát triển Kinh tế biển và Logistics”, ông Tuấn Hoa chia sẻ.

Với cương vị của một nhà nghiên cứu về kinh tế biển, ông Hoa cũng đưa ra một số đề xuất cho tỉnh Trà Vinh. Thứ nhất, tỉnh nên xây dựng các khu kinh tế biển hạt nhân nhằm thu hút đầu tư, tích lũy vốn và công nghệ. Thứ hai, tỉnh Trà Vinh có thể phát triển mạng lưới logistics rộng khắp dựa trên vận tải thủy. Theo ông, chi phí thấp nhất là đường thủy.

Cuối cùng, Trà Vinh có vị trí đầu mối logistics của khu vực. Do đó, lãnh đạo tỉnh nên ưu tiên phát triển các ngành: Logistics, Nông nghiệp, Du lịch, Công nghiệp chế biến và Tài nguyên – Môi trường nhằm khai thác lợi thế vượt trội của ĐBSCL và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dâng Phạm (lược ghi)

dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tra-vinh-co-nhieu-thuan-loi-phat-trien-kinh-te-bien-a886.html