Tổng thầu hàng trăm dự án nổi trội, 'đàn em' trong ngành xây dựng An Phong đang làm ăn ra sao?

Nếu Coteccons là đơn vị tổng thầu của Landmark 81, Hòa Bình là tổng thầu xây dựng Keangnam Hanoi Landmark Tower thì An Phong là tổng thầu của Tòa Sun Tower 55 tầng ở khu dự án dành cho nhà giàu Ba Son.

Năm 2006, Công ty TNHH Xây dựng An Phong đã được thành lập, với số vốn điều lệ 90 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp này là tư vấn và môi giới bất động sản, xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình kỹ thuật hạ tầng, khu đô thị và khu công nghiệp, các công trình giao thông và san lấp mặt bằng, kinh doanh nhà và bất động sản, cho thuê văn phòng… Bên cạnh đó, An Phong còn trực tiếp sản xuất bê tông đúc sẵn và các sản phẩm làm từ xi măng và thạch cao, cho thuê kho bãi, máy móc, thiết bị và dụng cụ thi công trong xây dựng…

Công ty này đã chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Xây Dựng An Phong vào ngày 22/09/2018.

Sau 16 năm xây dựng và phát triển, dù 'sinh sau đẻ muộn' so với các đàn anh trong mảng xây dựng như Coteccons, Newtecons, Delta, Hòa Bình, nhưng An Phong vẫn khẳng định được vị trí trên thị trường, khi phủ sóng mạnh khắp hàng trăm dự án lớn trên cả nước. 

An Phong nắm hàng loạt đối tác và dự án khủng

Nhiều dự án của Vingroup, Nam Long, CT Group, Khang Điền, Sacomreal, Co.op Sài Gòn, Thaco, tập đoàn SSG đều do An Phong làm nhà thầu xây dựng. Đất Xanh Group, Keppel Land hay Khang Điền - những đơn vị có tiếng trên thị trường BĐS này cũng chính là đối tác chiến lược của An Phong. 

An Phong còn là đối tác xây dựng của Masterise Homes - thành viên của tập đoàn Masterise Group, đảm nhận thi công cho dự án bất động sản hàng hiệu Grand Marina Saigon. An Phong nắm rất nhiều dự án 'hot' khác như Bảo tàng Cà phê Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Swan Bay - Zone 6, Empire City, Lovera Khang Điền, Gem Center, Vinpearl Nha Trang, The Arena Cam Ranh,... 

tong-thau-hang-tram-du-an-noi-troi-dan-em-trong-nganh-xay-dung-an-phong-dang-lam-an-ra-sao-1-1664114901.jpeg

Tòa nhà The Sun Tower nằm tại khu đất vàng đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM cũng do An Phong trực tiếp thi công. 

Theo doanh nghiệp này chia sẻ, bước ngoặt lớn của An Phong đến từ việc trúng thầu  dự án tòa nhà phức hợp Thảo Điền Pearl của Tập đoàn SSG vào tháng 10/2010. Dự án này đã giúp An Phong chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những công ty Xây dựng có thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam. 

Trước đó 1 năm, An Phong đã là đối tác chiến lược của Co.op Sài Gòn, thi công chuỗi hệ thống siêu thị Co.opMart ở Bình Dương, Bắc Hà, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bảo Lộc, Nha Trang, Hải Phòng, Cần Thơ…. Dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh - Trung tâm xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh cũng do nhà thầu An Phong xây dựng.

Ngoài các dự án tòa nhà cao ốc, An Phong còn lấn sân quyết liệt sang các công trình quân đội. Đơn cử như dự án công trình Bộ CHQS thành phố Cần Thơ, cải tạo doanh trại của Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Hội nghị Hacota - quần thể dịch vụ cao cấp sau khi kết hợp với khu căn hộ cao cấp Sumerset Hồ Chí Minh của Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa cho các đơn vị, đối tác trong và ngoài quân đội.

Trong mảng kinh doanh văn phòng cho thuê, An Phong hiện đang sở hữu 2 dự án là cao tốc văn phòng Star Bulding nằm tại quận 1, TP HCM và AP Tower ở Bình Thạnh, TP HCM. Tòa Star Bulding có diện tích sử dụng khoảng 5.500 m2, cao 11 tầng. Còn AP Tower có 22 tầng, diện tích mỗi sàn hơn 500 m2. Giá cho thuê của hai tòa nhà cao ốc này vào khoảng 22 - 23 USD/m2.

tong-thau-hang-tram-du-an-noi-troi-dan-em-trong-nganh-xay-dung-an-phong-dang-lam-an-ra-sao-3-1664114901.jpeg

Năm 2021, đỉnh điểm của dịch covid-19, An Phong cũng đã gấp rút thực hiện 2 bệnh viện dã chiến tại 2 địa điểm Quận 7 và Huyện Bình Chánh dưới sự tài trợ của CĐT tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đối thủ đáng gờm của các 'anh lớn'

Năm 2017, doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu hơn 3 nghìn tỷ. 

Trong giai đoạn từ 2019 - 2021, doanh thu của An Phong đều giảm, nhận thấy nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ việc nhiều công trình ngừng thi công bởi dịch covid-19, theo số liệu của Tạp chí Người Đồng Hành. Cụ thể, doanh thu An Phong năm đạt 2.202 tỷ đồng vào năm 2021, giảm 25% so với năm trước và giảm 59% so với năm 2019.

Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của doanh nghiệp này lại gấp 1,6 lần năm trước, nhờ thu nhập khác gia tăng, chi phí khác được kiểm soát tốt. An Phong có tiến hành tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng trong năm 2020 và duy trì đến năm 2021. 

Tại năm 2021, phải thu ngắn hạn của Xây dựng An Phong chiếm 47% tổng tài sản, đạt 988 tỷ đồng. Qua các năm, mức phải thu ngắn hạn của khách hàng đều chiếm gần một nửa so với tổng tài sản. Năm 2021, tỷ lệ tồn kho là 23%, tương đương năm 2020, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng tài sản.

Nợ vay tài chính năm 2021 của An Phong giảm 11% so với năm 2020, đạt 360 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đạt 58%.

tong-thau-hang-tram-du-an-noi-troi-dan-em-trong-nganh-xay-dung-an-phong-dang-lam-an-ra-sao-4-1664114973.pngẢnh: Người Đồng Hành

Theo thông tin của chuyên trang Người Đồng Hành, hệ số ROS (lợi nhuận/doanh thu) năm 2021 của An Phong cao hơn 4 doanh nghiệp Delta, Xây dựng Hòa Bình, Ricons và Newtecons, đạt 1,5% (tức 100 đồng doanh thu đem lại 1,5 đồng lợi nhuận). Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn Central (2,3%), Hưng Thịnh Incons ( 3,9%) và Coteccons (7,8%). Hệ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của An Phong là 5% năm 2021, cao hơn Hòa Bình, Delta, Ricons và thấp hơn Newtecons, Coteccons, Hưng Thịnh, Central. Những con số này cho thấy hiệu quả kinh doanh của An Phong cũng đáng ghi nhận so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Thuyền trưởng của An Phong là ai?

Nếu ghé qua website của An Phong, bạn sẽ thấy được một tinh thần năng động và quyết tâm lớn từ các bộ phận trong doanh nghiệp, máu lửa và sục sôi. An Phong tâm niệm rằng làm đúng, làm đủ, nói thẳng, nói thật chính là điều mà doanh nghiệp này hướng đến, giá trị cốt lõi trong công tác quản lý và vận hành của An Phong.

Mặc dù đã 16 năm xây dựng và phát triển, nhưng thông tin về ban lãnh đạo của công ty Cổ phần Xây dựng An Phong cũng rất ít được công bố. Chỉ biết rằng Chủ tịch HĐTV của An Phong hiện tại là ông Trần Thế Hoan. Ông từng chia sẻ rằng bổn phận của doanh nghiệp chính là chia sẻ với những khó khăn của nhân dân, bởi vì sự thành công của một doanh nghiệp cũng xuất phát từ bệ đỡ của nhân dân. 

308189090-523060963154021-2635421377915316016-n-1664350166.jpg

Ông Trần Thế Hoan  - Chủ tịch HĐQT của An Phong

tong-thau-hang-tram-du-an-noi-troi-dan-em-trong-nganh-xay-dung-an-phong-dang-lam-an-ra-sao-1664168195.jpegGiám đốc Công ty Cổ phần Xây Dựng An Phong, Nguyễn Khắc Phong

Ban lãnh đạo của công ty An Phong còn có ông Nguyễn Khắc Phong, Giám đốc. Ông được toàn thể nhân sự tại An Phong gọi thân mật là bác. Được biết, ông còn là một Đảng viên ưu tú với hơn 30 tuổi Đảng, là chuyên gia quản lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng ở TP Hồ Chí Minh.

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tong-thau-hang-tram-du-an-noi-troi-dan-em-trong-nganh-xay-dung-an-phong-dang-lam-an-ra-sao-a8854.html