Bầu Đức không bỏ cuộc, nợ ngân hàng từ 28.000 tỷ giảm còn 8.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (MCK: HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (còn được gọi là bầu Đức, Chủ tịch HAGL) từng được biết đến là một doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất và chế biến đồ gỗ. Các lĩnh vực này từng mang lại một thời hoàng kim cho bầu Đức. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển qua làm nông nghiệp, HAGL tụt dốc, gặp không ít khó khăn. Nhưng giờ đây, mọi thứ đang dần tốt trở lại với sự kiên trì của bầu Đức.

Thời hoàng kim

Năm 2009, bầu Đức là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản gần 13.000 tỷ đồng. Đồng thời đứng trước cơ hội trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Để có được những thành công vào giai đoạn đó, HAGL được biết đến là tay chơi lớn, có địa vị trên thị trường địa ốc.

Năm 2002, HAGL thành lập công ty con là Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh, qua đó đánh dấu cột mốc tham gia thị trường bất động sản. Đến năm 2004, HAGL đưa vào hoạt động HAGL Resort Quy Nhơn; Năm 2005 khai trường hoạt động HAGL Resort Đà Lạt; Năm 2006 khai trương hoạt động HAGL Hotel Pleiku…

Những năm sau đó, HAGL tung ra hàng loạt dự án bất động sản và lĩnh vực này nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Nhờ lợi thế quỹ đất đã mua từ rất lâu với giá rẻ, có công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ và đá granite khép kín trong quy trình xây dựng căn hộ nên sản phẩm có giá thành cạnh tranh trên thị trường…Vì vậy, kể từ năm 2006 – 2012, bất động sản sản trở thành ngành chủ lực của HAGL, mang về nguồn doanh thu lớn cho tập đoàn của bầu Đức.

04xiez-bofv-1141-1664178884.jpeg

Bất động sản là ngành từng tạo ra thời hoàng kim cho HAGL và bầu Đức.

Đỉnh cao nhất là vào năm 2009 với 4 dự án chính đưa vào khai thác, gồm: New SaiGon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh (giai đoạn 1) và Hoàng Anh Golden House mang về doanh thu hơn 3.300 tỷ đồng chiếm hơn 77% tổng doanh thu cả năm này.

Tại TP.HCM, tập đoàn này đã để lại những dấu ấn lớn trên thị trường địa ốc khi đầu tư mạnh tay cho các dự án như: Chung cư Hoàng Anh Gold House (quận 7); Khu căn hộ cao cấp Trần Xuân Soạn (quận 7) rộng trên 8ha; Dự án New Sài Gòn tại huyện Nhà Bè; Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương (quận 7); Khu căn hộ cao cấp Phủ Hoàng Anh tại huyện Nhà Bè; Dự án tòa nhà Hoàng Anh Safomec (đường Thành Thái, quận 10) với diện tích sàn xây dựng là 8.359 m2…

Đang ở thời kỳ đỉnh cao, thế nhưng bầu Đức đã quyết định “dứt áo” với bất động sản mà chuyển sang nông nghiệp, tiến hành tái cấu trúc lại tập đoàn. Đây cũng là bước ngoặc khiến cho HAGL rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần, nhiều sóng gió trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Sóng gió với nông nghiệp

Năm 2012, khi thị trường bất động sản Việt Nam đóng băng trước hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu, bầu Đức đã chơi một “ván bài” lớn khi giảm giá các dự án địa ốc đang mở bán của doanh nghiệp này khoảng 30-50% so với giá thị trường. Đây cũng được xem là hành động cuối cùng của HAGL để chính thức rút khỏi lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, tập đoàn này bắt đầu trên con đường dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp với khởi đầu là mía đường, cọ dầu và cao su.

Tuy nhiên, bầu Đức sau đó đã phải nhận trái đắng với cây cao su, cọ dầu. Theo vị doanh nhân này cho biết, khi HAGL mới đầu tư trồng cao su, giá mủ cao su năm 2008 lên đến 5.000 USD/tấn, lãi khủng khiếp vì giá thành chỉ khoảng 1.300 USD/tấn.

21-06-2017-7-44-46-sa-1498007355035-1498818760497-1534067452-width650height413-1664178480.jpeg

Ông Đức đã gặp vô vàn sóng gió khi bỏ BĐS để chuyển sang làm nông nghiệp. Ảnh VCCI

Nhưng vào năm 2014, giá mủ cao su thế giới đã giảm sâu xuống dưới 1.500 USD/tấn, công ty đã phải áp dụng khoán sản lượng đối với công nhân cạo mủ để tiết giảm chi phí. Còn giá cọ dầu cũng đang ở mức thấp (từ 900 USD/tấn xuống 750 USD/tấn). Ở thời điểm này, HAGL của bầu Đức sống được nhờ chăn nuôi bò.

2 năm sau, một mảng màu khác xuất hiện trong cơ cấu doanh thu của HAGL và trở thành trụ cột, đó là trái cây. Khi đó, bầu Đức tràn đầy kỳ vọng với chanh leo, thanh long và chuối.

Đến năm 2019, HAGL khép lại doanh thu giảm tới tới 61,49% so với năm 2018, đạt 2.075 tỷ đồng, trong đó tỷ trong doanh thu bán trái cây là 61,49%; doanh thu từ bán mủ cao su là 16,48%.

Năm 2019, con số lỗ sau thuế của HAGL lên tới 1.809 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn lãi 217 tỷ đồng.

Tại báo cáo thường niên năm 2019, bầu Đức cho biết, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của năm này còn nhiều khó khăn nhưng HAGL đã nỗ lực đầu tư phát triển mạnh cây ăn quả và tiếp tục tái cấu trúc tập đoàn theo hướng tập trung vào ngành nông nghiệp, thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, giảm bớt số dư nợ vay.

Đến cuối năm 2019, HAGL có trên 20.000 ha cây ăn quả (không bao gồm diện tích của các công ty con đã chuyển nhượng sang cho THADI) và hơn 30.000 ha cao su. Trong đó, diện tích chuối chiếm khoảng một nửa, góp phần chủ lực trong việc tạo ra doanh thu của năm 2019…

Con heo và cây chuối

Vừa qua, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022, ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 500 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 (chỉ lãi hơn 8 tỷ đồng). Một điểm đáng chú ý, tổng nợ của HAGL từ đỉnh hơn 35.000 tỷ đồng năm 2016 nay giảm về mức 14.000 tỷ đồng vào giữa năm. Trong đó, nợ ngân hàng giảm tương ứng từ mức 28.000 tỷ đồng xuống còn 8.000 tỷ đồng.

Về lộ trình trả nợ, HAGL trước tiên sẽ thanh toán một phần nợ gốc trước hạn tại lô trái phiếu trị giá hơn 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến 10 ngày kể từ khi công bố vào ngày 22/9. Dòng tiền trả nợ lấy từ khoản thu nợ của Công ty HAGL Agrico (HNG) và nguồn tiền sản xuất kinh doanh.

“Nếu trong 4 tháng cuối năm, HAGL thu được hết khoản nợ từ HNG thì nợ ngân hàng sẽ giảm xuống dưới 6.000 tỷ đồng”, bầu Đức cho hay.

Hiện tại, hoạt động kinh doanh của HAGL đang cho thấy khá tốt với mô hình kép trồng chuối xuất khẩu và tận dụng trái chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu làm thức ăn chăn nuôi heo.

Bên cạnh đó, HAGL cũng tung ra thị trường sản phẩm mang thương hiệu heo ăn chuối Bapi. Dự kiến, năm 2023, HAGL sẽ cung ứng 1 triệu con heo sạch ra thị trường. Đồng thời, tìm kiếm đối tác để mở rộng sản xuất và mở rộng các sản phẩm chế biến từ heo ăn chuối.

bapi-1664178751.jpeg

Thương hiệu heo ăn chuối của Bầu Đức đang nhận được nhiều sự chú ý của người tiêu dùng.

Ngoài ra, HAGL cũng đang nghiên cứu và sẽ ra mắt dòng gà đi bộ ăn chuối vào tháng 11 năm nay. HAGL đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2ha tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai). Theo kế hoạch bầu Đức chia sẻ, đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này sẽ mở 200 cửa hàng Bapi Heo ăn chuối. Đến cuối năm 2023 tăng lên 2.023 cửa hàng. Trong đó, 60-70% cửa hàng tập trung tại TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, HAGL cũng ra mắt ứng dụng (app) để bán hàng với mục tiêu đáp ứng được khoảng 100.000 đơn hàng online/ngày.

Bầu Đức cũng tham vọng khi đặt mục tiêu cung ứng 1 triệu con heo ăn chuối và 5 triệu con gà đi bộ ăn chuối ra thị trường và tiến đến xây dựng nhà máy chế biến thịt. Đưa HAGL trở thành một thế lực mới trên thị trường thịt thương hiệu trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Với bức tranh mới về kinh doanh cùng sản phẩm heo ăn chuối và sắp tới là gà đi bộ, bầu Đức tự tin khẳng định: “HAGL đã thoát nạn và đang bước sang trang mới tươi sáng”.

Chia sẻ với cổ đông về kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022, bầu Đức cho biết, doanh thu thuần đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Trong đó, mảng chăn nuôi đóng góp 29%, tương đương gần 800 tỷ đồng, từ việc tiêu thụ hơn 130.000 con heo ăn chuối.

Lượng tiêu thụ chuối trong 8 tháng đầu năm đạt gần 170.000 tấn, trong đó 30% dùng làm thức ăn gia súc. Lợi nhuận sau thuế 8 tháng của HAGL là gần 800 tỷ đồng. Như vậy, HAGL đã hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 69% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.

Theo kế hoạch năm 2023, HAG cho biết nếu giá cổ phiếu HNG ở mức tốt, công ty sẽ bán toàn bộ hơn 100 triệu cổ phiếu này để thanh toán nợ ngân hàng. Năm 2023, HAGL dự kiến lợi nhuận tăng gấp 3-4 lần so với năm nay, lên mức 3.500-4.000 tỷ đồng, trong đó dành 1.000-1.500 tỷ đồng để trả nợ.

Đến 2024, HAGL tính toán sầu riêng cũng mang lại nguồn lãi lớn. Hiện tại, bầu Đức có khoảng 1.000ha sầu riêng trồng theo chuẩn GlobalGAP. Trong đó hơn 200ha trồng tại Gia Lai và hơn 700ha ở Lào... Toàn bộ số sầu riêng trên đang ở độ tuổi 3-4 năm đã cho ra trái từ năm nay. “Nếu mọi chuyện thuận lợi, 2024-2025, HAGL sẽ xoá hết nợ ngân hàng”, bầu Đức nói.

Gia Bình

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bau-duc-khong-bo-cuoc-no-ngan-hang-tu-28000-ty-giam-con-8000-ty-dong-a8835.html