Người đứng sau sản phẩm Heo Bapi của Bầu Đức 'bật mí' công thức nuôi Heo ăn chuối

Thức ăn cho Heo Bapi là phần chuối thải được HAGL tận dụng làm bột chuối với quy trình bao gồm cạo vỏ, cắt, phơi khô và nghiền thành bột. Bột chuối được dùng để trộn thức ăn cho heo, chiếm khoảng 40%. 60% thành phần khác là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc…

Thông tin về Heo ăn chuối của Bầu Đức hiện đang tạo nên những luồng tranh cãi trên Mạng xã hội sau khi sản phẩm này ra mắt. Nhiều ý kiến cho rằng, thực ra không có gì mới, bởi mấy chục năm trước nông dân Việt Nam đã nuôi heo bằng cây chuối bao đời nay.

Thực ra, ngày xưa ông bà mình nuôi heo gồm thái cây chuối xứ (chuối sim) hoặc chuối sáp nấu cho heo ăn. Thỉnh thoảng cũng có trái nhưng hiếm. Vì thân cây chuối này không chát, người ăn ruột non thân cây chuối được. 

Còn cây chuối Bầu Đức trồng là “cây chuối già Nam Mỹ” giống chuối này thân, lá, bắp chuối không dùng được vì nó rất đắng không thể cho con gì ăn được. 

Theo như chia sẻ tại ngày ra mắt thương hiệu heo ăn chuối của kỹ sư Trần Văn Dai, chuyên gia dinh dưỡng HAGL, thành viên HĐQT và được xem là "công thần" hiện thực hoá được ý tưởng Heo ăn chuối Bapi thì quy trình nuôi Heo ăn chuối không hề đơn giản, mà nó là một mô hình kinh doanh mới mà thế giới đang áp dụng. Đó là mô hình kinh tế tuần hoàn. Và chuối mà Heo của bầu Đức ăn là trái chuối thải.

null
Kỹ sư nông nghiệp Trần Văn Dai, người đứng sau sản phẩm Heo ăn chuối của Bầu Đức

"Tiếc khi hàng trăm ngàn tấn chuối HAGL phải bỏ đi hàng năm, bầu Đức tìm đến và đặt hàng tôi. Trước ý tưởng của bầu Đức, tôi tìm cách xử lý chuối thải, tạo ra loại thức ăn dinh dưỡng cho heo và từ đó cho ra đời Heo Bapi ăn chuối" - Ông Dai kể lại.

Theo đó, một phần chuối chín được sử dụng để cho heo nái ăn trực tiếp. Phần chuối thải còn lại được HAGL tận dụng làm bột chuối với quy trình bao gồm cạo vỏ, cắt, phơi khô và nghiền thành bột. Bột chuối được dùng để trộn thức ăn cho heo, chiếm khoảng 40%. 60% thành phần khác là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc…

Theo HAGL, hiện công ty này trồng chuối quy mô lớn, nên hàng năm, HAGL thải ra 200.000 tấn chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thực tế, chuối là loài cây vô cùng quen thuộc với người Việt Nam. Cây chuối có nhiều dinh dưỡng, bao gồm đường, Kali, VitaminC… đặc biệt là hàm lượng chất xơ rất lớn với giá trị dinh dưỡng cao hơn tinh bột. Từ xa xưa, người nông dân Việt Nam đã dùng thân, củ, quả của chuối để làm thức ăn cho heo. Tuy nhiên, cách chăn nuôi đó chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình và không có tiêu chuẩn dinh dưỡng rõ ràng.

Hàng chục năm làm trong ngành dinh dưỡng, ông Dai trăn trở về việc Việt Nam chưa có những hội đồng cố vấn dinh dưỡng như ở nước ngoài. Tại một số quốc gia phát triển còn có những hội đồng dinh dưỡng cho động vật. Vì vậy, dù đang vận hành việc kinh doanh của riêng mình nhưng ông vẫn nhận lời tham gia cùng bầu Đức, tâm huyết tạo được sản phẩm chất lượng cho thị trường Việt Nam.

Ngoài thức ăn là chuối, HAGL cũng đang có những lợi thế rất tốt cho việc nuôi heo.

Thứ nhất, vùng đất Gia Lai – bản doanh của HAGL – có độ cao 800m so với mặt nước biển, nhiệt độ theo đó không quá lạnh không quá nóng, rất thích hợp để chăn nuôi. Đặc biệt là nuôi heo, khi nhiệt độ lý tưởng nhất là từ 20-26 độ C.

Thứ hai, tại Gia Lai mật độ dân số còn thấp, đất đai rộng rãi, không khí trong lành. HAGL có quỹ đất với những nguồn nước sạch tự nhiên. Trong đó, mô hình làm nông nghiệp của Tập đoàn hiện nay sẽ có vùng lõi là chăn nuôi, vùng đệm là cây ăn trái bao quanh.

"Nhìn từ khu vực, những nơi có điều kiện tốt và diện tích chuối lớn như Braxin, Thái Lan hay Philippines thì chưa ai làm Heo ăn chuối. Từ suy nghĩ đến thực tế không hề dễ dàng, cho nên cái độc quyền của HAGL hiện nay là công thức" - Ông Dai nói.

Cũng theo "công thần" của bầu Đức, đội ngũ đã nghiên cứu ra công thức riêng, đặc biệt thay kháng sinh bằng thảo dược, từ đó kiểm soát đường sinh học của heo…

 

chuoi-thai-cua-hagl-1663643076.jpg Mỗi năm HAGL thải ra gần 200.000 tấn chuối không đạt chất lượng

Theo chia sẻ của ông Dai, trước khi gia nhập thị trường heo, HAGL đã tiến hành khảo sát. Thị trường thịt heo trong nước tiêu thụ khoảng 35 triệu con/năm, nhưng sản phẩm rất đa dạng và khó kiểm soát chất lượng.

"Chúng tôi cũng hiểu được thị trường chăn nuôi rất khốc liệt, trong đó nước ngoài đang chiếm lĩnh và doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ bé. Với sự độc đáo của heo ăn chuối và lấy chất lượng làm lợi thế cạnh tranh, cũng là yếu tố sống còn của sản phẩm, HAGL đặt tham vọng là thế lực cạnh tranh trên thị trường heo thương hiệu trong 2-3 năm tới", ông nói.

Nếu chuối hướng đến thị trường xuất khẩu, thì heo mang thương hiệu HAGL sẽ chỉ phục vụ người tiêu dùng nội địa. Mục tiêu đến năm 2023, HAGL cho ra 1 triệu con Heo Bapi. HAGL cũng đang tìm đối tác ngoại để thực hiện làm sâu hơn các dòng sản phẩm từ heo. Theo kế hoạch, 3-4 năm tới HAGL sẽ xây dựng nhà máy riêng, nhằm khép kín quy trình và kiểm soát chất lượng.

"Tương lai gần HAGL sẽ ra thêm sản phẩm mới nữa là Gà ăn chuối", ông Dai nhấn mạnh.

Ông cho biết, theo kế hoạch, tháng 11/2022 này, HAGL sẽ ra thêm sản phẩm Gà ăn chuối. Hiện, HAGL đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2ha tại vùng Mang Yang, Gia Lai. Ban lãnh đạo HAGL thống nhất tuyệt đối không nuôi gà công nghiệp, mà hướng đến dòng gà đi bộ. Tương tự heo ăn chuối, gà ăn chuối bên cạnh thịt gà tươi theo công nghệ thịt mát, cũng sẽ sản xuất các loại khác như gà xông khói, gà ủ muối…

Hồi tháng 3/2022, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL đã đề cử ông Trần Văn Dai vào ghế thành viên HĐQT của doanh nghiệp này tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên.

Theo giới thiệu trong đơn đề cử thành viên HĐQT ông Trần Văn Dai quê ở Đà Nẵng, có trình độ chuyên môn là kỹ sư nông nghiệp.

Ông Trần Văn Dai từng có thời gian làm việc tại C.P và công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Hoà Phát, thuộc tập đoàn Hòa Phát trước khi được Bầu Đức đề cử vào HĐQT HAGL.

Giai đoạn từ tháng 1/1994  - 6/1999, ông Trần Văn Dai từng công tác tại Tập đoàn C.P Thái Lan, chuyên mảng thức ăn chăn nuôi. Từ tháng 7/1999 - 6/2002, ông làm Giám đốc Chi nhánh Công ty Thức ăn Đồng Nai - Long Châu tại Hà Nội.

Tháng 8/2015 - 8/2017, ông từng làm chuyên gia dinh dưỡng và kỹ thuật chăn nuôi cho CTCP Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hoà Phát (thuộc Tập đoàn Hoà Phát). 

Tháng 7/2002 - 12/2010, ông làm Giám đốc Công ty TM & SX Thiên Hà, Hà Nội. Từ tháng 1/2011 đến nay, ông là chuyên gia dinh dưỡng và kỹ thuật chăn nuôi cho CTCP Xuất nhập khẩu Dược thú y NASA.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong mảng chăn nuôi, có thể nói việc ông Trần Văn Dai được Bầu Đức đề cử vào HĐQT HAGL là mảnh ghép phù hợp với chiến lược tái cấu trúc kinh doanh mà HAGL đang theo đuổi. Theo đó, HAGL tập trung vào hai trụ cột chính là: chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái - chủ yếu là trồng chuối.

Cũng tại sự kiện ra mắt sản phẩm mới, lãnh đạo BapiFood cho biết, công ty đã khai trương cửa hàng bán thịt Bapi đầu tiên tại quận 11, TP.HCM.

Cửa hàng đáp ứng nhu cầu thường nhật của người dân như sườn, thịt vai, ba chỉ, thăn… Bên cạnh đó còn cung cấp các dòng sản phẩm xúc xích, chả truyền thống, thịt nguội, heo xông khói… Công ty cũng sẽ bày bán các sản phẩm của HAGL như chuối, sầu riêng và sắp tới là thịt gà ăn chuối.

Được biết, tháng 10 tới đây, HAGL sẽ ra mắt Bapi tại Hà Nội, đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng đến cuối năm 2023.

Nắm bắt được xu hướng mua hàng trực tuyến hiện nay, Bapi HAGL còn đang xây dựng và hoàn thiện App bán hàng, mục tiêu trước mắt phải đáp ứng được 100.000 đơn hàng online/ngày.

Sa Mộc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nguoi-dung-sau-san-pham-heo-bapi-cua-bau-duc-bat-mi-cong-thuc-nuoi-heo-an-chuoi-a8819.html