473/800, đó là số điểm mà Việt Nam đạt được khi đánh giá về khả năng tiếng Anh so với khu vực và thế giới theo bảng xếp hạng do EF English Proficiency Index (EPI) công bố mới đây. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 65/100 quốc gia trên thế giới và 13/24 nước ở khu vực châu Á về khả năng sử dụng tiếng Anh. Đây được đánh giá là những con số “buồn”, thể hiện tốc độ phát triển ngoại ngữ còn kém và hệ thống giáo dục tiếng Anh chưa thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, nhìn về Việt Nam của 10 năm trước đây, chúng ta sẽ kinh ngạc với sự thay đổi trong nhận thức và khả năng tiếp cận tiếng Anh của cả học sinh và phụ huynh.
Năm 2008, báo chí cả nước tranh luận nảy lửa câu chuyện nên tiếp tục chương trình tiếng Anh 7 năm hay chuyển đổi tiếp cận sang chương trình đào tạo 10 năm? Khi ấy, chúng ta lo ngại thời gian học ngoại ngữ sẽ “làm phiền” đến thời gian cho các môn học chính khóa khác. Chúng ta lo ngại việc đầu tư cho tiếng Anh quá nhiều sẽ không mang lại hiệu quả bằng Toán, Ngữ Văn… Vì căn bản, tiếng Anh không thể tạo ra những kỹ sư, cũng không cho con người khả năng trở thành những nhà văn, nhà báo. Cùng lúc đó, bài toán về giáo dục Anh ngữ đối với những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo với kết quả gần như là con số không. Không tiến bộ, không có sự hưởng ứng và cũng không hiệu quả.
Để xây dựng văn hóa uống cà phê tại Nhật Bản, Nestle mất đến 20 năm cho một chiến dịch dài hơi nhằm thay đổi nhận thức của cả thế hệ trẻ. Để bình thường hóa câu chuyện phụ nữ được đến trường, Iraq mất cả một thế kỷ để đấu tranh và thay đổi. Và để biến tiếng Anh trở thành một kỹ năng, một ngôn ngữ thứ hai thì hệ thống giáo dục tại Việt Nam đã có một sự nỗ lực đáng kinh ngạc suốt hàng chục năm trời.
Trước đây, môn Ngoại ngữ chỉ dành cho học sinh bậc THPT. Mãi đến năm 1980, Bộ GD&ĐT mới có quy định, môn ngoại ngữ được dạy từ lớp 6 đến hết lớp 12 theo chương trình hệ 7 năm. Trong đó, những địa phương chưa đủ điều kiện về vật chất, nhân lực vẫn có thể chỉ dạy ngoại ngữ từ lớp 10 đến lớp 12. Thậm chí những vùng khó khăn có thể không học ngoại ngữ và khi thi tốt nghiệp sẽ có môn thay thế. Ngoại ngữ khi ấy chỉ là một môn học được thêm vào, tính tự chọn rất cao và hầu như chẳng mấy ai quan tâm, kể cả giáo viên và phụ huynh.
Cho đến tận năm 2010, khi Bộ giáo dục quyết định phủ kín chương trình tiếng Anh hệ 7 năm cho 100% các vùng, miền, nhiều giáo viên và phụ huynh vẫn tiếp tục thể hiện sự nghi ngại. Giáo viên đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo do thiếu nguồn nhân lực chuyên môn trầm trọng. Phụ huynh hoàn toàn không mặn mà vì “Tiếng Việt còn nói chưa xong, học tiếng Anh làm gì!”. Đối với tư tưởng của nhiều bậc phụ huynh, tiếng mẹ đẻ mới là gốc rễ. Nước ta còn quá nghèo, sống hết đời cũng không được đi nước ngoài thì việc chú trọng tiếng Anh là không cần thiết. Học toán, học lý để rồi ra làm những kỹ sư, doanh nhân thì thiết thực hơn.
Việc internet phát triển và san bằng thế giới đã thay đổi mạnh mẽ quan điểm và cách tiếp nhận của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Thế giới phẳng, sự giao thiệp giữa các nước trở nên mạnh mẽ và cơ hội soi chiếu lại bản thân mình cũng nhiều hơn, người ta dần nhìn rõ yếu điểm của chính mình. Chúng ta bắt đầu nhận thấy sự khác biệt của giáo dục phương Tây, nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh trong giao tiếp cũng như sự thiếu hụt về mặt kỹ năng mềm của hầu hết các bạn học sinh Việt.
Chúng ta dần nhận thức một cách rõ ràng rằng, tiếng Anh không phải chỉ là câu chuyện của những bạn đi du học, những người có điều kiện được bay sang trời Âu, trời Mỹ nữa. Tiếng Anh là phương tiện giao tiếp cần thiết khi môi trường làm việc của con người đã không còn giới hạn địa lý. Chúng ta có thể làm việc với người Mỹ, người Pháp ngay trong chính ngôi nhà của mình và tiếng Anh là nền tảng cho mọi sự kết nối và hợp tác. Tiếng Anh trở thành công cụ để con người tiếp cận và học hỏi với kho tri thức vô tận của thế giới. Đồng thời, tiếng Anh không đơn thuần là một môn học tính điểm nữa, đó là kỹ năng thời đại mà mọi người ai cũng phải học.
Sự nở rộ của các trung tâm tiếng Anh là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất về quá trình thay đổi nhận thức của phụ huynh Việt. Theo thống kê giáo dục thường xuyên vào năm 2018, số trung tâm ngoại ngữ vào khoảng 3974, tăng 34,24% so với năm 2017. Đến năm 2020, con số đã lên đến 5.533 trung tâm trên toàn quốc. Một sự tăng trưởng vượt bậc thể hiện cho nhu cầu tiếp cận và học hỏi vô cùng lớn của các bạn học sinh. Ngày nay, việc học tiếng Anh đã trở thành ưu tiên và lựa chọn hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh.
Kỹ năng thuyết trình chính là kỹ năng thời đại mà ai cũng phải thuần thục tiếp sau tiếng Anh.
Chúng ta hình dung về thuyết trình là những buổi trả bài cũ ở một quy mô lớn hơn, khi mà các bạn học sinh phải trình bày một bài kiến thức hoàn chỉnh trong khoảng 15 đến 30 phút. Hoặc, thuyết trình chỉ đơn giản là vài cuộc thi nói, ở đó, các bạn học sinh sẽ thay nhau phát biểu suy nghĩ cá nhân về một vấn đề hay một sản phẩm nào đó.
Tuy nhiên, kỹ năng thuyết trình đòi hỏi nhiều hơn thế. Kỹ năng thuyết trình bao gồm khả năng thuyết phục người khác lắng nghe và đánh giá về quan điểm của mình. Là khả năng kiểm soát bản thân, vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông và thoải mái thể hiện sự hiểu biết về vấn đề đang trình bày. Là khả năng sân khấu nhằm tận dụng mọi công cụ hỗ trợ và nắm bắt được tâm lý khán giả trong suốt quá trình giao tiếp, thuyết trình.
Sức mạnh của công nghệ hiện đại khiến con người phải dè chừng trong môi trường cạnh tranh về công việc. Khi đó, thứ quý giá nhất nhằm xác định năng lực một con người chính là ý tưởng. Và thuyết trình sẽ là phương tiện dễ dàng và hiệu quả nhất để con người trình bày, thuyết phục người khác nhằm hiện thực hóa các ý tưởng của riêng mình. Ý tưởng thành công phải là một ý tưởng có mặt ở thực tế đời sống.
Trong quá trình đi từ suy nghĩ đến hành động ấy, kỹ năng thuyết trình chính là sợi dây kết nối giữa người với người.
“Không ai biết được bạn đã nghĩ những gì, sáng tạo ra sao nếu bạn không đủ khả năng thuyết phục được họ” - ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK khẳng định. Đó cũng là lý do mà chúng ta có rất nhiều người tài nhưng lại không thể làm lớn, không hiện thực được ý tưởng và nắm bắt được các cơ hội thực tế vì thiếu khả năng thuyết phục người khác.
Thời đại chúng ta đang sống là thời đại xác lập những thay đổi với tốc độ được tính bằng giây. Chúng ta phải nhìn về bài học tiếp nhận tiếng Anh để có được sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai thế hệ trẻ. Thập kỷ trước, chúng ta sẵn sàng dùng hàng chục năm trời để chứng minh và nỗ lực thay đổi nhận thức của phần đông người dân. Nhưng với nền tảng internet và quá trình hội nhập hóa khủng khiếp như hiện nay, một giây chậm trễ đủ biến một người trở thành kẻ theo sau thời đại. Chính vì thế, việc học hỏi và rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng thời đại như Giao tiếp - Thuyết trình phải được đẩy nhanh và chú trọng càng sớm càng tốt.
Nguyễn Thị Ngọc - Marketing Manager of VTALK Academy