Thực trạng và xu hướng phát triển trường đại học tư thục hiện nay

Mô hình đại học tư thục ở Việt Nam thời gian qua đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, vừa đáp ứng được nhu cầu học tập ở trình độ cao ngày càng tăng của Nhân dân, vừa góp phần cung ứng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu phát triển đất nước, góp phần để Việt Nam hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới. Bài viết đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng phát triển các trường đại học tư thục tại Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao vai trò của hệ thống trường đại học tư thục trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Khái quát về quy mô và chất lượng của giáo dục đại học tư thục ở Việt Nam trong những năm gần đây

Trước bối cảnh cạnh tranh với giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới, để khẳng định được vị thế các cơ sở GDĐH trong nước luôn phải nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ đào tạo. Bên cạnh việc chú trọng phát triển hệ thống giáo dục đại học công lập, yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục đại học tư thục (ĐHTT) trở thành một xu thế tất yếu hiện nay khi Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới.

Hệ thống giáo dục ĐHTT ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Giáo dục của các trường ĐHTT phát triển không chỉ giảm áp lực về chi ngân sách của Nhà nước mà còn góp phần đa dạng hóa hệ thống giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội. Trong thời gian qua, các trường ĐHTT đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như năm 1993, nước ta mới có trường ĐHTT đầu tiên thì đến hết năm 2020 đã là 61 trường (trên tổng số 236 trường đại học). Các trường ĐTTT chiếm khoảng 26% tổng số trường đại học trên cả nước và phân bố ở 29/63 tỉnh, thành phố. Nhiều nhất là thành phố Hà Nội: 14 trường, kế đến TP. Hồ Chí Minh: 12 trường. Tỷ lệ sinh viên của các cơ sở ĐHTT trong nhiều năm ở mức xấp xỉ 13% quy mô sinh viên cả nước1.

Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng hệ thống trường ĐHTT thời gian qua đã tạo cơ hội lớn cho người dân được học tập nâng cao trình độ và kỹ năng lao động. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở giáo dục ĐHTT còn chưa chặt chẽ, các điều kiện để bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐHTT còn nhiều bất cập; xu hướng thương mại hóa giáo dục ĐHTT đang đặt ra những mối lo ngại cho xã hội đòi hỏi phải có các giải pháp để hoàn thiện trường ĐHTT trong tương lai.

Thực trạng hệ thống chính sách phát triển đại học tư thục của Việt Nam

Đảng và Nhà nước chủ trương xã hội hóa, đổi mới giáo dục đã đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của Nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước. Luật Giáo dục năm 2005 và Nghị định số 75/2006/NĐ – CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ  hướng dẫn Luật Giáo dục năm 2005 đã quy định “Cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình là công lập, dân lập và tư thục”. Luật Giáo dục đại học năm 2012, tại khoản 2 Điều 7 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được tổ chức theo các loại hình: cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất”.

Trong phạm vi bài viết này có thể hiểu: trường ĐHTT là cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước; hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp vốn, tự chủ về tài chính và các hoạt động đào tạo theo quy định của pháp luật; tự cân đối thu – chi, thực hiện các quy định về chế độ kế toán, thống kê và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Trường ĐHTT là loại hình cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập (ĐHNCL) của Việt Nam. Cũng như các trường đại học công lập, trường ĐHTT có chức năng đào tạo, nghiên cứu, kiến tạo tri thức mới để đóng góp cho sự phát triển của xã hội và tiến bộ của nhân loại. ĐHTT là mô hình tổ chức đại học năng động, tự chủ, có động lực tự thân để phát triển không ngừng và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Sự ra đời của hệ thống trường ĐHTT ở Việt Nam gắn với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, khuôn khổ pháp lý cho phát triển ĐHTT ở Việt Nam, được thể hiện qua các giai đoạn cụ thể sau:

(1) Giai đoạn 1986 – 1996: đây là giai đoạn đánh dấu sự đổi mới đột phá của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội theo cơ chế thị trường, trong đó có sự ra đời của trường ĐHNCL. Nghị quyết lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) khẳng định, có 3 loại hình của giáo dục ngoài công lập đó là: bán công, dân lập và tư thục. Theo tinh thần đó, cuối năm 1988, Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long ra đời, tuy nhiên, từ thực tế thăm dò, điều tra dư luận xã hội cho thấy, việc mở trường ĐHTT lúc bấy giờ ở nước ta còn quá mới mẻ, nên ngày 02/01/1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tạm thời số 196/TCCB về trường đại học dân lập.

(2) Giai đoạn 1997 – 2004: giai đoạn này Đảng và Nhà nước đã khẳng định chủ trương đúng đắn của chính sách xã hội hóa giáo dục và tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý hơn nhằm thực hiện chủ trương này và hệ thống GDĐH giai đoạn này bao gồm 4 loại hình: công lập, bán công, dân lập và tư thục.

(3) Giai đoạn 2005 – 2008: đây là giai đoạn có sự thay đổi lớn liên quan đến phát triển giáo dục ĐHTT với sự ra đời của các văn bản như: Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/5/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục – thể thao, theo đó, Nghị quyết này khẳng định không duy trì loại hình trường bán công. Luật Giáo dục năm 2005 thay thế Luật Giáo dục năm 1998 là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và hoạt động giáo dục nói chung, GDĐH và phát triển các trường ĐHTT. Sau đó là Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT ban hành tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ, đã quy định chi tiết việc tổ chức và hoạt động của các trường ĐHTT. Tiếp đó là Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

(4) Giai đoạn 2009 – 2014: giai đoạn này có sự ra đời của nhiều chính sách quan trọng liên quan đến nguyên tắc, cơ chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT, như: Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT; Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/10/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Giai đoạn này đánh dấu sự ra đời của cơ sở giáo dục ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận; là cơ sở GDĐH mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở GDĐH; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ. Do đó, các trường ĐHTT, đặc biệt là Hội đồng quản trị phải xem đây là nguyên tắc cơ bản để tổ chức và quản lý các hoạt động của cơ sở GDĐT.

(5) Giai đoạn 2015 – 2020: văn bản quan trọng nhất ra đời trong giai đoạn này là Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH; sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH. Theo tinh thần của các văn bản này, ĐHTT được chia thành: mô hình ĐHTT không vì lợi nhuận và mô hình ĐHTT vì lợi nhuận.

Một số đánh giá về phát triển đại học tư thục

Hệ thống văn bản do Đảng và Nhà nước ban hành trong từng giai đoạn trên đã tạo ra nền tảng pháp lý để phát triển loại hình ĐHTT phù hợp với nhu cầu học tập của người dân, cũng như trình độ phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Thể hiện ở những thành quả đã đạt được của hệ thống ĐHTT. Cụ thể là:

Thứ nhất, về quy mô: nếu so sánh với các trường đại học công lập thì số lượng trường ĐHTT cũng gia tăng hằng năm và hiện chiếm khoảng 25,5% tổng số trường đại học trong cả nước. Số lượng sinh viên trên 253 nghìn (chiếm 13,16% sinh viên đại học trên cả nước), đội ngũ giảng viên là 20.500 người.

Thứ hai, về chất lượng: chất lượng giáo dục của các trường ĐHTT đã có chuyển biến bước đầu. Mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy được đổi mới, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học. Ví dụ, Trường Đại học Bình Dương (có gần 1.000 cán bộ khoa học đang làm việc tại các khoa, phòng, ban, trung tâm, viện nghiên cứu, phân hiệu, trong đó cán bộ, giảng viên cơ hữu là 360 người, có 6 giáo sư, 40 phó giáo sư, 52 tiến sỹ và 130 thạc sỹ…); Trường Đại học Thăng Long (có đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu là 155 người; trong đó có 12 giáo sư, 5 phó giáo sư, 8 tiến sỹ và 88 thạc sỹ). Tùy theo mục tiêu phát triển từng giai đoạn, nhà trường dành 40 – 80% các nguồn thu để tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nội dung – chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhiều trường ĐHTT đã xây dựng khu học tập, giảng dạy khang trang, hiện đại, trong đó một số trường đã xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, như: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học FPT… Số liệu báo cáo của 43/61 trường ĐHTT cho thấy, khoảng 77% số trường có thu vượt chi, nộp ngân sách nhà nước 111 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng lợi nhuận trên tổng chi đạt đến 143%2. Tính đến ngày 31/12/2020, có 28/61 trường ĐHTT đã đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia, một số chương trình đào tạo của các trường ĐHTT đã đạt chất lượng do các tổ chức quốc tế kiểm định3.

Thứ ba, về xếp hạng quốc tế đối với cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo: năm 2019, Trường Đại học Duy Tân là trường tư thục đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng trong 500 trường đại học tốt nhất châu Á và là trường có 2 ngành đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ (trường đại học thứ 2 của Việt Nam có ngành đạt chuẩn kiểm định ABET)4; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được Tổ chức Kiểm định QS đánh giá xếp hạng 4 sao (đã được xếp hạng 3 sao vào năm 2016); Trường Đại học FPT có 1 ngành đạt chuẩn chất lượng ACBSP (Trường Đại học FPT được QS xếp hạng 5 sao cho 4 tiêu chí quan trọng vào năm 2015)5.

Thứ tư, về nghiên cứu khoa học: sự thay đổi về chất trong nghiên cứu và công bố kết quả khoa học ở tầm quốc tế đã nâng vị thế và xếp hạng của nhiều ĐHTT trên bảng xếp hạng các trường đại học trong khu vực và trên thế giới, như: Trường Đại học Duy Tân lần đầu tiên được Tổ chức xếp hạng Đại học thế giới theo thành tựu học thuật (URAP) xếp hạng; 2 trường ĐHTT có mặt trong Top 10 các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam dẫn đầu về số lượng các công bố quốc tế trong thời gian từ ngày 01/8/2018 – 31/7/20206.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện đào tạo tại các trường ĐHTT còn có hạn chế. Khá nhiều trường ĐHTT tuyển sinh đầu vào chất lượng thấp, điểm chuẩn thường sát điểm sàn, thậm chí còn thấp hơn điểm sàn khi chưa có quy định điểm sàn. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chưa nghiêm, nhiều trường ĐHTT số lượng giảng viên cơ hữu mỏng (thường thấp hơn số giảng viên thỉnh giảng). Năm học 2019 – 2020, nhiều trường ĐHTT đã tuyển không đủ chỉ tiêu vì khan hiếm nguồn tuyển, điều này đã ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của các trường ĐHTT. Hội đồng quản trị của các trường ĐHTT hy vọng vào nguồn học phí để bù vào, nên nếu không tuyển được sinh viên, trong khi vẫn phải trả lương cho giảng viên, nguồn vốn đó sẽ hết và việc “tan trường” là khó tránh khỏi, vì không có sinh viên đồng nghĩa với việc mất đi nguồn tài chính và nhà trường khó để duy trì được.

Đội ngũ giảng viên các trường ĐHTT vừa thiếu, vừa yếu. Giáo viên cơ hữu có trình độ đại học vẫn còn khá lớn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nhiều trường ĐHTT không thể bố trí đủ giáo viên cơ hữu, số giảng viên thỉnh giảng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, phần lớn là giảng viên cơ hữu đều đã nghỉ hưu từ các trường đại học công lập được mời về.

Các chính sách phát triển trường ĐHTT của Nhà nước ban hành chưa đồng bộ và nhất quán, chưa kịp thời, chưa xây dựng đầy đủ và cụ thể hóa các quy chuẩn, các điều kiện, năng lực để bảo đảm chất lượng đào tạo, chưa thực sự tạo động lực phát triển trường ĐHTT. Trong khi đó, hệ thống GDĐH công lập còn được bao cấp quá nhiều, hệ thống ĐHTT chưa được sự quan tâm thích đáng của Nhà nước.

Một số khuyến nghị phát triển đại học tư thục ở Việt Nam trong giai đoạn tới

Nhằm xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục ĐHTT ở Việt Nam ngày một phát triển và sánh ngang với hệ thống các trường đại học trong khu vực, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện việc rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển trường ĐHTT để sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh kịp thời, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Muốn tổ chức quản lý, quản trị có hiệu quả, hạn chế được phức tạp, phát huy được ưu thế của giáo dục ĐHTT cần phải có một hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, phù hợp và một chế tài thực thi nghiêm túc, đủ mạnh. Nhà nước cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực thi Luật và các chính sách liên quan đến giáo dục ĐHTT.

Hai là, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các trường đại học công lập và ĐHTT. Các trường ĐHTT còn có nhiều khó khăn về nguồn tài chính, về cơ sở vật chất, do vậy rất cần được bình đẳng với các trường công lập trong tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, thuế, học bổng sinh viên.

Ba là, xây dựng quy định và các tiêu chuẩn để kiểm soát hoạt động đào tạo của các trường ĐHTT vừa bảo đảm quyền tự chủ trong công tác tổ chức đào tạo, vừa bảo đảm chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu phát triển hệ thống GDĐH. Các cơ quan quản lý nhà nước không tham gia quá sâu vào công tác quản trị của các trường đại học mà thay vào đó phải có trách nhiệm xây dựng quy chế, chính sách, thực hiện thanh tra kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các trường ĐHTT.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền tự chủ của các loại hình ĐHTT, trong đó phải quy định rõ năng lực và mức độ tự chủ. Trong tương lai, cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa cho các trường ĐHTT để các trường chủ động cao trong cạnh tranh với các trường đại học khác và thích ứng kịp thời với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là các quy định về tuyển sinh và ngành, nghề đào tạo của trường ĐHTT.

Năm là, các trường ĐHTT muốn tồn tại và phát triển bền vững phải nâng cao được chất lượng đào tạo để tự quyết định thương hiệu cho mình. Các trường ĐHTT ở Việt Nam cần thiết lập lại tầm nhìn và mục tiêu phát triển mới theo định hướng hội nhập quốc tế và cạnh tranh với các trường đại học trong nước, khu vực và trên thế giới. Chất lượng đào tạo phải được trường ĐHTT đặt lên hàng đầu, quan tâm tạo môi trường học tập và giảng dạy thật tốt, sớm được kiểm định và công nhận về chất lượng để khẳng định thương hiệu và uy tín đối với xã hội.

Chú thích:
1. Đặng Văn Định. Phân tích cơ chế, chính sách phát triển giáo dục Đại học tư thục Việt Nam thời kỳ 1988 – 2018. Tạp chí Giáo dục và xã hội số 2/2019.
2, 3. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập. https://moet.gov.vn, ngày 12/5/2017.
4, 5, 6. Việt Nam có 8 trường vào top 500 đại học tốt nhất châu Á 2019. https://moet.gov.vn, ngày 27/11/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Giáo dục đại học năm 2005.
2. Luật Giáo dục đại học năm 2012.

ThS. Nguyễn Thái Hoàng = Trường Đại học Thái Bình Dương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thuc-trang-va-xu-huong-phat-trien-truong-dai-hoc-tu-thuc-hien-nay-a8767.html