Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các Khu di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam theo Công ước Di sản thế giới” vừa diễn ra chiều ngày 14/9 ở Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An ( tỉnh Quảng Nam).
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam có 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh, gồm: Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ngoài ra, còn có Nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với những giá trị đặc sắc, nổi bật toàn cầu của những di sản này, Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng đã khẳng định là một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước và khu vực; được thế giới bình chọn nhiều danh hiệu cao quý ở lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, COVID-19 đã tác động rất lớn, tiêu cực đến toàn bộ hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Tân, Hội thảo là dịp để các cơ quan, đơn vị, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn cùng nhau trao đổi, đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi, sát đúng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Việt Nam tham gia Công ước Bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới vào năm 1987, đến nay cả nước đã có 8 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Điều này có thể khẳng định, các di sản thế giới này đã được các địa phương quản lý, bảo vệ bền vững nhằm trao truyền lại cho thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới, cũng như pháp luật về di sản văn hoá.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới vẫn chưa thực sự tương xứng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, di sản hiện vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có ảnh hưởng của đại dịch COVID-19...
Để từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, công tác này phải được tiếp cận liên ngành và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Cục Di sản văn hóa nhận định, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản thế giới ở Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO, trong thời gian tới cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau.
Theo đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản thế giới, đảm bảo sự thống nhất, hạn chế sự chồng chéo trong công tác quản lý. Trong đó, bên cạnh việc quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cần có những quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, hỗ trợ cộng đồng sinh sống trong di sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực di sản thế giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ di sản thế giới.
Ngoài ra, cần kiện toàn bộ máy quản lý di sản thế giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực thực thi kế hoạch quản lý. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào quản lý di sản thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý di sản thế giới.
Liên quan đến những giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị của các khu di sản văn hoá, di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh trong và sau đại dịch COVID-19. Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới các đơn vị quản lý vần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Song song đó, cần tạo cơ chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý, bảo tồn di sản thúc đẩy phát triển công nghệ số. Tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc bảo vệ giá trị của các khu di sản văn hoá, di sản thế giới tại Việt Nam.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam cho biết, khảo sát nhanh của Trung tâm Di sản Thế giới cho thấy hơn 90% các khu di sản thế giới đã buộc phải đóng cửa vào giữa khủng hoảng dịch bệnh COVID năm 2020. Với Việt Nam thì tới cuối năm 2021 mới đóng cửa.
Theo bà Hường, việc đóng cửa do dịch COVID tại Việt Nam đã khiến nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ của các thách thức nổi bật, do đó trong thời gian tới, cơ quan quản lý di sản Việt Nam cần thúc đẩy cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn y kiến của các chuyên gia và nghiên cứu các giải pháp, mô hình quản lý, bảo tồn thích ứng với bối cảnh đầy biến động và thử thách mới.
Thăng Bình
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/can-chu-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-quan-ly-chat-luong-cao-trong-bao-ve-di-san-the-gioi-tai-viet-nam-a8759.html