Đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của nước ta, trong đó, các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định.
Thế giới đang lúng túng đối phó với cuộc khủng hoảng giá dầu và khí đốt hiện nay, thậm chí có xu hướng quay lại duy trì nhiệt điện than để đảm bảo nguồn cung năng lượng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần ứng phó ra sao, nhất là khi chúng ta đang xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045?
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), lãnh đạo 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact) ngày 13/11/2021. Theo đó, khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Đây là được xem là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc. Hiệp ước bao gồm một nội dung quan trọng, kêu gọi việc “giảm dần nhiệt điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”.
Cuộc chiến Nga-Ucraina xảy ra, Mỹ cùng EU cấm vận Nga dẫn đến khủng hoảng năng lượng thế giới:
Thế nhưng, cuộc chiến Nga - Ucraina diễn ra (từ ngày 24/2/2022) đến nay đã làm xáo trộn tất cả. Mỹ và EU lập tức tiến hành hàng loạt biện pháp cấm vận Nga dẫn đến giá dầu và giá khí đốt tăng vọt. Cú sốc năng lượng năm nay là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông (năm 1973 và 1979). Kết quả là nó đã gây ra những khó khăn ngắn hạn và định hình lại ngành năng lượng về lâu dài. Những tác động trước mắt thì đã được nhìn thấy, nhưng nhiều hậu quả lâu dài vẫn chưa thể lường hết được.
Do giá nhiên liệu và giá điện cao, hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại, lạm phát leo thang, đời sống người dân bị thắt chặt và bất ổn về chính trị. Điều này đã dẫn đến các chính sách giải quyết thiếu hụt năng lượng bằng việc thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch, dù biết nó không sạch.
Hiện nay, một số nước thuộc EU đang quay trở lại phục hồi sản xuất nhiệt điện than. Các nước Đức, Áo và Hà Lan cho rằng: Năng lượng sản xuất từ than đá có thể giúp họ đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông tới. Còn Áo cũng thông báo sẽ chuyển đổi nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trong trường hợp khẩn cấp, trong khi Hà Lan loại bỏ giới hạn sản xuất năng lượng từ than. Các nhà máy nhiệt điện than của Italy đã tích cực dự trữ than trong vài tháng qua. Với việc cân nhắc mở lại nhà máy điện than, Pháp trở thành quốc gia mới nhất xem xét việc quay lại với năng lượng hóa thạch do ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Ukraine. “Chúng tôi đang để ngỏ khả năng có thể đưa nhà máy Saint - Avold hoạt động trở lại trong vài giờ nữa, nếu chúng ta cần điện vào mùa đông tới” - Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp thông báo hôm 27/6.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng khí đốt đã buộc châu Âu phải từ bỏ việc tẩy chay năng lượng hạt nhân. “Để đạt được mức độ trung hòa cacbon, chúng ta thực sự cần phải chuyển sang cấp độ tiếp theo trong sản xuất điện khử cacbon ở châu Âu, với điều kiện nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi trong 30 năm nữa. Điều này nói lên các khoản đầu tư đáng kể để tăng năng lực sản xuất của các loại năng lượng như hạt nhân và năng lượng tái tạo” - Cao ủy châu Âu về Thị trường Nội bộ Thierry Breton cho biết (hôm 4/3/2022).
Sự thay đổi từ “năng lượng xanh” - không dùng than của EU, sang “nhiên liệu bẩn” diễn ra sau khi nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga cắt giảm 60% nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream (hôm 19/6/2022). EU phụ thuộc vào Nga với 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên và việc cắt giảm nguồn cung có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của khối này. Chiến sự tại Ukraine đã khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt và có thể thiếu hụt nghiêm trọng do các lệnh cấm vận tiếp tục được đưa ra.
Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng vào mùa đông sắp tới, nếu không tìm được nguồn cung khác. Nhu cầu về khí đốt tự nhiên trong khu vực hiện tại khá cao, do thời tiết nắng nóng mùa hè buộc người dân châu Âu phải đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống làm mát.
Hiện nay tác động của biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Tại châu Âu, tình hình thời tiết cực đoan này càng gây thêm căng thẳng trong bối cảnh nguồn cung năng lượng eo hẹp và giá khí đốt tăng cao.
Theo một số nhà phân tích, nhu cầu sử dụng điện cao trong mùa hè nóng khiến các nước khó dự trữ đủ khí đốt cho mùa đông sắp tới. Và như vậy, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông khi lượng tiêu thụ năng lượng trong mùa sưởi ấm sẽ tăng vọt và khả năng lượng khí đốt từ Nga sẽ bị cắt giảm.
Để đối phó với tình trạng này, châu Âu đã tăng cường nhập khí hóa lỏng từ Mỹ, Ba Lan tham vọng thành trung tâm khí đốt châu Âu. Với kho LNG lớn nhất ở cảng Swinoujscie, Ba Lan hướng tới mục tiêu thành trung tâm khí đốt của châu Âu, giúp khu vực giảm phụ thuộc năng lượng Nga. Tuy nhiên, giá khí LNG nhập từ Mỹ hiện nay cao hơn nhiều so với giá khí đốt mua từ Nga, điều đó làm tăng thêm chi phí của người tiêu dùng châu Âu.
Quy hoạchđiện VIII và vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam:
Đối với nước ta, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng luôn luôn được ưu tiên hàng đầu. Căn cứ cam kết đưa phát thải ròng về không (Net Zero) vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại COP26, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn chỉnh với kết quả tính toán nhu cầu tổng công suất các nhà máy điện tính đến năm 2030 (Phương án cơ sở - Phiên bản tháng 4 năm 2022), Việt Nam cần:
- Khoảng 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát). Trong đó, nhiệt điện than có công suất 37.467 MW (chiểm tỷ lệ 25,7%) vào năm 2030 và không phát triển thêm cho tới năm 2045 (đến thời điểm này tỷ lệ giảm xuống chỉ còn 9,6%).
- Nguồn điện khí LNG sẽ đạt 23.900 MW (tỷ lệ 16,4%) vào năm 2030 và tăng lên đến 31.400 MW (tỷ lệ 14,8%) vào năm 2035, sau đó giữ nguyên đến năm 2045.
- Điện gió trên bờ đạt 16.121 MW (tỷ lệ 11%) vào năm 2030 và tăng công suất lên đến 55.950 MW (tỷ lệ 14,3%) vào năm 2045.
- Điện gió ngoài khơi sẽ được đầu tư xây dựng 7.000 MW (tỷ lệ 4,8%) vào năm 2030 và tăng lên đến 66.500 MW (tỷ lệ 17%) vào năm 2045.
- Riêng điện mặt trời quy mô lớn vào năm 2030 vẫn được giữ nguyên như hiện tại là 8.736 MW (tỷ lệ 6%) và dự kiến đạt khoảng 76.000 MW (tỷ lệ 19,4%) vào năm 2045.
- Phát triển điện sinh khối và các dạng năng lượng tái tạo khác dự kiến đạt 1.230 MW (tỷ lệ 0,8%) vào năm 2030 và phát triển lên đến 5.210 MW (tỷ lệ 1,3%) vào năm 2045.
- Riêng thủy điện tích năng và pin lưu trữ đạt 2.450 MW (tỷ lệ 1,7%) vào năm 2030 và đạt 29.250 MW (tỷ lệ 7,5%) vào năm 2045.
Qua số liệu Dự thảo Quy hoạch Điện VIII nêu trên, có thể nhận thấy:
Thứ nhất: Với đề xuất nguồn điện khí hóa lỏng LNG sẽ chiếm 16,4% công suất toàn hệ thống điện vào năm 2030 và 14,8% vào năm 2035 cho thấy việc đảm bảo an ninh năng lượng sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì nguồn LNG này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, giá cả biến động khó lường, không thể kiểm soát. Giá khí LNG đang ở mức cao như hiện nay và biến động mạnh theo giá dầu chắc chắn làm khó các dự án điện khí LNG ngay trong quá trình đàm phán giá điện. Theo Purva Jain - nhà phân tích của IEEFA, giá LNG giao ngay được dự báo ở mức trên 50 USD/MMBTU từ nay đến tháng 9/2022 và 40 USD/MMBTU trong quý 4/2022, trong khi nhà máy điện khí LNG muốn bán điện ở mức giá 8 - 9 UScent/kWh thì giá LNG đầu vào phải quanh mức 12 USD/MMBTU.
Thứ hai: Đối với điện gió trên bờ dự kiến chiếm 11% công suất toàn hệ thống vào năm 2030 và 14,3% vào năm 2045; điện gió ngoài khơi chiếm 4,8% vào năm 2030 và đến 2045 là 17% và điện mặt trời dự kiến chiếm 19,4% vào năm 2045 là bước đột phá chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, khó đảm bảo an ninh năng lượng nếu chỉ trông chờ vào điện gió, điện mặt trời vì hai nguồn năng lượng này luôn không ổn định như nhận định của các chuyên gia năng lượng nêu tại tọa đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam”, ngày 22/6, tại Bộ Công Thương.
Thứ ba: Thủy điện tích năng và pin lưu trữ điện năng chỉ đưa ra tỷ lệ khá khiêm tốn với mức chiếm 1,7% công suất của hệ thống vào năm 2030 và 7,5% vào năm 2045. Theo đánh giá của các chuyên gia, khi mức thâm nhập năng lượng tái tạo vào hệ thống điện đạt từ 15% trở lên về quy mô sản lượng thì việc đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) sẽ có ý nghĩa. Cơ chế ESS có thể hoạt động như một nguồn tích hợp để cung cấp nguồn dự trữ khi xảy ra chênh lệch giữa cung và cầu trong hệ thống điện (sự cố tổ máy, giảm đột ngột nguồn năng lượng tái tạo...).
Theo thống kê của Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương): Đến cuối năm 2021 tổng công suất điện gió, điện mặt trời đạt khoảng 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ các nguồn điện này đạt 31,5 tỷ kWh, tương đương gần 12,3% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Sáu tháng đầu năm 2022 con số này tăng lên khoảng 14% sản lượng điện hệ thống - theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0).
Từ năm 2021 đến nay, nhu cầu truyền tải công suất phát của điện mặt trời và điện gió lúc cao điểm làm gia tăng hiện tượng quá tải lưới điện cục bộ và tăng nhu cầu dịch chuyển đỉnh - đáy của các loại nguồn thủy điện, điện than và khí. A0 đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong điều độ nguồn - lưới, nhưng nhiều thời điểm đang buộc phải cắt giảm khá lớn nguồn điện năng lượng tái tạo, dẫn đến thiệt hại kinh tế của các nhà đầu tư và xã hội.
Đến thời điểm này chưa có ESS nào được đầu tư xây dựng, riêng thủy điện tích năng mới chỉ có dự án Nhà máy Thủy điện Tích năng Bác Ái đang thi công, dự kiến đến năm 2028 mới đưa vào vận hành. Tiềm năng thủy điện tích năng của nước ta có khả năng khai thác đạt 12.500 MW, tập trung tại các trung tâm phụ tải, hoặc các trung tâm năng lượng tái tạo, do vậy cần tăng thêm công suất thủy điện tích năng ngay trong giai đoạn đến năm 2030 là hợp lý, vì chúng ta có kinh nghiệm xây dựng, vận hành thủy điện. Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp mới thúc đẩy việc phát triển loại hình ESS.
Thứ tư: Dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa xem xét phát triển điện hạt nhân đến năm 2045. Hiện nay điện hạt nhân đang đóng góp trên 10% sản lượng điện toàn cầu và chiếm 1/3 trong số các loại nguồn điện được tạo ra bằng công nghệ phát thải carbon thấp. Chúng ta giảm phát triển nhiệt điện than (từ 2030 đến 2045 không xây dựng thêm nhiệt điện than), nếu thời kỳ này bổ sung nguồn điện hạt nhân Ninh Thuận với quy mô công suất 4.000 MW sẽ đảm bảo nguồn điện ổn định và mức an ninh năng lượng sẽ cao hơn. Lợi thế của điện hạt nhân là hệ số sử dụng công suất cao và vòng đời khá dài (đến 60 năm và có thể đến 80 năm), nên sản lượng điện tạo ra ổn định, nhiều hơn các loại nguồn điện khác cùng công suất, dẫn đến giá thành rất rẻ khi hết khấu hao đầu tư, còn chi phí nhiên liệu trong giá điện thì rất thấp.
Theo quan điểm của PGS, TS. Vương Hữu Tấn - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: “Điện hạt nhân là cần thiết với nước ta, đặc biệt khi Chính phủ đã cam kết zero carbon vào năm 2050”.
Thay cho lời kết:
Nhu cầu chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam rất lớn, nhưng chúng ta gặp thách thức khi nguồn tài nguyên sơ cấp truyền thống là thuỷ điện cơ bản đã khai thác hết, tiềm năng thủy điện nhỏ cũng không còn nhiều dư địa để phát triển, trong khi nhiệt điện than sẽ không phát triển, xây dựng thêm sau năm 2030 nhằm đảm bảo trung hòa carbon vào năm 2050.
Hiện nay để đối phó với vấn đề thiếu hụt năng lượng, một số nước trên thế giới cho bơm thêm dầu và hồi sinh nhiệt điện than, khiến họ rơi vào thế mâu thuẫn với mục tiêu phát triển bền vững.
Nhằm tránh rơi vào thế bị động như vậy, chúng ta cần có những tính toán, cân nhắc cụ thể về việc phát triển các nguồn điện khác nhau, ít phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài và xây dựng hệ thống lưu trữ điện năng nhằm mục tiêu cơ bản là đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững.
Đến thời điểm này Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt Quy hoạch điện VIII, do vậy, vẫn còn cơ hội bổ sung phát triển điện hạt nhân vào giai đoạn 2030 - 2045 nhằm tạo thêm nguồn điện ổn định, phát thải thấp thay thế nhiệt điện than. Để thực hiện được mục tiêu này cần phải có các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau bỏ vốn vào phát triển thị trường năng lượng, giúp cho công cuộc chuyển dịch năng lượng nước ta tới thành công.
TS NGUYỄN HUY HOẠCH
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dam-bao-an-ninh-nang-luong-trong-nguoi-lai-ngam-den-ta-a8734.html