Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, là một trong những lực lượng đóng góp chính vào sự tăng trưởng kinh tế1. Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, đổi mới là rất quan trọng không chỉ để tồn tại mà còn để nắm bắt cơ hội mới, tìm cách bảo vệ tài sản tri thức và cố gắng đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Khả năng phát triển cũng như tung ra các sản phẩm mới sáng tạo sử dụng công nghệ tiên tiến trước hoặc sau các đối thủ cạnh tranh là rất quan trọng để đạt được lợi thế đi đầu, thành công về sản phẩm, giành được thị phần, lợi nhuận tăng đều và phát triển bền vững. Đối với DNNVV, thực hiện đổi mới là tất yếu, đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng. Công nghệ thông tin phát triển ngày càng nhanh, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng và thường xuyên thay đổi. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các DNNVV trong nước. Bên cạnh đó, những đổi mới mang tính đột phá từ những đối thủ cạnh tranh trong ngành có thể tạo ra áp lực lớn hơn nhằm tìm ra con đường mới để phát triển của các doanh nghiệp (DN). Do vậy, để tồn tại và phát triển, các DNNVV cần phải liên tục đổi mới, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Quản trị tri thức (QTTT) là các phương pháp hoạt động để liên tục tạo ra tri thức; chúng có thể kích thích việc tiếp thu kiến thức, lưu trữ kiến thức, bảo vệ kiến thức và chia sẻ kiến thức trong một tổ chức2. QTTT nhấn mạnh nhu cầu thiết lập kho lưu trữ kiến thức và tạo ra môi trường chia sẻ kiến thức để cải tiến nhiều hơn cho tổ chức. Các công ty sản xuất muốn thành công cần phải hiểu rõ cách hình thành, quản lý và kiểm soát sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức và mối quan hệ hợp tác với các đối tác thông qua QTTT.
Một tổ chức phải phát triển năng lực đổi mới để trở nên sáng tạo. Đổi mới là một quá trình phát triển trong một tổ chức liên quan đến việc áp dụng bất kỳ sản phẩm, cơ chế, luật pháp hoặc dịch vụ mới nào3. Nó là một quá trình tận dụng các nguồn lực của DN với một năng lực mới để tạo ra các giá trị nhất định4. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều công ty sản xuất và dịch vụ có tư duy tiến bộ trên thế giới tập trung vào năng lực đổi mới sáng tạo (NLĐMST) như Vinfast và Viettel của Việt Nam.
Khả năng QTTT của một tổ chức được mô tả là khả năng của một DN trong việc thu nhận, lưu trữ, chuyển giao và bảo vệ kiến thức tổ chức, thực sự là nền tảng quan trọng cho NLĐMST của DN, dựa trên việc tích hợp kiến thức mới và hiện có5. Các thành phần của QTTT bao gồm nỗ lực của người quản lý để thu thập và tạo ra kiến thức hữu ích (tức là thu nhận kiến thức), lưu trữ kiến thức đó trong kho lưu trữ để nhân viên có thể dễ dàng truy cập kiến thức (tức là lưu trữ kiến thức), chia sẻ và phổ biến kiến thức trong toàn tổ chức (tức là phổ biến kiến thức) và ngăn chặn việc sử dụng kiến thức bất lợi (tức là bảo vệ kiến thức).
Khả năng sử dụng một tập hợp các thủ tục được kết nối với nhau để phát triển và triển khai các sản phẩm mới và cải thiện chất lượng của các sản phẩm hiện có được gọi là khả năng đổi mới6. Nói cách khác, đó là triết lý cải tiến liên tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của DN. Năng lực đổi mới sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất cho phép các DNNVV đạt được mức độ cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Các tổ chức đầu tư vào việc phát triển năng lực đổi mới để hướng tới cơ hội thành công cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên, có những nhận định xác định NLĐMST là dựa trên các khía cạnh đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình và đổi mới quản lý7.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong DN (R&D) được định nghĩa là công việc sáng tạo có hệ thống được thực hiện nhằm gia tăng nguồn kiến thức, bao gồm: kiến thức về con người, văn hóa và xã hội, bao gồm cả việc sử dụng kiến thức này để phát triển các ứng dụng mới8. Có thể chia NLĐMST thành bốn khía cạnh: (1) Khả năng phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường; (2) Khả năng áp dụng các công nghệ quy trình thích hợp để sản xuất các sản phẩm mới; (3) Khả năng phát triển và áp dụng công nghệ sản phẩm và quy trình mới để đáp ứng nhu cầu trong tương lai; (4) Khả năng đáp ứng các hoạt động công nghệ ngẫu nhiên và các cơ hội bất ngờ do đối thủ cạnh tranh tạo ra9. Do đó, NLĐMST của DN là khả năng huy động kiến thức của nhân viên và kết hợp nó để tạo ra kiến thức mới, dẫn đến đổi mới sản phẩm hoặc quy trình.
Lý thuyết nguồn lực được sử dụng làm nền tảng lý thuyết trong nghiên cứu này để khảo sát ảnh hưởng của QTTT và NLĐMST đối với thực tiễn hoạt động kinh doanh của các DNNVV tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 DN, trong đó DNNVV chiếm trên 98%10. Những năm qua, khu vực DNNVV đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế của các địa phương, sự phát triển của các DNNVV đã tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Khái niệm QTTT đã có từ rất lâu, nhưng để các tổ chức, DN Việt Nam nói chung và các DNNVV nói riêng áp dụng và thực hành thì mới được hơn 10 năm nay. Nhắc đến QTTT ở Việt Nam, có thể kể đến Công ty TNHH Tâm Việt là thành viên đầu tiên ra đời. Trong thời gian đầu, Công ty giữ vai trò là đơn vị pháp nhân đứng ra ký kết và hợp tác với các DN khác trong hoạt động đào tạo chủ yếu về công nghệ VINNO với các phần mềm quản lý trong DN, có tính linh hoạt cao. Công nghệ này không áp đặt quy trình mà cho phép tùy chỉnh theo nhu cầu của từng DN, dễ sử dụng, không mất nhiều thời gian đào tạo nhân viên11.
Trước những cơ hội và thách thức hiện nay, định hướng chiến lược mũi nhọn mà các DNNVV Việt Nam nên tận dụng trong kỷ nguyên 4.0, chính là đổi mới năng lực quản lý, sức sáng tạo dựa vào công nghệ nhằm tạo nên những sản phẩm có giá trị sử dụng hoàn toàn mới với các tính năng thiết thực và ưu việt nhất. Với các DN đã kinh doanh theo mô hình truyền thống, đây là cơ hội để thay đổi từ năng lực quản trị, công nghệ, khả năng thích ứng với đổi mới đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, vượt trước đối thủ và lựa chọn chỗ đứng cho mình trên sân chơi toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào việc củng cố thị trường trong nước như từ trước đến nay vẫn làm.
Chính phủ cũng luôn sát cánh và hỗ trợ về mặt chính sách cho các DNNVV trong đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Cụ thể, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó quy định hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 quy định cụ thể nội dung hỗ trợ DNNVV đổi mới gồm: hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo…
Hiệu quả QTTT và đổi mới sáng tạo đem lại cho các DN nói chung và DNNVV nói riêng là rất rõ, và điều này đã trở thành một xu thế tất yếu khi các DN muốn tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi ứng dụng QTTT và đổi mới sáng tạo vào hoạt động kinh doanh của DN, đó là:
Thứ nhất, sự thay đổi trong nhận thức, thói quen. Chi phí thực tế cho đổi mới sáng tạo của các DNNVV tại Việt Nam còn thấp, mức độ quan tâm của DN còn chưa cao mà nguyên nhân có thể do các DNNVV hiện chưa nhận thức hết vai trò của QTTT với hiệu quả của những hoạt động kinh doanh của họ, các DN chưa sẵn sàng từ bỏ các thói quen làm việc cũ nên chưa đẩy mạnh đầu tư vào đổi mới sáng tạo cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển hiện đại khác.
Thứ hai, vấn đề về tài chính. Đối với các DNNVV, quá trình đổi mới sáng tạo đòi hỏi một chi phí đầu tư lớn về công nghệ, tuy nhiên, các DNNVV tại Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn về tài chính, nhiều khi mức đầu tư vượt quá khả năng tài chính của DN.
Thứ ba, về máy móc, thiết bị. Trong quá trình áp dụng QTTT và NLĐMST vào hoạt động kinh doanh của DN, họ phải tìm ra giải pháp công nghệ để tạo nên những kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ, thiết bị.
Một là, định hướng QTTT (thu nhận, lưu trữ, chia sẻ và bảo quản thông tin) có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến hoạt động của công ty. Các nhà quản lý nên tập trung vào việc cá nhân hóa các kỹ năng QTTT (khuyến khích trao đổi kiến thức giữa người với người) để thiết lập QTTT như một năng lực trong DN.
Hai là, các DNNVV tại Việt Nam cần lựa chọn những công nghệ phù hợp, lựa chọn giải pháp mang tính thực tiễn cao, lựa chọn đội ngũ nhân sự cùng chí hướng, thấu hiểu hoạt động của DN. Quá trình xây dựng, phát triển và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong hoạt động của DN, đòi hỏi DN phải bỏ chi phí đầu tư không nhỏ, cả về tài chính, nguồn lực máy móc và con người. Để việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả, DNNVV cần tiến hành lựa chọn giải pháp khả thi, tận dụng chính sách ưu đãi và xem xét khả năng đầu tư của DN.
Ba là, nâng cao NLĐMST. Các DNNVV phải phát triển văn hóa định hướng chất lượng có thể thúc đẩy hành vi đổi mới, khơi dậy mối quan tâm cải tiến và cải thiện sự phối hợp nội bộ với nhân viên để khuyến khích đổi mới nhằm phát triển và đạt được NLĐMST – một tư duy giải quyết vấn đề giúp chuyển đổi các ý tưởng và khái niệm, lấy khách hàng làm trung tâm, tư duy một sản phẩm/dịch vụ như một hệ thống và quy trình vì lợi ích khách hàng.
Bốn là, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Cần chú trọng những chính sách về công nghệ, vốn, thị trường, cơ sở hạ tầng và môi trường hoạt động chung của DN.
Năm là, lãnh đạo DN cần hình thành và bổ sung chiến lược phát triển DN dựa trên tri thức, từ đó xây dựng văn hóa DN định hướng quản trị dựa vào tri thức, nhằm tạo điều kiện cho nhân viên hòa vào môi trường sáng tạo tri thức và cùng chia sẻ chúng.
Chú thích:
1. Saad, M., Kumar, V. and Bradford, J. (2017). “An investigation into the development of the absorptive capacity of manufacturing SMEs”. International Journal of Production Research, Vol. 55 No. 23, pp. 6916 – 6931.
2. Calantone, R., Cavusgil, S. and Zhao, Y. (2002). “Learning orientation, firm innovation capability, and firm performance”. Industrial Marketing Management, Vol. 31 No. 6, pp. 515 – 524.
3. Saunila, M. and Ukko, J. (2013). “Facilitating innovation capability through performance measurement: a study of Finnish SMEs”. Management Research Review, Vol. 36 No. 10, pp. 991 – 1010.
4. Gold, A.H., Malhotra, A. and Segars, A.H. (2001). “Knowledge management: an organizational capabiliti.
5. Gold, A.H., Malhotra, A. and Segars, A.H. (2001). “Knowledge management: an organizational capabilities perspective”. Journal of Management Information Systems, Vol. 18 No. 1, pp. 185 – 214.
6. Yong Wang, (2016). “Investigating dynamic capabilities of family businesses in China: a social capital perspective”. Journal of Small Business and Enterprise Development, Vol. 23 Issue 4 pp. 1057-1080.
7. Tsai, C.T., Huang, K.L. and Kao, C.F. (2001). “The relationships among organizational factors, creativity of organizational members and organizational innovation”. Journal of Management, Vol. 18 No. 4, pp. 527-566.
8. Maistry, K., Hurreeram, D.K. and Ramessur, V. (2017). “Total quality management and innovation: relationships and effects on performance of agricultural R&D organizations”. International Journal of Quality and Reliability Management, Vol. 34 No. 3, pp. 418 – 437.
9. Adler, P. and Shenbar, A. (1990). “Adapting your technological bas.
10. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp lớn cho nền kinh tế. https://laodong.vn, ngày 18/3/2022.
11. Quản trị tri thức trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn, ngày 04/10/2021.
12. nky@ntt.edu.vn.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Doanh nghiệp năm 2020.
2. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
3. Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
ThS. Nguyễn Ky – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành