Xu hướng quản lý tài chính thông minh
Dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi “thói quen” mua sắm của tất cả mọi người. Để thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang bán hàng online. Đơn cử như siêu thị, các cửa hàng kinh doanh ăn uống hoặc các mặt hàng khác cũng chuyển mình sang “online” thông qua các ứng dụng, mạng xã hội thịnh hành hiện nay.
Lĩnh vực tài chính trong thời đại @ đã chứng kiến sự ra đời ồ ạt của các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số dành cho dịch vụ ngân hàng và tài chính, hay còn gọi là fintech. Các ứng dụng này đã và đang tạo nên nhiều thay đổi trong thói quen tài chính của chúng ta như: thanh toán bằng thẻ hoặc điện thoại di động thay cho tiền mặt, giao dịch trực tuyến…
Ngay cả cách quản lý tài chính cá nhân của chúng ta cũng ngày càng hiện đại với sự hỗ trợ của các phần mềm, chương trình hỗ trợ ghi chú và quản lý dòng tiền trên các thiết bị thông minh như máy vi tính và điện thoại di động.
Việc quản lý tài chính cá nhân sẽ dễ kiểm soát hơn trên màn hình điện thoại. Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng nhiều mã giảm giá qua các cổng thanh toán giúp người tiêu dùng có lợi hơn.
Bí quyết chính là phải lập ra kế hoạch kiểm soát chi tiêu để tự do về mặt tài chính như: Lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm tối thiểu 10% thu nhập; Cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu; Cố định các khoản phải chi tiêu hằng tháng; Giảm bớt hoặc bỏ hẳn các khoản chi tiêu xa xỉ.
Xu hướng tiêu dùng có chủ đích, có trách nhiệm
Một cuộc khảo sát tiêu dùng toàn cầu do Cone Communications thực hiện cho thấy, 81% người được phỏng vấn cho biết khi đưa ra quyết định tiêu dùng, trách nhiệm với môi trường và xã hội là ưu tiên hàng đầu rồi mới đến nhu cầu cá nhân. Điều đó tương đương với việc càng có nhiều người, đó là:
Sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho những sản phẩm không thí nghiệm trên động vật, các hực phẩm hàng hóa từ thiên nhiên (organic), sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, hoặc các sản phẩm khi mua có thể góp từ thiện cho cộng đồng.
Chọn lối sống tối giản (minimalism), mua sắm ít đi và tận dụng mô hình kinh tế chia sẻ để giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Tái sử dụng khi có thể như dùng các túi giấy cũ để đi siêu thị, tận dụng các vỏ chai cũ…
Với những thay đổi này, người tiêu dùng trên toàn cầu đang trở nên ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng. Họ có kiến thức và nhận thức sâu sắc về các vấn đề môi trường, về mối quan hệ giữa tương lai của môi trường và hành động tiêu dùng hiện tại. Chính vì thế họ cũng đòi hỏi nhiều hơn với sản phẩm và dịch vụ họ bỏ tiền ra để mua.
Phổ biến hơn trong mua sắm có chủ đích, có trách nhiệm với môi trường là ở nhóm sản phẩm thiết bị gia dụng như: điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng. Cùng một loại sản phẩm, cùng dung tích nhưng người dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua sản phẩm có “nhãn xanh” của Bộ Công thương với hy vọng ít tiêu tốn điện năng hơn, tiết kiệm chi phí hơn trong quá trình sử dụng.
Cũng với sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế hiện nay đang chứng kiến sự phát triển của các mô hình dịch vụ mới với các tên tuổi nổi trội như Grab, AirBnb... Các mô hình dịch vụ mang tính cách mạng này đã dẫn đến sự hình thành một mô hình tiêu dùng mới, đó là “tiêu dùng hợp tác” hay “chia sẻ”’.
Gọi là mô hình tiêu dùng hợp tác/chia sẻ vì với hình thức này, người cung cấp có thể “chia sẻ” tài sản riêng của mình như phòng ở còn dư trong nhà, căn hộ trống chưa cho thuê… hoặc thậm chí các phương tiện di chuyển như ô tô và xe máy… của mình để đáp ứng nhu cầu hiện có của thị trường.
Theo các chuyên gia, ban đầu người tiêu dùng tìm đến các dịch vụ này chủ yếu do sự tiện dụng, nhưng dần dần họ nhận ra rằng các hình thức dịch vụ mới này còn giúp tiết kiệm chi tiêu đáng kể trong cuộc sống. Ở góc độ khác, hình thức này còn tạo cơ hội gia tăng thu nhập đáng kể cho người có tài sản (chỗ ở, phương tiện giao thông…) không dùng đến thường xuyên.
Chính nhờ những lợi ích đáng kể này, mô hình chia sẻ đang ngày càng phát triển và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại theo những thống kê gần đây. Chẳng hạn, tại Mỹ, 40% dân số đang là “người chia sẻ” và các tỷ lệ tương tự cũng được tìm thấy ở Anh, Úc… Bên cạnh đó, theo một khảo sát mới đây tại Anh, 64% người được phỏng vấn thuộc độ tuổi 18-34 khẳng định trong tương lai họ sẽ cân nhắc lựa chọn thuê sản phẩm dịch vụ thông qua mô hình kinh tế chia sẻ vì các ưu điểm về tiết kiệm và tiện lợi.
Tỷ phú Warren Buffet, người sở hữu khối tài sản hơn 100 tỉ USD, từng chia sẻ: "Đừng bao giờ phụ thuộc vào một khoản thu nhập duy nhất. Hãy đầu tư để tạo ra nguồn thứ hai."
Đa dạng nguồn thu nhập là chiến lược của người giàu đã sử dụng. Theo kết quả của cuộc nghiên cứu kéo dài 5 năm về người giàu và người nghèo, do Tom Corley - tác giả cuốn "Thói quen thành công của triệu phú tự thân" thực hiện, cho thấy đa dạng hóa nguồn thu nhập là chiến lược mà những người giàu nhất đã sử dụng.
Hiện nay, bên cạnh loại hình công việc toàn thời gian, một xu hướng tăng thu nhập mới đã xuất hiện và đang ngày càng trở nên phổ biến, đó là “làm việc tự do” hay “freelance”.
Ở một số nước phương Tây, ước tính số lao động tự do hay “freelancer” đang chiếm 30% tổng số lao động của quốc gia. Nhiều chuyên gia đã gọi sự bùng phát này là nền kinh tế tự do (gig economy) và dự đoán rằng xu thế này sẽ ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ và các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến.
Với cầu nối hiệu quả là Internet, ngày nay, những người làm việc tự do (freelancer) và người tuyển dụng lao động cho các công việc mang tính thời vụ có thể dễ dàng tìm thấy nhau và hợp tác cùng nhau chỉ vài thao tác đơn giản qua thiết bị kỹ thuật số.
Ngay cả khi bạn đã có công việc ổn định, nếu bạn còn thời gian rảnh và có những kỹ năng chuyên ngành như viết lách, dịch thuật, thiết kế web, đồ hoạ, quay phim… bạn hoàn toàn có thể cải thiện và đa dạng hoá thu nhập với số lượng việc tìm người gần như là vô hạn trên các website như Upwork, TaskRabbit (quốc tế) hoặc vlance, 123thue (Việt Nam).
Tuyết Trinh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/4-xu-huong-quan-ly-tien-hieu-qua-trong-thoi-dai-a8530.html