Trong khi xã hội đang thay đổi không ngừng, các ngành nghề mới ra đời liên tục để hỗ trợ cho các công việc truyền thống, thì ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu vẫn giữ nguyên phong cách làm việc của mình, hệt như thuở sơ khai kể từ khi container nội thất gỗ đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới.
Do là ngành mang tính đặc thù cao, đa phần các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ vừa và nhỏ đều tìm kiếm khách hàng phụ thuộc vào những cách truyền thống như người quen, các mối quan hệ, thông qua trung gian và tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế. Tuy nhiên, chi phí chi trả cho các hoạt động này không hề rẻ. Tính trung bình mức thuê cho một gian hàng tại những hội chợ chất lượng trong ngành như EXPO là không dưới 300 triệu (kể cả vận chuyển hàng).
Qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của các hiệp hội gỗ cho thấy kết quả không mấy khả quan khi mà đa số các doanh nghiệp có mức doanh thu xuất khẩu đều giảm trong quý 2 và xác nhận một năm xuất khẩu ảm đạm khi dự báo doanh thu sẽ còn giảm tiếp cho đến hết năm 2022. Đây cũng là tình huống hiếm khi xảy ra - bởi hai năm qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đơn đặt hàng vẫn đổ về dồn dập, doanh nghiệp luôn phải tăng công suất để trả nợ đơn hàng - nhưng cũng không phải là tình huống quá khó đoán.
Do sự phát triển chóng mặt của ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trong suốt từ năm 2000 đến năm 2021, không mấy ngạc nhiên khi trước đây rất nhiều các chủ doanh nghiệp tự tin rằng mình lúc nào cũng trong trạng thái toàn dụng lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chủ động từ chối bớt đơn hàng vì đã hoạt động tối đa công suất. Chính vì sự tự tin đó, khi suy thoái kinh tế xảy ra ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, căng thẳng giữa chiến tranh Nga-Ukraine (khiến cho giá nguyên liệu nhập khẩu tăng), các nhà mua hàng lớn (Buyer) không còn giữ vững được số lượng đơn hàng của mình, cũng là lúc các doanh nghiệp phụ thuộc buộc phải chịu một kết cục hết sức thê thảm.
Trong lịch sử phát triển của kinh tế của thế giới, người ta đã chứng kiến vô vàn cách thâu tóm một công ty theo những hình thức tinh vi đến mức không thể tưởng tượng ra được. Và việc đặt một đơn hàng cực lớn cho công ty sản xuất cũng chính là một trong những cách thâu tóm lạ đời như thế. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam đang hoạt động cực kỳ hoành tráng với quy mô 1000-2000 hécta, nhưng thực chất họ chỉ có đúng duy nhất một đơn hàng từ một Buyer lớn. Và cách thâu tóm của những Buyer này chính là đặt một đơn hàng nhiều đến mức khiến doanh nghiệp phải sản xuất ngày đêm trong suốt cả năm trời mà không thể nhận được thêm đơn hàng mới nào của các Buyer khác. Từ đó, nhiều doanh nghiệp không còn lo về việc phải tìm kiếm khách hàng của mình nữa. Chính sự chủ quan này đã tạo cho các Buyer lớn có một quyền lực tuyệt đối khiến công ty sản xuất phải phụ thuộc vào mình. Thiếu họ, nhà máy chắc chắn phải đóng cửa vì không thể chủ động kiếm được các Buyer khác thay thế kịp thời.
Giống như những cậu bé mới lớn đang trong độ tuổi dậy thì, thích thể hiện bản thân nhưng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, các nhà máy sản xuất đồ gỗ nói riêng và ngành sản xuất nói chung cần phải bừng tỉnh với những thành tựu nhỏ xíu của chính mình.
Giá nguyên vật liệu ngày càng leo thang khiến cho chi phí sản xuất lớn, cùng hàng loạt khó khăn khác, nhưng giá xuất khẩu lại không được phép tăng do Buyer ép giá. Thậm chí có nhiều đơn hàng mà sản phẩm trong container còn có giá thành thấp hơn cả chi phí logistics vận chuyển đơn hàng đó. Việc các Buyer yêu cầu báo giá thực chất cũng chỉ là hành động mang tính thủ tục. Vì bản chất các Buyer này đều đã biết giá nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp và thậm chí còn tính được chính xác giá thành sản xuất ra sản phẩm. Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ không thể tăng giá sản phẩm của mình để đảm bảo lợi nhuận tốt nhất, càng không thể tìm kiếm các khách hàng khác tiềm năng hơn.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các nhà máy sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam với quy mô vừa và nhỏ sẽ nhiễm bệnh và biến đổi thành trạng thái Zombie. Tức nghĩa là doanh nghiệp đó mặc dù không phá sản, nhưng lại sống lay lắt, phụ thuộc. Lợi nhuận kiếm được chỉ vừa đủ chi trả lãi suất cho các khoản vay, nhưng tuyệt đối không đủ để trả nợ. Và không một doanh nghiệp nào không muốn thoát khỏi tình cảnh không mấy dễ chịu này, nhưng với những cách làm hết sức truyền thống, khó có thể hy vọng một điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Đã Nhỏ thì phải Nhanh
Không phải tự nhiên mà các môn phái trong võ học Á Đông lại đề cao tốc độ và triết lý nhu cương trong võ đạo của mình. Với bất lợi về ngoại hình nhỏ bé, bắt buộc các thế đòn của Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng cần phải tận dụng sức mạnh tập trung đúng các huyệt đạo chính xác, thay vì đánh dàn trải bất kỳ trên toàn bộ cơ thể. Đồng thời, tốc độ ra đòn cũng phải nhanh, chuẩn và thanh thoát.
Trong vật lý phổ thông, lực sinh ra bởi khối lượng nhân cho gia tốc (F = m.a). Mà người Việt lại có thể trạng không to, cho nên dù đã thực hiện xoay hông nhằm mục đích dồn khối lượng từ toàn bộ cơ thể sang điểm ra đòn (chân hoặc tay), thì khối lượng đó cũng không đủ lớn để làm cho lực tấn công tăng lên. Chính vì vậy buộc phải đồng thời đẩy gia tốc lên mức cao nhất - mà bản chất gia tốc là tốc độ ra đòn.
Cũng giống như võ thuật, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ gỗ nếu không phải là những gã khổng lồ, thì buộc phải thích ứng thật nhanh, rà đúng huyệt đạo và linh động ra đòn trong mọi trường hợp.
Trong khi giới phân tích đang mải mê đánh giá các giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp trong ngành khi nào sẽ chuyển đổi từ OEM sang ODM, thì vấn đề quan trọng nhất trước mắt vẫn là làm sao có được đơn hàng với lợi nhuận tốt nhất. Mà để làm được điều đó thì mặc định chỉ có chuyển đổi số.
Nhưng chuyển đổi như thế nào?
Việc phát triển nhanh chóng của các ngành nghề công nghệ cao đã làm sản sinh ra thuật ngữ “phức tạp hóa những thứ vô cùng đơn giản”. Chuyển đổi số không nhất thiết là phải sử dụng VR, AR (thực tế ảo) với chi phí quá lớn, hay đầu tư bài bản về những hệ thống ERP, CRM… trong giai đoạn quá sớm, mà có thể chỉ đơn giản là hoạt động Digital Marketing.
Để tìm được khách hàng bằng cách thức phi truyền thống, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ vừa và nhỏ phải tìm đúng được huyệt đạo mình cần. Huyệt đạo ở đây cụ thể là các Buyer vừa và nhỏ. Số lượng các Buyer vừa và nhỏ trên khắp thế giới rất lớn, vì vậy chẳng việc gì phải tập trung chen chân, giành giật những Buyer khổng lồ một cách cực kỳ tốn kém, để rồi bị phụ thuộc như những nhà máy đang dậy thì hay trở thành các nhà máy zombie trong tương lai.
Càng suy thoái, càng phải tăng năng suất
Lịch sử đã chứng minh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù là khó khăn nhất, đều có những doanh nghiệp hưởng lợi và thiệt hại. Việc của các doanh nghiệp sản xuất là phải làm sao tìm ra hướng đi cho mình. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đa số các khách hàng quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều đồng loạt hủy bỏ kế hoạch tham quan hội chợ quốc tế và các sự kiện kết nối. Vì vậy việc áp dụng cách tìm kiếm Buyer như trước đây đã không còn phù hợp. Các Buyer lớn thì khó tiếp cận, các Buyer nhỏ lại ít tham gia vì tốn nhiều chi phí. Chính vì thế, một hướng đi sáng cho các doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ chính là tìm kiếm đối tác qua nền tảng Online.
Bán lẻ Online là điều từ lâu đã hết sức phổ biến. Tuy nhiên, tìm kiếm đối tác là Buyer thông qua nền tảng internet cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang còn là khái niệm mới và dường như rất khó khăn khi doanh nghiệp vẫn vận hành theo phong cách cũ. Nhưng khi mà các công ty vừa và nhỏ đã không thể cạnh tranh được về quy mô so với các tập đoàn lớn, thì chỉ có Online mới là nơi san phẳng tất cả những bất đồng - với chi phí cực kỳ thấp - so với việc mở gian hàng tại hội chợ, sử dụng trung gian môi giới hay “chi phí tiếp khách” cho những bữa tiệc triền miên.
Ngành sản xuất đồ gỗ hiện nay đang có thế hệ thứ 2 được đào tạo bài bản hơn tham gia phát triển doanh nghiệp, nhưng chưa có sự đột phá và sáng tạo so với những gì thế hệ cũ làm được. Ngành gỗ vẫn cần và còn nhiều lĩnh vực có nhiều dư địa phát triển tiềm năng như phần mềm, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, logistics hay đơn giản nhất là các Agency Digital Marketing chuyên cho ngành sản xuất xuất khẩu. Do tính chất đặc thù đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và các thuật ngữ chuyên ngành, độ chuyên môn cao, nên hiện nay đang có rất ít Agency cung cấp dịch vụ hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Ngoài việc tìm kiếm các đơn vị hỗ trợ Digital, các doanh nghiệp bắt buộc phải có tâm lý chuẩn bị từ trước và áp dụng chuyển dịch từ sớm. Chẳng có liều thuốc tiên nào có thể cứu cánh cho doanh nghiệp khi đã xảy ra vấn đề. Mọi kết quả đều cần sự chuẩn bị tối thiểu từ 6 tháng đến một năm.
Có những doanh nghiệp trước dịch thì sống rất khỏe, nhưng sau dịch lại ngắc ngoải không biết đến ngày mai. Có những doanh nghiệp sau dịch vốn tự tin vì vẫn giữ nguyên đà tăng trưởng, nhưng sau suy thoái lại chuẩn bị đóng cửa hàng loạt. Chính vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đừng vội vui mừng khi mình đang trong độ tuổi dậy thì, cũng đừng mong dính phải trạng thái zombie. Đã là doanh nghiệp nhỏ thì bắt buộc phải thay đổi nhanh, rà đúng huyệt và phải hành động thay đổi quyết liệt. Phải làm sao cho càng suy thoái thì càng phải tăng năng suất vượt bậc, nhờ vào sự chuẩn bị trước của chính doanh nghiệp mình.
Mai Nguyễn Hoàng Nam - Founder & CEO Học viện Kỹ năng VTALK
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/su-that-tran-trui-ve-cac-doanh-nghiep-san-xuat-do-go-vua-va-nho-a8504.html