TƯ DUY QUẢN TRỊ XUẤT SẮC
Giỏi chuyên môn là một lợi thế rõ ràng. Nhưng ở vị trí dẫn dắt tổ chức cách tư duy về chuyên môn trong công việc mới là yếu tố quyết định đến hiệu quả quản trị. "Vì Carlos chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính của câu lạc bộ, tôi chuẩn bị tinh thần nghe ông nói về những con số. Nhưng Carlos chủ yếu lặp đi lặp lại những khái niệm chẳng liên quan tài chính. Đó là giá trị cốt lõi, cộng đồng, đam mê và văn hoá." (Theo “The Real Madrid way”, Steven G. Mandis).
Carlos là giám đốc điều hành (giai đoạn từ 2001) của clb bóng đá thành công nhất mọi thời đại Real Madrid. Điều thú vị là chuyên môn của ông là tài chính và ông không phải là người đam mê bóng đá và hiểu không nhiều về bóng đá trước khi nhậm chức. Bù lại ông là người có tư duy quản trị sắc bén để hướng tổ chức đạt mục tiêu tầm nhìn. Các từ khoá như "cộng đồng", "văn hoá" và "đam mê" là kim chỉ nam xuyên suốt được ông và vị chủ tịch tài năng Perez chọn để tạo ra giá trị di sản cho Real.
NĂNG LỰC DẪN DẮT XUẤT SẮC
Bản thân chữ leadership (dẫn dắt) đã nói về bản chất của lãnh đạo. Dân chủ, quân phiệt, kỹ trị hay nhân trị. Phong cách nào không quan trọng. Quan trọng là có dẫn dắt được người khác hay không. Phong cách lãnh đạo & văn hoá doanh nghiệp hai tổ chức của hai doanh nhân Howard Schultz (Starbucks) và Ray Kroc (McDonald’s) rất khác nhau. Một bên coi trọng tính nhân văn, gắn kết và mối quan hệ trung thành bền vững. Bên khác đề cao hiệu quả cuối cùng, tất cả đều lấy hiệu quả làm thước đo, không khoan nhượng. Nhưng cả hai đều có sức mạnh dẫn dắt, lôi cuốn đội ngũ rất mạnh mẽ.
SỰ QUYẾT ĐOÁN
Phép thử cái chất của một lãnh đạo chắc chắn rõ nhất tại các khoảnh khắc quan trọng họ ra quyết định. Vì ra quyết định liên quan đến tiền bạc, đến danh vọng cá nhân, đến tồn vong tổ chức nên chỉ có lãnh đạo có tầm và quyết đoán mới làm được. Minh chứng cho năng lực này khó có ví dụ nào tiêu biểu bằng thuật ngữ "vượt sông Rubicon" khi nói về Julius Caesar. Vị tướng kiệt xuất của La Mã đã có một quyết định cực quyết đoán sau đó đã thay đổi hoàn toàn cục diện thành Rome và chính Caesar.
Chỉ ở khúc cua khó mới cần tay lái giỏi. Năng lực lãnh đạo xuất sắc thể hiện rất rõ những quyết định dũng cảm của người đứng đầu. Nói là dũng cảm bởi vì khi ranh giới đúng sai còn mập mờ, ranh giới thành bại là 50/50. khi tất cả đều bối rối hoặc im lặng, người dám lên tiếng và ra quyết định không bao giờ là dễ dàng.
KHÔNG BỊ CẢM XÚC CHI PHỐI
Sự khác nhau giữa lãnh đạo đứng đầu và phần còn lại nằm ở đâu? Theo tôi là sự hy sinh cảm xúc cá nhân. Cảm xúc cá nhân quyết định rất lớn đến mọi thứ. Nhưng trong công việc, ai đó nói rất đúng cảm xúc là kẻ thù của những quyết định quan trọng.
Vì quyết định vì cảm xúc (yêu, ghét, hưng phấn, buồn bã) là quyết định để thoả mãn cá nhân là chính. Và đó là lúc lợi ích đại cục bị bỏ rơi.
Spartacus là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nô lệ nổi danh lịch sử cổ đại châu Âu những năm 71-73 trước công nguyên. Xuất phát điểm từ tầng lớp thấp của xã hội nhưng Spartacus có một tư chất hiếm có: tầm nhìn đại cục và kiểm soát cảm xúc xuất sắc ở những thời điểm sinh tử. Vợ bị quân La Mã thảm sát; sau đó người yêu cũng bị hạ sát man rợ. Nhưng người lãnh đạo vốn là tay kiếm thủ cừ khôi đã hạ sát bao kẻ thù này sẵn sàng tha bổng không ít thân phận quý tộc thành Roma. Vì đó là những quyết định ảnh hưởng đến uy tín quân đội khởi nghĩa. Không hề dễ dàng. Tha bổng cho kẻ liên quan đến cái chết của vợ và người thân nhiều đồng đội khác. Bản thân Spartacus đã lội ngược ý muốn cảm xúc bên trong. Mất mát hơn, bị chính một vài tướng lĩnh vốn là bạn thân tín (điển hình là Crixus) bất bình và quay lưng. Khi vị tướng thân cận Crixus chỉ hiểu ra quyết định của Spartacus khi đã lâm trận và chết dưới tay của kẻ thù.
Có những quyết định lớn, chỉ có thân lãnh đạo hiểu tại sao. Hơn ai hết, họ là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho sự tồn vong của tổ chức. Chống chọi với sự cạnh tranh bên ngoài vất một phần. Đối với lãnh đạo, có những thời điểm họ cô đơn và mệt mỏi với chính sự thiếu chia sẻ của những người thân tín bên trong. Chỉ vì cuộc chiến kiểm soát cảm xúc trong công việc là không biên giới.
CHÍNH TRỰC
Kiểm soát tham vọng vinh quang cá nhân và lợi ích của tổ chức. Lấy lợi ích và mô hình vận hành của tổ chức làm trung tâm, các yếu tố về con người hay phong cách quản trị theo đó được lựa chọn. Lãnh đạo luôn gắn với tổ chức. Thành công và tồn vong của tổ chức phải đứng trên mục tiêu danh vọng cá nhân của lãnh đạo. Lý thuyết là vậy. Nhưng thực tế khi đã ngồi ghế danh vọng, nhiều lãnh đạo không cưỡng nổi cơn say của quyền lực. "Lee Iacocca đã cứu Chrysler trên bờ vực phá sản và trở thành người hùng trong mắt truyền thông. Nhưng vì quá chú trọng xây dựng thương hiệu cá nhân mà quên đi duy trì Chrysler nên trong nửa sau thời gian điều hành của ông, cổ phiếu Chrysler giảm 31% so với thị trường chung." (Theo Jim Collins). Các nhà lãnh đạo độc tài đa số là do để tham vọng vinh quang cá nhân (một dạng shadow cực mạnh) che phủ cả lý trí của họ. Phạm trù chính trực, dù không liên quan đến năng lực lãnh đạo, nhưng không thể thiếu để định nghĩa về lãnh đạo xuất sắc.
Cho dù đang tại vị hay đã từ chức, lãnh đạo xuất sắc có năng lượng truyền cảm hứng, giúp những người xung quanh họ trưởng thành về chuyên môn, sự nghiệp và con người bên trong. Họ gây dựng và để lại cho tổ chức di sản vô giá là con người.
Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch Học viện Thương hiệu Plato
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhung-to-chat-nang-luc-nao-can-co-de-tao-nen-mot-nha-lanh-dao-xuat-sac-a8361.html