Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Tập đoàn FLC (Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC), số tiền trả nợ gốc vay trong 6 tháng đầu năm nay là 3.814 tỷ đồng, trong khi đó tại cùng kỳ năm 2021 là 1.801 tỷ, chỉ bằng khoảng 1/2 so với năm nay. Tập đoàn FLC đã đi vay mới 2.751, đồng thời vay tín chấp 870 tỷ đồng từ ông Lê Thái Sâm - thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới được bầu tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7/2022.
Ngoài các chủ nợ quen thuộc trước đây như ngân hàng Sacombank, BIDV, OCB, NCB, Agribank và Công ty Chứng khoán MBS với số dư cho vay từ hàng trăm tỷ đồng lên đến hàng ngàn tỷ đồng, thì còn có một chủ nợ mới là ông Lê Thái Sâm.
Theo thông tin từ FLC, ông Sâm đã ký 4 hợp đồng trị giá tổng cộng 870 tỷ đồng cho doanh nghiệp này vay tín chấp (không cần tài sản bảo đảm). Thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 7%/năm. Các hợp đồng cho vay này được ký liên tiếp trong tháng 4, 5 và 6 vừa qua.
Trong kỳ, Tập đoàn FLC đã trả bớt 249 tỷ đồng, dư nợ còn lại là 621 tỷ đồng, tính vào ngày 30/6/2022.
Ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, quê ở Quảng Ngãi. Năm 1986, ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân TP Hồ Chí Minh.
Ông Sâm là người có kinh nghiệm sâu rộng về xây dựng chiến lược đầu tư, từ đó am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra là kỹ năng quản lý rủi ro và phân tích thị trường.
Từ năm 2016 - 2020, ông Lê Thái Sâm từng là Thành viên HĐQT CTCP Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi). Doanh nghiệp này chịu trách nhiệm phát triển dự án Khu công nghiệp Suối Dầu, với quy mô 133,95ha, tọa lạc tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Trước đây, ông Sâm từng làm việc tại Sở Công Nghiệp tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, ông Sâm còn từng là Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (Mã: DIC), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sắt thép Cửu Long.
Đầu tháng 4/2022, hai nhân vật là Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết và Phó Chủ tịch thường trực Hương Trần Kiều Dung không còn đủ tư cách làm lãnh đạo công ty đại chúng, bên cạnh đó, ông Lã Quý Hiển - thành viên HĐQT cũng đã xin từ nhiệm vào cuối tháng 6.
Tại Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC diễn ra vào ngày 2/7, ông Lê Thái Sâm, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Bá Nguyên đã được bầu bổ sung vào HĐQT thay cho ông Quyết, bà Dung và ông Hiển.
Trong đó, ông Lê Bá Nguyên (anh trai vợ của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết) sinh năm 1977. Ông Nguyên tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý y tế. Trước khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT FLC, ông từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ Y tế Hà Thành, Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm ATS và từng là Thành viên HĐQT Tập đoàn FLC từ năm 2013 đến tháng 10/2017.
Ông Doãn Hữu Đoàn sinh năm 1982, là cử nhân Kinh tế - Luật, Thạc sĩ kế toán. Trước khi đầu quân cho FLC, ông Đoàn có nhiều năm chinh chiến tại các ngân hàng. Ông Đoàn làm việc tại Ngân hàng TMCP Á Châu từ 2005 đến 2007. Từ 2007 đến 2015, ông Đoàn làm việc tại Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Hiện nay, ông Đoàn đang năm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần An Khang Phú Thịnh, đồng thời là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sách Đại học – Dạy nghề. Từ 2015 đến nay, ông Doãn Hữu Đoàn làm việc tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB.
Vậy nên trong HĐQT của Tập đoàn FLC, ông Lê Thái Sâm không phải là thành viên mới duy nhất. Bên cạnh những chức vụ kể trên, ông Sâm cũng là người sở hữu nhiều mối quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức cũng như tập đoàn kinh tế lớn.
Hiện tại trên khắp các phương tiện truyền thông, chưa có hình ảnh cụ thể về ông Sâm. Tại đại hội cổ đông của FLC mới đây, khi Ban tổ chức kêu gọi các thành viên HĐQT mới bỏ khẩu trang để chụp ảnh thì ông Lê Thái Sâm vẫn quyết tâm giữ sự 'bí ẩn' khi vẫn mang khẩu trang trong suốt buổi đại hội và cả lúc chụp hình.
NB
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ong-le-thai-sam-nha-dau-tu-bi-an-dang-cho-flc-vay-tin-chap-hon-600-ty-dong-de-tra-no-la-ai-a8347.html