Tập đoàn IPPG của "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn vừa thông báo về kết quả kinh doanh mảng thời trang (IPPG Fashion Retail) trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là lĩnh vực được phụ trách bởi 3 đơn vị: DAFC – CTCP Thời trang và mỹ phẩm Duy Anh, ACFC – CTCP Thời trang và mỹ phẩm châu Âu và CMFC, chuyên phân phối sản phẩm của các thương hiệu thời trang xa xỉ.
Theo đó, nửa đầu năm 2022, IPPG Fashion Retail ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.564 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 386,6 tỷ đồng, tăng 173% so với mức 141,8 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời vượt kết quả của cả năm 2020.
Tập đoàn IPPG dự kiến doanh thu cả năm 2022 của mảng thời trang sẽ vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng, EBITDA trên 547 tỷ đồng. Nếu đạt đúng kế hoạch đưa ra, đây sẽ là năm có kết quả kinh doanh cao nhất kể từ năm 2019.
Thông tin được cung cấp bởi đại diện IPPG cho hay, năm 2019, thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, IPP Fashion Retail ghi nhận doanh thu 3.447 tỷ đồng và 227,5 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh bắt đầu bùng phát và tình hình kinh doanh bị hạn chế do các quy định chống dịch COVID-19, tuy nhiên, công ty vẫn đạt 3.712 tỷ đồng doanh thu, 334,3 tỷ đồng lợi nhuận.
Năm 2021, dịch bệnh tác động nặng nề nhất khi phải đóng cửa hơn nửa năm nhưng doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu 3.140 tỷ đồng và 171,8 tỷ đồng. Cả năm 2022, doanh nghiệp dự kiến đạt gần 5.100 tỷ đồng doanh thu thuần và 548 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 62% và 219% so với năm 2021.
Hiện phần lớn doanh thu của IPPG Fashion Retail đến từ kênh bán hàng truyền thống tại cửa hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang tích cực ứng dụng công nghệ mới để gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Tại ACFC - đơn vị đang phân phối các thương hiệu thời trang quốc tế cao cấp như Mango, GAP, Levis, Tommy & Hilfiger… đã bắt đầu triển khai camera với công nghệ dữ liệu lớn, tự động phân tích được biểu cảm của khách hàng, tính toán thời gian khách hàng dừng lại ở các địa điểm nào trong cửa hàng, từ đó đưa ra quyết định để làm sao khách hàng có trải nghiệm tốt nhất.
Cùng với mảng thời trang, một doanh nghiệp khác do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, Mã: SAS) cũng cho thấy bức tranh khả quan sau đại dịch.
Báo cáo tài chính tổng hợp quý II/2022 của SASCO công bố doanh thu thuần đạt gần 296 tỷ đồng, tăng 216% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong kỳ đạt gần 84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, Sasco lỗ gần 14,5 tỷ đồng. Đây đồng thời cũng là mức lãi cao nhất tính theo quý kể từ năm 2019 của công ty do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch.
Theo giải trình của doanh nghiệp, sở dĩ lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh trong quý II đạt hơn 43 tỷ đồng, tăng hơn 69 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương 263% là nhờ tình hình kinh doanh của công ty đang dần phục hồi khi số lượng các chuyến bay nội địa tăng lên, các chuyến bay thương mại được nối lại, trong khi cùng kỳ năm trước công ty bị ảnh hưởng do phải thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính trong kỳ đạt hơn 40,5 tỷ đồng, tăng gần 29 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương 242% là do cổ tức, lợi nhuận nhận được từ các đơn vị.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần Sasco đạt 427 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế đạt gần 86 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đang ghi nhận khoản lỗ gần 2 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2021, cổ đông lớn nhất của Sasco là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP, sở hữu tỷ lệ nắm giữ 49,07%.
Các cổ đông chiến lược khác của doanh nghiệp bao gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (24,98%), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm châu Âu (15,39%) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (4,93%).
Hồng Anh