Cuộc chiến khốc liệt thị trường nhà thuốc: Không chỉ Masan, Tập đoàn Viettel cũng lấn sân mở chuỗi, tham vọng cạnh tranh 3 thương hiệu đình đám

Những ngày vừa qua, xuất hiện cùng lúc thông tin tuyển dụng của Dr. Win - chuỗi nhà thuốc của Masan và “thư mời chào giá” của Hệ thống nhà thuốc Viettel. Cả hai tập đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chơi mới khốc liệt này.

masan-viettel-sap-mo-chuoi-nha-thuoc-canh-tranh-voi-long-chau-pharmacity-an-khang-1658549108.jpg
 

Ngày 1/7/2022, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Winphar - được thành lập từ ngày 31/3/2022 -  đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win và tăng vốn điều lệ từ 10 triệu đồng lên 28,57 tỷ đồng. Đặc biệt cổ đông của công ty đều có liên quan trực tiếp đến Tập đoàn Masan. 

Cụ thể, 80% vốn của Dr. Win thuộc về CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinComerce, bà Đỗ Thị Hoàng Yến - thành viên Ban kiểm soát của công ty Masan Consumer nắm giữ 10% và ông Trần Phương Bắc - thành viên HĐQT của công ty Masan MEATLife nắm giữ 10%. Đồng thời ông Bắc cũng là người đại diện pháp luật của Dr. Win.

Theo thông tin đăng tải từ một nhóm chuyên về tuyển dụng ngành dược hơn 100.000 nghìn thành viên, Dr. Win bắt đầu tuyển dụng từ ngày 10/7 và được giới thiệu là nhà thuốc lớn tại Việt Nam. Công ty chỉ tuyển nhân sự tại khu vực Hà Nội nhưng bao phủ tất cả các quận với mức lương 6-12 triệu đồng. 

Thông tin tuyển dụng của Dr. Win được đăng tải trên Nhóm tuyển dụng ngành dược

Trước đó vào tháng 10/2021, Masan từng bước chân vào thị trường bán lẻ dược phẩm với việc hợp tác với chuỗi nhà thuốc ra đời từ năm 2007 - Phano Pharmacy. Khi đó một số cửa hàng mới theo mô hình CVLife của Masan có tích hợp thêm chuỗi nhà thuốc Phano khiến thị trường bất ngờ và hứng thú với việc tập đoàn tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa Masan và Phano cụ thể như thế nào thì vẫn chưa được tiết lộ. Trong lúc chuỗi Dr. Win sắp ra mắt của Masan đang tuyển dụng rầm rộ thì trang chủ chính thức của Phan Pharmacy hiện đang tạm dừng hoạt động. Liệu rằng có mối liên hệ gì giữa sự trùng hợp này không?

Thông tin đáng chú ý thứ hai là ngày 13/7 xuất hiện văn bản “Thư mời chào giá” của Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất Nhập khẩu Viettel. Theo như thông tin được đề cập trong văn bản, thì công ty này đang xây dựng “Danh mục thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế để bán trong Hệ thống nhà thuốc Viettel. Không chỉ các tập đoàn tư nhân tham gia vào xây dựng chuỗi bán lẻ nhà thuốc, ngay cả tập đoàn hùng mạnh Viettel cũng tham gia vào lĩnh vực “siêu hot” hiện nay. Mặc dù chỉ mới xuất hiện thông tin từ văn bản được đăng tải, nhưng cũng cho thấy Viettel đang chuẩn bị rất kỹ và tham vọng vô cùng lớn khi mở riêng hệ thống nhà thuốc của mình.

Thư mời chào giá được cho là của Hệ thống nhà thuốc Viettel. Nguồn:  pharama360.vn

Cùng lúc xuất hiện thông tin hai tập đoàn lớn hàng đầu của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, khiến cho thị trường này ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Hiện nay trên thị trường có 3 thương hiệu nhà thuốc lớn nhất là: Pharmacity (1.128 cửa hàng), Long Châu của tập đoàn FPT (701 cửa hàng) và An Khang của Thế giới Di động (517 cửa hàng). Ngoài ra còn có hơn 57.000 nhà bán thuốc truyền thống nhỏ trên toàn quốc (theo số liệu thống kê năm 2021). Những số liệu thống kê này cho thấy ngành bán lẻ dược phẩm có tổng số lượng cửa hàng bán lẻ vô cùng lớn. Nhưng nếu so tỷ trọng giữa cửa hàng chuỗi và cửa hàng nhỏ lẻ thì tỷ lệ này vẫn còn rất thấp. Vì thế dư địa cho các tập đoàn phát triển chuỗi cửa hàng của mình là vô cùng lớn.

Số lượng các cửa hàng của từng thương hiệu lên đến hàng trăm nhà thuốc nhưng chỉ có duy nhất Long Châu ghi nhận lãi ròng vào cuối năm 2021, hai đơn vị còn lại vẫn đang chịu lỗ. Doanh thu cả năm 2021 của Long Châu đạt 3.977 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 5 tỷ đồng. Với mức doanh thu này, chuỗi nhà thuốc của FPT tăng trưởng 330% so với năm 2020 và lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận sau khi lỗ 113 tỷ đồng vào năm 2020, nhưng lũy kế vẫn còn lỗ 150 tỷ đồng. 

Nguồn: SSI Research

Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động, tính đến cuối quý 3/2021, đơn vị này tiếp tục lỗ thêm 3,8 tỷ đồng và chưa đạt mức hòa vốn. Nhưng theo BTCT quý 1/2022 của MWG, doanh thu của An Khang đã tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước và đặt mục tiêu cuối năm nay sẽ có đồng lời đầu tiên.

Còn Pharmacity hiện vẫn đang là thương hiệu sở hữu số lượng cửa hàng nhiều nhất thị trường với hơn 1.000 nhà thuốc. Trái ngược với tốc độ mở rộng và quy mô, Pharmacity đã bị Long Châu vượt mặt về chỉ số doanh thu khi chỉ đạt 3.618 tỷ đồng. Và giai đoạn 2020 - 2021, công ty liên tiếp ghi nhận các khoản lỗ vô cùng lớn lần lượt là 421 tỷ đồng và 363 tỷ đồng. Tổng khoản lỗ lũy kế đến năm 2021 là 1.374 tỷ đồng. Hiện tại công ty này đang tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình dựa vào số tiền huy động vốn từ các nhà đầu tư.

Cao Chí Cang

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cuoc-chien-khoc-liet-thi-truong-nha-thuoc-khong-chi-masan-tap-doan-viettel-cung-lan-san-mo-chuoi-tham-vong-canh-tranh-3-thuong-hieu-dinh-dam-a8260.html