“Trùng sinh từ tro tàn”
Thế là đã bước sang năm 2020, năm khởi đầu của một thập kỷ mới với bao dự định và kế hoạch. Nào, hãy quay ngược thời gian vào khoảng hơn 10 năm trước khi Vinaxuki bắt đầu thay đổi hướng đi, quyết định sản xuất một chiếc xe “made in Việt Nam” thay vì nhập khẩu. Ông Bùi Ngọc Huyên, người sáng lập và đứng đầu tập đoàn Vinaxuki đã quyết định vay mượn, đầu tư để tự sản xuất xe ô tô và tăng dần tỷ lệ nội địa hóa của chiếc xe.
Theo kế hoạch của ông, Việt Nam có thể học tập các nước mạnh về ô tô tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... đầu tư vào khâu học tập thiết kế sau đó dần tăng tỷ lệ nội địa hóa, tự chế tạo thân vỏ. Nếu quá trình này diễn ra thuận lợi thì trong khoảng 13-15 năm, tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại nước ta có thể đạt 60-70%.
Kế hoạch rất khả quan nhưng vào năm 2008 cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, các hoạt động kinh tế bị trì trệ. Các ngân hàng dần mất niềm tin vào việc sản xuất ô tô. Trong khi đó, số tiền Vinaxuki vay ngày càng lớn và dần biến thành nợ xấu. Kế hoạch sản xuất chiếc ô tô Việt chính thức thất bại khi ông Bùi Ngọc Huyên tuyên bố phá sản.
Và tròn 10 năm sau, năm 2018, VinFast một lần nữa thắp lên ước mơ của người Việt. Giấc mộng tự sản xuất ô tô từ tro tàn đã hồi sinh khi ông Phạm Nhật Vượng công bố bản phác thảo các mẫu xe ô tô mới và sau đó là những bước đi thần tốc như xây dựng nhà máy, chiêu mộ các “tướng tài”…
Hãy đặt niềm tin vào những giấc mơ…
Chỉ sau hơn 1 năm công bố kế hoạch sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt, VinFast đã chính thức trao đến tay người tiêu dùng phiên bản thương mại đầu tiên. Lô xe khoảng 650 chiếc VinFast Fadil đã được bàn giao cho những khách hàng đặt mua xe từ thời điểm giới thiệu bản concept. Ngay sau đó là một số lượng giới hạn những chiếc LUX A2.0 và LUX SA2.0 được bàn giao tới các nhân vật đặc biệt.
Nếu tính từ khi lần đầu tiên những chiếc xe concept của VinFast được giới thiệu tới công chúng toàn thế giới thì chỉ hơn nửa năm phiên bản thương mại đã xuất hiện. Điều này có thể ví như sự kỳ diệu khi VinFast hoàn toàn bắt đầu từ con số 0. Một thương hiệu hoàn toàn non trẻ chưa từng sản xuất ô tô hay có nhà máy của riêng mình. Chỉ trong hơn 1 năm, nhà máy của hãng tại Hải Phòng đã đi vào hoạt động, các bản kế hoạch, hợp tác liên tiếp được công bố trở thành tiền đề để chiếc xe Việt xuất hiện.
Hiện tại, chúng ta có thể thấy những chiếc ô tô mang logo VinFast chạy trên đường phố, trên khắp các nẻo đường của mảnh đất hình chữ S. Giấc mơ về chiếc xe “made in Việt Nam” đã trở thành sự thật. VinFast đã “không phụ” những người đã tin tưởng, ủng hộ hãng từ khi kế hoạch mới nhen nhóm công bố cho đến ngày sản phẩm đầu tiên được bán ra.
Đừng bó buộc mình trong những định nghĩa
Như chúng ta đều thấy, trước đây có bao nhiêu người phủ nhận về một kế hoạch sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt. Thậm chí có không ít nhận xét rằng “chúng ta sẽ chẳng thể tự sản xuất được ô tô”, “Việt Nam chưa đủ tầm để sản xuất ô tô”,…
Thời điểm VinFast công bố kế hoạch sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt đã nhận về bao sự hoài nghi từ người dân, từ những người trong ngành. Nhưng hãng xe này đã vượt qua sự phủ nhận đó, vượt qua được định nghĩa “người Việt không thể tự sản xuất xe ô tô” và chứng minh rằng Việt Nam hoàn toàn có thể cho ra đời một chiếc xe của riêng mình.
Có lẽ sẽ còn cần nhiều thời gian hơn nữa để nền công nghiệp ô tô Việt phát triển. Tuy nhiên, những cái tên như Thaco Trường Hải, TC Motor (Hyundai Thành Công), VinFast… đã và đang dần đưa những điều “không tưởng” thành hiện thực. Chúng ta có niềm tin lớn vào một ngày mai có thể nhìn thấy những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam chạy tại các quốc gia khác, trong khu vực Đông Nam Á hay thậm chí vươn tới thị trường châu Âu.
Thần Vũ
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/replay-2019-niem-cam-hung-tu-chiec-o-to-a821.html