Rủi ro pháp lý của nhà đầu tư khi Công ty Tân Tạo có quyết định mở thủ tục phá sản

Vừa qua, thông tin Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (MCK: ITA) bị TAND TP.HCM có quyết định số 58 mở thủ tục phá sản vào ngày 25/1/2018 đối với doanh nghiệp này đã khiến cho nhà đầu tư vô cùng hoang mang.

Theo đó, Công ty Tân Tạo bị cho rằng đã không công bố thông tin đến nhà đầu tư khi có quyết định từ TAND TP.HCM. “Scandal” đã khiến cổ phiếu của Công ty Tân Tạo “lao đao” khi nhà đầu tư liên tục bán tháo.

Về mặt pháp lý, Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, việc không công khai Quyết định mở thủ tục phá sản của Công ty Tân Tạo đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Phá sản 2014 và vi phạm quy định về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính tại điểm r khoản 1 Điều 9 Thông tư 115/2015/TT-BTC về việc Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi Công ty nhận được thông báo của Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

"Còn theo quy định tại Điều 47 Luật Phá sản năm 2014 thì sau khi có Quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phá sản năm 2014 thì các hoạt động trước khi thực hiện phải báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản: Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản; Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực; thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã", luật sư Cường chia sẻ.

image-20211208105037-1-1656539869.jpeg
 

Còn luật sư Lê Thị Bích Hằng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc Công ty Tân Tạo có quyết định mở thủ tục phá sản cách đây 4 năm, nhưng thông tin không được công bố, không có bất kỳ việc báo cáo nào trong các giao dịch. Từ đó, phát sinh nhiều giao dịch được thực hiện 4 năm qua , thì các hoạt này phải đối diện nguy cơ bị đình chỉ, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Như vậy, sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nhiều đối tác, nhà đầu tư, cá nhân và tổ chức có liên quan.

Về mặt kinh doanh, ảnh hưởng của dịch Covid -19 đã khiến doanh thu của Công ty Tân Tạo bị ảnh hưởng đáng kể so với quý I/2021. Theo báo cáo quý I/2022 của Công ty Tân Tạo, doanh thu của doanh nghiệp này từ việc cho thuê đất đã phát triển hạ tầng giảm hơn 96%, còn 5 tỷ đồng. Từ đó, doanh thu thuần giảm 64% về mức 30 tỷ đồng.

Đối với hoạt động tài chính, doanh thu của Công ty Tân Tạo tăng mạnh, gấp 8 lần so với cùng nhờ các khoản lãi thanh lý các khoản đầu tư. Tuy nhiên, phần doanh thu này lại không đủ bù đắp cho phần doanh thu thuần đã mất đi.

Về chi phí, Công ty Tân Tạo đã tiết giảm phần lớn chi phí lãi vay (giảm 75%) và chi phí bán hàng (giảm 91%) nhưng chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí quản lý lại tăng 5%, lên hơn 11 tỷ đồng. Nhìn chung, sau khi trừ đi chi phí, Công ty Tân Tạo báo lãi ròng quý I/2022 giảm 70%, còn hơn 16 tỷ đồng.

3405-ita-doanh-thu-q12022-1656540084.png
Cơ cấu doanh thu của Công ty Tân Tạo quý I/2022.

Năm 2022, Công ty Tân Tạo dự kiến doanh thu giảm 16,6%, còn 777 tỷ đồng, kế hoạch lãi là 186 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2021. Nguồn thu chủ yếu của Công ty Tân Tạo đến từ hoạt động cho thuê mặt bằng, khoảng 633 tỷ đồng. Doanh thu còn lại là từ hoạt động cung cấp dịch vụ.

Dự kiến, Công ty Tân Tạo sẽ trình cổ đồng cho phép Hội đồng quản trị (HĐQT) được quyết định giữ lại một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận năm 2021. Cụ thể, số tiền này sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động hoặc dùng để nâng vốn điều lệ…

Lũy kết đến cuối năm 2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tân Tạo gần 1.300 tỷ đồng. Mặt khác, Công ty Tân Tạo cũng kế hoạch vay vốn hoặc phát hành trái phiếu trong năm nay để tái cấu trúc nợ và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước đó, vào năm 2018, Công ty TNHH TM-DV-XD Quốc Linh (Công ty Quốc Linh) có Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty Tân Tạo. Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Luật phá sản năm 2014, theo đó “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Đến ngày 25/01/2018, TAND TP.HCM đã ra Quyết định mở thủ tục phá sản số 56 đối với Công ty Tân Tạo.

Thế nhưng, dù đã có quyết định mở thủ tục phá sản, nhưng 4 năm qua, Công ty Tân Tạo đã không công khai quyết định mở thủ tục phá sản của TAND TP.HCM cho các chủ nợ, người mắc nợ, đối tác…

Bên cạnh đó, Công ty Tân Tạo cũng không hợp tác với Toà án, Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phía Toà án chỉ định. Từ đó, dẫn đến việc giải quyết phá sản đối với Công ty Tân Tạo gặp nhiều khó khăn và kéo dài

Gia Bình

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/rui-ro-phap-ly-cua-nha-dau-tu-khi-cong-ty-tan-tao-co-quyet-dinh-mo-thu-tuc-pha-san-a8086.html