Tham dự hội thảo gồm có các chuyên gia, các nhà phân tích thị trường và đại diện doanh nghiệp: PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Tài chính; ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA); TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam; ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam; ông Đặng Hoài Nam - Giám đốc kinh doanh Công ty CP BĐS Tiến Phước.
Hội thảo "Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022" diễn ra bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện diện. Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine xảy ra đã đẩy giá dầu thô và nhiều loại nguyên liệu sản xuất lên đỉnh cao nhất trong 10 năm. Nhiều khả năng cuộc xung đột này còn tiếp tục kéo dài và gây ra những biến động tiêu cực khó lường cho kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, bất động sản nhiều nơi được cho là mức quá cao, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu tràn lan. Dòng vốn đổ vào bất động sản quá lớn khiến cho nhiều nơi xuất hiện tình trạng bong bóng. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng bất động sản cuối tháng 4/2022 lên tới 2,29 triệu tỷ đồng, tăng tới 10,19% so với đầu năm và chiếm 20,44% tổng tín dụng trong nền kinh tế. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, siết lại việc huy động vốn bằng trái phiếu của các doanh nghiệp trong ngành này để hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản.
Tại hội thảo PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, kinh tế thế giới hai năm qua ở trạng thái lao đao "trụ hạng". Trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao song thực lực chưa mạnh, trình độ phát triển còn thấp và sức cạnh tranh còn yếu. Trong bối cảnh đó, điều gì đang chờ đợi kinh tế Việt Nam? Ông Thiên cho rằng còn nhiều nguy cơ, thách thức lớn, khó lường.
Dù vậy, theo ông Trần Đình Thiên, công tác điều hành của Chính phủ thời gian qua đang thể hiện bản lĩnh và năng lực "dĩ bất biến - ứng vạn biến", linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt hành động. Việt Nam có nền tảng tốt, đang có đà, có thế, có khát vọng mạnh mẽ. Đây là cơ hội để trỗi dậy và bứt phá. Các tổ chức dự báo quốc tế đều dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2022-2023 tích cực lên theo thời gian trong khi dự báo kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, mức tăng trưởng này là chưa từng thấy kể từ sau thế chiến thứ 2.
Về thị trường bất động sản, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam chia sẻ: Thị trường bất động sản có nhiều triển vọng lạc quan. Cụ thể, ở phân khúc căn hộ, thị trường sôi động trong quý 2/2022 giúp nguồn cung cấp mới phục hồi và đạt gần 13.000 căn. Tổng nguồn cung mới trong nửa đầu 2022 gần bằng nguồn cung mới cả năm 2021. Trong khi đó nguồn cung trên thị trường nhà phố, biệt thự cũng cải thiện theo các khu đô thị mới. Giá bất động sản liền thổ tăng mạnh khi các dự án mới xác lập mức giá kỷ lục.
Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, ông Kiệt cho biết nguồn cung mới ở loại hình bất động sản nghỉ dưỡng - biệt thự du lịch tăng trở lại tại nhiều khu vực thành phố biển sau 2 năm bị ảnh hưởng vì dịch. Nhiều dự án nghỉ dưỡng có thương hiệu sẽ chính thức ra mắt năm 2022.
Chia sẻ về diễn biến thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản hiện đang gặp hạn chế về nguồn cung, giá trị đang còn cao, thị trường thứ cấp lại không nhiều. Đối với các thành phố lớn như TP.HCM và HN, nhu cầu nhà ở trung cấp rất lớn nhưng do quỹ đất còn hạn chế cũng như vấn đề pháp lý còn nhiều trở ngại nên nhiều doanh nghiệp vẫn ngại ngần đầu tư, khi đó thị trường sẽ tiếp tục mất cân đối cung cầu, người ít tiền sẽ không có tiền để mua nhà ở phân khúc trung cấp.
Ông Khương cho biết thêm, nếu có những dự án mới ở các vùng ven, giá cả hợp lý, dòng tiền sẽ tập trung mạnh vào phân khúc này. Tuy nhiên, sẽ rất khó để giải quyết vấn đề trong khoảng thời gian từ đây đến cuối năm.
Trong cuộc thảo luận, chị Nga - nhà đầu tư cá nhân có ý kiến cho rằng: hiện nay có rất nhiều dự án chủ đầu tư họ đang nhấn mạnh cái thế mạnh dự án của họ là liền kề Sân bay Long Thành hoặc có tuyến đường cao tốc chạy qua. Tuy nhiên thực tế khu vực xung quanh sân bay đã hình thành nó ảnh hưởng đến giá trị bất động sản hơn là lợi thế.
Trả lời ý kiến này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, rất nhiều dự án hạ tầng có tuyến metro, tuyến cầu, tuyến đường vành đai thì một công trình hạ tầng lớn như sân bay Long Thành nó sẽ tác động không chỉ riêng Đồng Nai mà là cả khu vực. Nó tạo nên điểm khúc về dịch vụ và các yếu tố liên quan đến vận hành sân bay đó. Nếu như một nhà đầu tư cá nhân lựa chọn bất động sản liền kề sân bay thì phải nghiên cứu kĩ vị trí, đường giao thông và khu đất đó có nằm ở vị trí thuận lợi hay không. Một bất động sản liền kề sân bay nó sẽ chịu vừa tác động tích cực lẫn tiêu cực nên nhà đầu tư phải hiểu rõ về mục đích đầu tư của mình là cái gì.
Đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô, các chuyên gia cho rằng dù thế giới đứng trước áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế tuy nhiên nhiều khả năng không xảy ra hiện tượng "đình lạm" như nhiều người lo ngại. Với các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt của Chính phủ sẽ lèo lái con thuyền kinh tế sớm ổn định trong năm tới. Thị trường bất động sản sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ những doanh nghiệp tốt vẫn phát triển tốt vượt qua giai đoạn khó khăn vươn lên.
Long Vũ
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/co-hoi-nao-cho-thi-truong-bat-dong-san-6-thang-cuoi-nam-2022-a8075.html