Kinh tế - chính trị - xã hội được ví như “kiềng ba chân” của mọi quốc gia. Trong giai đoạn phát triển, những doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những "cánh chim đầu đàn" của nền kinh tế Việt Nam chính là lực lượng tinh hoa luôn xung kích, đi đầu dẫn dắt nền kinh tế của quốc gia trỗi dậy.
Trải qua hơn hai năm “vật lộn” với 4 làn sóng khủng hoảng từ Covid-19, những người làm báo chúng tôi thật sự cảm phục khi tận mắt chứng kiến những cống hiến tận lực, tận tâm của nhiều doanh nghiệp Việt.
Trong giai đoạn cả thế giới đối mặt với Covid-19, vai trò của các doanh nghiệp dẫn đầu càng phát huy sức mạnh khi chứng tỏ bản lĩnh kinh doanh vững vàng trước sóng gió, xuất sắc đạt mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.
Ứng biến nhanh chóng, quyết liệt để “sống chung” với Covid-19
Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm như: TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ...
Giai đoạn từ tháng 7-8/2021, tình hình dịch bệnh bước vào giai đoạn căng thẳng, các biện pháp giãn cách xã hội bắt đầu được áp dụng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, duy trì sản xuất kinh doanh với những mô hình mới: 3 tại chỗ kết hợp 1 cung đường 2 điểm đến; 2 tại chỗ, 1 vùng xanh…
Với Tập đoàn Masan, doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu cả nước đã áp dụng ngay các biện pháp vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội.
Để đảm bảo vận hành xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu thịt sạch cho người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli SG (Long An) đã thực hiện chỉ thị “3 tại chỗ”. Hơn 84% lực lượng lao động của tổ hợp đã “ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ”, bên cạnh các biện pháp phòng dịch đã được áp dụng nghiêm ngặt ngay từ đầu mùa dịch.
Ở các tỉnh bắt buộc phải tuân thủ “3 tại chỗ”, Masan cũng thường xuyên tổ chức xét nghiệm cho công nhân làm việc tại nhà máy. Điển hình, nhà máy Masan MSI Bình Dương có khoảng 1.800 nhân viên và thực hiện xét nghiệm định kỳ 3 ngày 1 lần.
Bên cạnh đó, Masan đã có sáng kiến đề xuất Thủ tướng và lãnh đạo địa phương cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là các trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… ở gần nhà máy. Tại đây, người lao động vừa có thể ăn nghỉ, sàng lọc sức khỏe để sẵn sàng bổ sung lực lượng sản xuất khi cần thiết mà vẫn thực hiện tốt các quy định về phòng tránh dịch bệnh.
Nhờ siết chặt nhiều biện pháp phòng dịch, hệ thống bán lẻ và sản xuất quy mô cả nước của Masan vẫn hoạt động liên tục, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo việc làm và an sinh phúc lợi cho hàng chục ngàn người lao động.
Là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng thể hiện bản lĩnh của mình để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh mỗi ngày.
Đối với Sun Group, doanh nghiệp sở hữu hàng loạt các công trình du lịch, nghỉ dưỡng là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất của đại dịch, với những con số sụt giảm chưa từng có về doanh thu. Tháng 5/2021, theo sự chỉ đạo của chính quyền để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch các cơ sở du lịch phải đóng cửa. Ngay lập tức, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) thuộc Tập đoàn Sun Group đã áp dụng phương án làm việc “thời chiến”. Theo đó, các bộ phận bắt buộc luôn phải có mặt như: an ninh, kỹ thuật, cảnh quan sẽ đi làm với số lượng nhân sự vừa đủ, để thực hiện việc bảo trì bảo dưỡng hệ thống máy móc, trông giữ tài sản và dọn dẹp cơ sở, còn lại phần lớn nhân viên sẽ nghỉ tại nhà cho đến khi có thông báo mới.
Đối với Vietjet Air, dưới bối cảnh phần lớn các hãng hàng không chịu tác động nặng nề, nhiều giai đoạn phải dừng bay, giảm bay thì Vietjet là một trong số ít hãng hàng không có lợi nhuận vào năm ngoái. Bên cạnh mảng chủ đạo là vận tải hành khách, Vietjet đẩy mạnh kinh doanh vận chuyển hàng hóa và xác định đây là một trong những chiến lược kinh doanh phù hợp, đem lại doanh thu cho hãng trong bối cảnh đại dịch. Kết quả là trong năm ngoái, vận chuyển hàng hóa của Vietjet Air đạt mức tăng trưởng ấn tượng 200% và cán mốc doanh thu gần 3.000 tỷ đồng.
Coi trọng trách nhiệm xã hội
Mặc dù gặp nhiều tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp vẫn không quên trách nhiệm cộng đồng, chung tay chia sẻ chống dịch. Hàng nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp ủng hộ cho quỹ vaccine, xây dựng bệnh viện dã chiến, cách ly y tế...
Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam liên tục bùng phát, dấu ấn thiện nguyện xã hội của Vingroup được cộng đồng ghi nhận với những đóng góp rất lớn vào công cuộc chống dịch Covid-19. Kể từ năm 2020, tập đoàn đã đóng góp 9,4 nghìn tỷ đồng cho cộng đồng, thông qua việc hỗ trợ thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, tài trợ nghiên cứu sản xuất vaccine, các trang thiết bị phục vụ tiêm chủng, xét nghiệm Covid-19. Với những đóng góp này, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã hai lần liên tiếp được tạp chí Forbes vinh danh là Anh hùng thiện nguyện khu vực châu Á – Thái Bình Dương (2020 – 2021).
Bên cạnh đó, ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương chi 2.000 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD) sáng lập Quỹ VinFuture với sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu, phát minh Khoa học và Công nghệ đã, đang và sẽ góp phần giải quyết những thách thức toàn cầu. Thành phần cốt lõi của Quỹ là Giải thưởng VinFuture - một trong những giải thưởng thường niên lớn nhất về khoa học và công nghệ trên thế giới. Vào tháng 1/2022, Lễ trao giải VinFuture lần thứ thứ nhất đã được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện này không những là tâm điểm của giới khoa học công nghệ Việt Nam và toàn cầu, nâng tầm và định vị Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.
Với tập đoàn Novaland, doanh nghiệp cũng rất tích cực trong việc thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tập đoàn đã trao tặng 100 tỷ đồng kinh phí mua vaccine phòng ngừa Covid-19 tại lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 vào ngày 05/06/2021. Bên cạnh đó, Novaland đã tài trợ hơn 170 tỷ đồng để xây dựng và thiết lập 7 bệnh viện dã chiến và 2 khu cách ly tập trung bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, tập đoàn ủng hộ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, để đưa sắc xanh dần trở lại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Trong một năm 2021 đầy khó khăn, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã dành gần 1.000 tỷ đồng để thực hiện hàng loạt các chương trình an sinh xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng giai đoạn 2020-2021, Hưng Thịnh đã đóng góp hơn 200 tỷ đồng để đồng hành cùng cả nước khống chế và đẩy lùi dịch Covid-19.
Biến thách thức thành cơ hội
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh tuy vậy, thách thức vẫn luôn mở ra cơ hội với những doanh nghiệp biết tận dụng thời cơ để tạo ra sự bứt phá vượt bậc.
Đơn cử như Vingroup, với khẩu hiệu “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với mong muốn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt có đẳng cấp quốc tế. Minh chứng cho việc này đó là dấu ấn nổi bật của thương hiệu xe VinFast với việc đặt những bước chân đầu tiên ra thị trường quốc tế. Cụ thể, vào tháng 11/2021 tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 (Mỹ), VinFast chính thức ra mắt thương hiệu xe điện toàn cầu, đồng thời giới thiệu hai mẫu SUV điện VF 8 và VF 9.
Đến đầu năm 2022, tại sự kiện VinFast Global EV Day trong khuôn khổ Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2022 tại Las Vegas (Mỹ), VinFast chính thức giới thiệu dải SUV điện hoàn chỉnh, với năm mẫu xe sở hữu vẻ ngoài ấn tượng và thời thượng, phủ đủ các phân khúc thị trường. Tại sự kiện, VinFast cũng công bố chiến lược dừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022, tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các dòng xe thuần điện. Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển hẳn sang thuần điện, khẳng định dấu ấn tiên phong, thúc đẩy cuộc cách mạng di chuyển điện hóa.
Gần đây nhất vào cuối tháng 3, VinFast và bang Bắc Carolina (Mỹ) đã ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy xe điện. Theo đó, nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham với diện tích khoảng 800 ha. Giai đoạn 1 được khởi công ngay trong năm 2022, sau khi nhận được giấy phép xây dựng và dự kiến sẽ được vận hành vào tháng 7/2024.
Tin VinFast xây nhà máy điện tại Mỹ nhận được lời chúc mừng từ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sáng sớm 30/3, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter: "Nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD, tạo ra 7.000 việc làm của VinFast là một ví dụ điển hình cho chiến lược phát triển kinh tế của Mỹ hiện nay".
Thông qua dự án xây dựng nhà máy tại Mỹ, VinFast khẳng định kế hoạch phát triển và sự đầu tư nghiêm túc của hãng tại thị trường quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng; đồng thời đảm bảo năng lực và kế hoạch tự chủ sản xuất trên toàn cầu.
Dù VinFast là một thương hiệu non trẻ, đến từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ công nghiệp thế giới. Với khởi đầu thành công như vậy, có thể nói VinFast đã thực sự vượt qua những thách thức chưa từng có để mang lại niềm tự hào không chỉ cho tập đoàn Vingroup mà còn cho cả ngành sản xuất ô tô Việt Nam. Tại Đại hội đồng cổ đông năm ngoái của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng từng thừa nhận “xe điện là thứ không dễ dàng” nhưng ông chia sẻ các cổ đông rằng: “Đó là cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình”.
Đáng chú ý, giữa bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội “vươn ra biển lớn”. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 cũng cho thấy sự sôi động của dòng tiền đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Cụ thể, trong năm 2021 có 61 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 409,1 triệu USD, tăng 28,6% so với năm trước. Nếu tính cả vốn cấp mới và điều chỉnh, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2021 đạt 828,7 triệu USD. Trong đó có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 307,3 triệu USD; Singapore với 141,7 triệu USD; Campuchia với 89,4 triệu USD; Israel với 71,6 triệu USD; Canada 57,6 triệu USD; Lào 48,6 triệu USD; Đức 33,5 triệu USD.
Khi đã chiếm thị phần đủ lớn trong nước, việc phát triển thị trường nước ngoài được xem là bước đi quan trọng để các doanh nghiệp đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp hơn trên thị trường quốc tế.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ rằng muốn lãi 1 tỷ USD thì phải ra nước ngoài. Tham vọng ra nước ngoài của Hoà Bình có từ nhiều năm trước tuy nhiên trong 2 năm đại dịch, Hòa Bình cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình biến động về tài chính của tập đoàn.
Theo kế hoạch của Hòa Bình, năm 2022 được xác định là năm bản lề để Hòa Bình tạo đà “vươn ra biển lớn”. Dự kiến trong quý II/2022, các văn phòng công ty thành viên của Hòa Bình tại Sydney và Brisbane sẽ mở cửa để bắt đầu các hoạt động tại Úc. Đến quý IV/2022 sẽ triển khai xây dựng dự án tại khu vực Great Sydney và New South Wales. Cũng trong quý II/2022, công ty thành viên của tập đoàn và cũng là công ty đầu tiên của Hòa Bình tại Hoa Kỳ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động tại Texas. Đồng thời, Hòa Bình cũng hướng đến mục tiêu tham vọng doanh thu 20 tỷ USD và lợi nhuận là 1 tỷ USD vào năm 2032 bởi có lẽ phải vươn ra biển lớn mới biết khả năng mình tới đâu.
Với CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG), “ông lớn” bán lẻ này cũng đã có kế hoạch phát triển tại thị trường Indonesia thông qua việc hợp tác với PT Erafone Artha Retailindo để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic (Era Blue). Liên doanh Era Blue được xem là cột mốc đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ở nước ngoài của MWG và kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực giúp công ty nối dài chuỗi tăng trưởng trong tương lai. Với liên doanh này, Thế Giới Di Động cũng đặt tham vọng khá lớn: thống lĩnh thị trường bán lẻ điện máy tại Indonesia và niêm yết công ty trong 5 năm tới.
Có thể thấy không dừng lại ở việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong nước, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt muốn vươn tầm quốc tế với tham vọng khẳng định vị thế và mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh của mình ra toàn cầu.
Hai năm vừa qua là khoảng thời gian khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020, để động viên doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trích dẫn hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân"
Covid-19 như một phép thử cho thế hệ doanh nghiệp Việt “lột xác” vươn mình. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, các doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần, sức sáng tạo cũng như khả năng đương đầu với khó khăn để tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với một tầm vóc hoàn toàn mới.
Hà Giang
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/phep-thu-dai-dich-va-ban-linh-doanh-nghiep-viet-a8030.html