Hà Nội: Quận Hoàn Kiếm cần mạnh tay xử lý dứt điểm vi phạm về xây dựng

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới việc xử lý sai phạm về trật tự xây dựng tại 1 số quận, huyện trên địa bàn. Tuy nhiên, cá biệt ở một số khu vực, các sai phạm về trật tự xây dựng vẫn còn tái diễn bất chấp các quy định của thành phố.

anh-1-1655112018.jpg

Tình trạng xây vượt tầng đang ảnh hưởng cảnh quan, phá vỡ quy hoạch phố cổ (Phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm)

Hà Nội kỷ luật Chủ tịch phường Yên Hòa liên quan đến sai phạm xây dựng biệt thự

Là một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước, những năm qua, Thủ đô Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trung bình hằng năm, trên địa bàn thành phố có khoảng 15.000 công trình xây dựng được khởi công (trung bình 41 công trình/ngày). Khối lượng công trình lớn đòi hỏi công tác quản lý trật tự xây dựng phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước quan tâm. Mới đây nhất, ngày 2/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Liên tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong các giai đoạn trước để xử lý dứt điểm.

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý, đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, đặc biệt trong những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp,…

Chủ động rà soát các quy định của Trung ương và thành phố để ban hành hoặc sửa đổi các quy định, chế tài xử phạt theo hướng chặt chẽ, nghiêm minh, tăng tính răn đe và tuân thủ các quy định của pháp luật. 

Để tổ chức thực hiện, ngoài yêu cầu về cá thể hóa trách nhiệm và siết chặt kỷ cương, kỷ luật nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch tổ chức thực hiện của UBND TP, xây dựng kế hoạch cụ thể và tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn. Trong quá trình đó, từng đơn vị phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai Chỉ thị; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu: Hằng năm, các địa phương phải tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.

Trước những chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lí nhiều công trình vi phạm về trật tự xây dựng. Bên cạnh đó cũng nghiêm túc xử lí trách nhiệm người đứng đầu khi buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm.

Đơn cử tại quận Cầu Giấy, chiều ngày 18/5 vừa qua, lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết quận đã ra quyết định kỷ luật công chức đối với Chủ tịch UBND phường Yên Hòa. Theo đó, ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa đã bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, do để công trình biệt thự trên địa bàn phát sinh vi phạm kéo dài, không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

anh-2-1655112017.jpg

Công trình biệt thự số 9 lô B (khu 5,2 ha phường Yên Hòa)

UBND quận Cầu Giấy cũng ra quyết định kỷ luật công chức với hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa; ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy. Lãnh đạo quận Cầu Giấy thông tin thêm, hiện Ủy ban kiểm tra quận ủy đang tiến hành kiểm tra để xử lý về mặt Đảng đối với 3 cá nhân nêu trên.

Trước đó, liên quan đến công trình biệt thự số 9 lô B (khu 5,2 ha phường Yên Hòa) bị người dân phản ánh có nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng, Sở Xây dựng TP Hà Nội kết luận vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này là vi phạm nghiêm trọng, thời gian kéo dài (tăng tổng chiều cao công trình; xây thêm bán hầm; tăng mật độ xây dựng, diện tích xây dựng; thay đổi kiến trúc mặt ngoài công trình).

Đáng chú ý, hành vi vi phạm đã được UBND phường Yên Hòa phát hiện ngay từ giai đoạn thi công móng (ngày 7/1/2021) nhưng không kịp thời thiết lập hồ sơ vi phạm. Quyết định đình chỉ thi công của UBND phường Yên Hòa đối với công trình vi phạm trên không có hiệu lực, hiệu quả, không kiên quyết xử lý nên dẫn đến việc công trình xảy ra vi phạm lớn, tồn đọng kéo dài.

Liên quan đến sai phạm này, Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định: Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa phụ trách lĩnh vực đô thị và cán bộ, công chức liên quan được giao nhiệm vụ trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phường. Trong tháng 4/2022, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu kiểm điểm, xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể UBND quận Cầu Giấy.

Hay liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng tại công trình nhà 5 tầng không phép ở 84 đường Láng (quận Đống Đa) khiến Dự án Toà nhà cao tầng đa chức năng dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê kết hợp căn hộ du lịch TNR The Nosta ở số 90 đường Láng (chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện tử Ánh Sao) không thể triển khai. Sau khi có sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, ngày 12/5/2022, UBND quận Đống Đa đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác tổ chức thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Theo kế hoạch, ngày 25/5, quận Đống Đa sẽ tổ chức triển khai kế hoạch, phương án phá dỡ, phương án bảo vệ theo quy định. Dự kiến đến ngày 2/6 sẽ hoàn thành công tác phá dỡ và bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Điện tử Ánh Sao để quản lý theo quy định.

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, quý 1/2022, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.236 công trình (đạt 100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 323 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,87%.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 278/323 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 86% và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền: 45 trường hợp, chiếm tỷ lệ 14%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.393 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 6,9 tỷ đồng.

Có thể thấy, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND các quận, huyện đã vào cuộc một cách nghiêm túc, giải quyết dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Từ đó, những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận dần được hạn chế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại ở một số địa bàn, việc xử lí còn quá “nhẹ tay” nên các sai phạm vẫn tái diễn bất chấp quy định của thành phố. Đơn cử như tại quận Hoàn Kiếm – quận trung tâm của thành phố Hà Nội.

Các sai phạm về trật tự xây dựng vẫn tồn tại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Quận Hoàn Kiếm - Trung tâm thành phố Hà Nội là nơi chứa đựng những giá trị lớn về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Thủ đô. Những khu phố cổ Hà Nội trên địa bàn quận không chỉ là đặc trưng của Hà Nội, mà còn mang giá trị về kinh tế, văn hóa. Chính quyền thành phố đã ban hành nhiều quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc tại khu phố cổ vậy nhưng những năm qua, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc bảo tồn, tôn tạo khi các công trình sai phạm vẫn “mọc lên” bất chấp các quy định và đâu đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và một số cơ quan hữu trách.

Với mục đích cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 về việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy các giá trị của di tích lịch sử Quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Khu phố cổ Hà Nội.

Đồng thời, làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện công tác quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị, cấp phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành thì UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ.

Trong đó nêu rõ các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m... Ngoài ra, trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ, số tầng cao được phép xây dựng và khoảng lùi công trình.

Quy định là vậy, nhưng không khó để bắt gặp những công trình sai phạm vẫn ngang nhiên được xây dựng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

anh-3-7-9-hang-thung-1655112018.jpg

Công trình số 7 - 9 Hàng Thùng cho thấy dấu hiệu xây dựng vượt quá quy chuẩn cho phép

Trên địa bàn phường Lý Thái Tổ, công trình số 7 - 9 Hàng Thùng cho thấy dấu hiệu phá vỡ quy hoạch, vượt quá quy chuẩn cho phép, làm thay đổi kiến trúc không gian khu vực. Theo tìm hiểu, công trình số 7 - 9 Hàng Thùng được xây dựng làm khách sạn theo Giấy phép xây dựng số 103 do UBND quận Hoàn Kiếm cấp ngày 27/7/2020. Ngay cạnh công trình số 7 - 9 Hàng Thùng là 2 căn nhà cổ đã có tuổi đời gần 100 năm tuổi. Theo quy hoạch, xung quanh các công trình có giá trị lịch sử đặc biệt như công trình số 11 và 13 Hàng Thùng phải được quy hoạch về cảnh quan. Thế nhưng, một công trình “khủng” được xây mới đang trực tiếp đe dọa đến sự tồn tại của 2 công trình cổ có giá trị lịch sử này.

Phường Hàng Bồ cũng là địa bàn xuất hiện nhiều công trình có dấu hiệu xây dựng sai quy định. Theo quy định, phường Hàng Bồ chỉ cho phép xây dựng tối đa mặt ngoài là 3 tầng (chiều cao từ 6m - 12m), mặt trong là 4 tầng (chiều cao tối đa là 10m - 16m) còn mật độ xây dựng khu vực này là 60% - 70% và phải có khoảng lùi nhất định.  

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy trên con phố Bát Sứ, vẫn xuất hiện hàng loạt các công trình cao 6-10 tầng. Đơn cử, tại 19 Bát Sứ, đây là công trình được cải tạo và hoàn thiện thêm 2 tầng, nâng chiều cao lên thành 6 tầng và hiện đang quây tôn kín kẽ.

anh-4-1655112018.jpg

Công trình tại số 19 phố Bát Sứ

Hay công trình khách sạn tại số 52 Bát Sứ, mặc dù nằm ngay cạnh trụ sở Công an phường Hàng Bồ nhưng công trình vẫn được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng dù cho thấy rõ dấu hiệu vượt quá quy chuẩn cho phép.

anh-5-bat-su-1655112019.jpg

Công trình khách sạn tại 52 Bát Sứ

Tiếp tục khảo sát quanh quận Hoàn Kiếm không khó để bắt gặp nhiều công trình đồ sộ, phình to ra cả chiều cao lẫn chiều rộng, nhấp nhô, chọc thủng quy hoạch phố cổ, quy hoạch phố cũ tại các phường như: Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Mã…

anh-6-hang-gai-1655112018.jpg

anh-7-hang-trong-1655112019.jpg

anh-8-gia-ngu-1655112019.jpg

Không khó để bắt gặp những công trình khách sạn cao tầng được xây dựng xung quanh các con phố cổ

Câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu?

Công tác quản lý, quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các quy định cụ thể, chặt chẽ về kiến trúc khu vực này đã được ban hành nhưng sai phạm vẫn liên tục tái diễn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Câu chuyện về các công trình vượt tầng phá vỡ quy hoạch phố cổ đã trở thành điểm nóng nhiều năm qua. Hàng loạt công trình vi phạm đã bị báo chí điểm tên, chỉ mặt, chính quyền thừa nhận nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những nỗ lực xử lý vi phạm chỉ nằm trên… giấy tờ.

Các công trình “khủng” vẫn ngang nhiên tồn tại ở những vị trí đắc địa của khu phố cổ, như ở Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Gia Ngư,… Đáng nói, các công trình sai phạm cũ chưa bị xử lý thì các sai phạm mới đã tiếp tục mọc lên.

anh-9-24-ba-trieu-1655112018.jpg

Công trình số 24 Bà Triệu, phường Tràng Tiền được xây dựng 7 tầng, có tầng hầm và tum, có dấu hiệu vi phạm về mật độ xây dựng

Nhìn lại vấn đề tại quận Cầu Giấy và quận Đống Đa, UBND hai quận này đã có thái độ xử lý cứng rắn, quyết liệt với những sai phạm tồn tại trên địa bàn. Việc đưa ra quyết định kỷ luật với người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài hay “mạnh tay” triển khai phá dỡ công trình vi phạm phần nào sẽ có tính răn đe, hạn chế việc tái diễn vi phạm sau này.

Thiết nghĩ, công tác về trật tự xây dựng tại quận Hoàn Kiếm là vấn đề cần đặc biệt quan tâm bởi đây là khu vực trọng điểm, mang nhiều giá trị về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, dường như chính quyền quận Hoàn Kiếm vẫn chưa thực sự sát sao trong công tác kiểm tra, xử lí các công trình vi phạm trên địa bàn khi tình trạng này đã tồn tại trong suốt một thời gian dài mà không được giải quyết nghiêm túc và triệt để.

Trước tình trạng trên, UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm và các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc kiểm tra và có biện pháp xử lý dứt điểm những công trình có dấu hiệu vi phạm, trả lại không gian cho phố cổ Hà Nội. Đặc biệt, cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để hoạt động vi phạm trật tự xây dựng tái diễn, kéo dài… nhằm đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật.

Thùy Linh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ha-noi-quan-hoan-kiem-can-manh-tay-xu-ly-dut-diem-vi-pham-ve-xay-dung-a7997.html