I. Nhóm tính năng an toàn chủ động (tiếp theo)
C. Điều phối, hỗ trợ lái chủ động
1. Hệ thống kiểm soát hành trình - Adaptive Cruise Control (ACC)
Theo ô tô 360, hệ thống kiểm soát lộ trình tích hợp giúp tài xế giữ xe của mình ở một khoảng cách an toàn so với những xe xung quanh. Khoảng cách và thời gian mà hệ thống này hỗ trợ tài xế sẽ giúp họ có thêm thời gian để xử lý, ứng phó kịp thời với các nguy cơ va chạm.
Để kích hoạt hệ thống này làm việc, người dùng cần ấn nút ACC trên vô lăng. Sau đó, người dùng có thể cài đặt kiểm soát tốc độ tối đa cho phép bằng cách sử dụng phím “+” hoặc “-“ để tăng hoặc giảm. Thêm vào đó, người dùng có thể cài đặt khoảng cách an toàn phải giữ đối với xe phía trước.
Ngay khi hệ thống được kích hoạt, các cảm biến, camera, radar định vị sẽ chủ động đo và tính khoảng cách với các phương tiện giao thông phía trước. Dựa trên cách thông số đo được, tính năng ACC sẽ chủ động truyền tín hiệu đến tính năng cảnh báo va chạm phía trước để hệ thống này phát tín hiệu cảnh báo.
Nếu hệ thống nhận định mật độ giao thông phía trước thông thoáng sẽ tự động truyền tín hiệu để tăng tốc động cơ, còn ngược lại, nếu mật độ giao thông phía trước dày thì sẽ truyền tín hiệu giảm tốc độ.
Tuy nhiên, hệ thống ACC chỉ được cài đặt để chiếm quyền kiểm soát phanh 50% nhằm đảm bảo việc lái xe vẫn có thể duy trì trơn tru. Đương nhiên, điều này là điển hình của một hệ thống kiểm soát hành trình chứ chưa phải là “hệ thống tự lái”. Chiếc xe về cơ bản vẫn cần người lái để vận hành bình thường.
Hạn chế: Mức độ hiệu quả của hệ thống kiểm soát hành trình ACC còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế của đường xá và thời tiết.
2. Cảnh báo rời làn đường - Lane-Departure Warning
Công dụng của hệ thống này đúng như tên gọi, rất dễ hiểu, có tác dụng cảnh báo tài xế khi xe có dấu hiệu vượt làn một cách vô thức. Hệ thống cảnh báo này còn có tác dụng cảnh báo tài xế khi họ có biểu hiện lơ đễnh, buồn ngủ hoặc thiếu tập trung khi lái xe.
Vậy hệ thống này làm việc như thế nào. Hệ thống hoạt động nhờ vào camera gắn ở kính chắn gió phía trước, chuyên giám sát vạch kẻ đường ở phía trước trên suốt cung đường đi. Đây là một phần của hệ thống hỗ trợ người lái.
Nếu xe sắp vượt khỏi làn đường thì hệ thống sẽ phát cảnh báo âm thanh hoặc cảnh báo bằng giọng nói để tài xế chú ý. Thậm chí, một số hãng xe còn trang bị tính năng rung trên vô-lăng để cảnh báo tài xế qua xúc giác ở tay.
Hạn chế: hệ thống chỉ làm việc hiệu quả khi đường có vạch kẻ sắc nét, rõ ràng; khi đường mưa lớn hoặc bị tuyết phủ, camera cũng không thể xác định được vạch kẻ đường.
3. Hỗ trợ giữ làn đường - Lane-Keep Assist
Hệ thống này làm việc kết hợp với hệ thống cảnh báo rời làn đường. Tức là, khi hệ thống cảnh báo rời làn đường phát hiện xe bị vô thức lệch làn đường sẽ phát cảnh báo cho tài xế, đồng thời lúc đó, tính năng hỗ trợ giữ làn sẽ được kích hoạt để giúp đưa xe trở lại đúng làn đường.
Công nghệ hỗ trợ giữ làn đường hiện nay được nâng cấp đáng kể và trang bị cho các mẫu xe cao cấp hiện đại, không chỉ giúp xe không bị lệch khỏi làn đường mà còn có thể giữ xe chạy ở chính giữa của làn đường.
Những người lái xe motor 2 bánh sẽ rất thích tính năng này của ô tô hiện đại bởi xe luôn chạy ở chính giữa làn đường thì lề đường sẽ dành cho xe máy dễ dàng di chuyển. Hệ thống cũng sử dụng các camera ở hai bên xe để xác định vạch kẻ làn đường.
Hạn chế: hệ thống giữ làn đường bị ảnh hưởng y như hệ thống cảnh báo rời làn về điều kiện vạch kẻ đường.
4. Hệ thống cảnh báo người qua đường - Pedestrian Detection System
Khả năng phát hiện người đi bộ là một tính năng an toàn khá hữu ích trong điều kiện giao thông đông đúc ở đô thị, đặc biệt là các thành phố ở Việt Nam. Nó giúp người lái có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ va chạm với người đi bộ hoặc trẻ em xuất hiện phía trước xe.
Hệ thống có camera gắn ở đầu xe nhằm phát hiện vật thể di chuyển chậm xuất hiện phía trước. Nếu trong trường hợp người lái khi nhận được cảnh báo mà chưa kịp đạp phanh, hệ thống sẽ tự động bật phanh để xe dừng lại, tránh va chạm với người đi bộ, trẻ em hoặc động vật phía trước.
Trước đây các mẫu xe của tập đoàn GM và hãng Volvo thường có trang bị tính năng này. Sau này, kể từ năm 2013, hệ thống cảnh báo này có kết hợp radar với camera.
Hạn chế: hệ thống này sẽ làm việc tốt hơn trong điều kiện xe chạy ở tốc độ vừa phải. Đôi khi hệ thống hoạt động quá nhạy bén, tự động áp dụng phanh khiến tài xế không thoải mái khi lái xe.
II. Những tính năng an toàn bị động
1. Hệ thống túi khí hai giai đoạn - Dual-stage, Túi khí điều chỉnh theo người ngồi - Occupant-sensitive Airbags
Túi khí SRS là tính năng an toàn phổ biến và cần có nhất trên xe hơi hiện nay nhưng tùy thuộc loại xe mà số lượng và công nghệ túi khí sẽ khác nhau. Khi xảy ra va chạm, túi khí sẽ tự động bung ra, giúp giảm thiểu tác động của va chạm đến tài xế và người ngồi trong xe.
Túi khí được lắp ở phía trước và hai bên cabin xe, một số xe còn có túi khí đầu gối để tăng hiệu quả bảo vệ.
Các mẫu xe hiện đại ngày nay được trang bị túi khí 2 giai đoạn Dual-State Airbag hoặc túi khí tương thích với từng người ngồi Adaptive Airbag. Nhiều người sẽ thắc mắc về túi khí 2 giai đoạn và lo lắng.
Bởi nếu khi xảy ra va chạm, một túi khí bung ra trước để bảo vệ rồi lại có một túi khí khác sẽ bung ra sau, đập mạnh vào người ngồi trong xe.
Có thể giải thích như sau, loại túi khí 2 giai đoạn có 2 van bơm hơi. Một van bơm sẽ bơm 70% thể tích túi khí, van còn lại sẻ chịu trách nhiệm bơm 30%.
Mục đích của công nghệ này là đảm bảo túi khí được bơm với công suất phù hợp, tùy thuộc vào trọng lượng của người ngồi trên ghế để ước tính thể tích túi khí bơm lên hợp, tránh gây ra tác động quá mạnh.
Công nghệ này hiện nay được nghiên cứu khá thông minh để có thể phân tích tổng hợp dữ liệu về tốc độ xe chạy, mức độ nghiêm trọng của vụ va chạm, vị trí người ngồi trên ghế để tính toán cần bơm bao nhiêu phần trăm thể tích túi khí.
Nếu va chạm không quá nghiêm trọng, túi khí chỉ cần bơm 70%; còn khi nghiêm trọng sẽ bơm thêm 30% nữa và căng hoàn toàn.
Hạn chế: trong một số vụ va chạm hiếm hoi có xảy ra hiện tượng tay lái bị bẻ xoắn quá nghiêm trọng khiến túi khí trước không thể bung ra. Hoặc cũng có vụ tai nạn, túi khí không thể hoàn toàn bảo vệ người ngồi bên trong xe.
2. Công nghệ ghế trẻ em an toàn - ISOFIX Child Seats
Chủ xe có con nhỏ nên chọn tính năng ghế an toàn ISOFix Child Seat. Đây là một tính năng an toàn thụ động có tác dụng giữ cố định trẻ ở một vị trí tối ưu nhằm giảm thiểu nguy cơ tác động khi xảy ra va chạm.
Tất cả các hãng xe điều thiết kế ghế ngồi theo tỷ lệ cơ thể người lớn, tức là chiều cao, kích thước ghế, vị trí dây an toàn. Ví dụ, dây an toàn khi thắt sẽ ở ngang ngực người lớn nhưng sẽ ở ngang cổ của trẻ em; khi xảy ra va chạm, nó không thể giúp giữ trẻ an toàn mà ngược lại còn thắt vào cổ trẻ.
Ngoài ra, lực bung của túi khí khá mạnh khiến người lớn còn cảm thấy đau nên nếu trẻ bị văng về phía trước, mức độ ảnh hưởng của túi khí sẽ nặng hơn. Thậm chí, có thể đứa trẻ không bị tử vong do tai nạn mà lại thương vong vì va đập túi khí.
Đó chính là lý do mà hệ thống ghế an toàn trẻ em ISOFix được nghiên cứu. Đây được coi là tiêu chuẩn an toàn toàn cầu dành cho trẻ em mà xe ô tô hiện đại cần có. Hệ thống này được khởi xướng từ năm 1997 nhờ việc hợp tác của Volkswagen với Britax-Roemer, ISOFix đảm bảo 3 điểm an toàn dành cho trẻ em khi xảy ra va chạm. Ghế vừa có bảo hộ 2 bên dành cho trẻ em, vừa mang đến cảm giác thoải mái khi ngồi.
Hạn chế: ghế có thể giảm thiểu lực tác động va chạm nhưng không ngăn được tổn thương từ các mảnh vỡ văng ra.
3. Bảo hộ an toàn cho hành khách trên xe - Passenger Safety Cell
Hiện nay, hầu hết các hãng xe đều nghiên cứu thiết kế kết cấu xe đặc biệt nhằm hấp thu một phần lực tác động lên vị trí ngồi ở ghế hành khách khi tai nạn. Kết cấu xe này có tác dụng làm giảm nguy cơ biến dạng thân xe, giảm tác động lên người ngồi trong xe.
Mỗi hãng có cách gọi tên tính năng này khác nhau nhưng thông thường đều sử dụng kết hợp hợp kim thép – nhôm. Ví dụ, Hyundai gọi tính năng này là “Hive” còn Mazda lại đặt tên là “Skyactiv”.
Hạn chế: mức độ bảo vệ hiệu quả còn tùy thuộc vào từng loại va chạm.
4. Tính năng tự động liên lạc khi xảy ra tai nạn - Automatic Crash Response
Sau khi xảy ra va chạm, những người ngồi trong xe có thể mất khả năng liên lạc với gia đình hoặc tìm kiếm hỗ trợ. Lúc này cần đến tính năng tự động liên lạc khẩn cấp. Nhiều mẫu xe của GM và Ford có trang bị tính năng này. Người ngồi trong xe có thể sử dụng khẩu lệnh giọng nói, thông qua tính năng thông minh này để liên hệ giúp đỡ từ người thân hoặc cứu hộ. Nó có khả năng bật tín hiệu định vị để cứu hộ có thể dễ dàng xác định vị trí tìm kiếm. Một số hãng còn phát triển thêm khả năng tự động hú còi hoặc mở cửa.
III. Kết luận
Dù là công nghệ đảm bảo an toàn hoạt động chủ động hay bị động thì cũng chỉ để giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra va chạm cũng như mức độ thương vong khi đã xảy ra tai nạn chứ không thể loại bỏ hoàn toàn. Tài xế không nên quá ỷ lại vào các hệ thống này mà lơ là, mất tập trung khi lái xe.
Thu Ân
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tinh-nang-an-toan-o-to-doi-moi-can-co-chuc-nang-ho-tro-lai-va-bao-ve-thu-dong-ky-ii-a795.html