Nhân viên vay công ty tài chính lãi suất 45%, Sếp dính đòi nợ

Tại nghị trường Quốc hội ngày 8/6, đại biểu Quốc hội đã phản ánh với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các công ty tài chính đang gây bức xúc trong dư luận. Vụ việc dưới đây là một ví dụ điển hình.

 

Lãi suất cắt cổ 45%/năm

Theo quy định của pháp luật hiện nay, đối với các công ty tài chính, mức lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận và công ty tài chính sẽ được tự ấn định mức lãi suất cho vay riêng. Hơn hết, khi tự ấn định mức lãi suất, các công ty tài chính còn phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc các Công ty tài chính cho vay lãi suất cao hơn 20% theo quy định của Bộ luật Dân sự là không vi phạm pháp luật và không thể bị xử phạt.

Như vậy, người dân ít hiểu biết khi cần vốn nhỏ tiêu dùng sẽ vô hình chung vướng bẫy lãi suất cao ngất ngưỡng, và có trường hợp 45% - 60%/ năm, không thua kém tín dụng đen nhưng được đứng dưới một cái tên doanh nghiệp tài chính. Và các ngân hàng lớn sẽ khá khéo léo tránh tiếng bằng cách liên kết các công ty tài chính, nhưng thực chất cả hai gần như là một hoặc một sự liên doanh nào đó dễ mang đến sự nhầm lẫn cho khách hàng là những “con cừu” thiếu kiến thức.

Trong trường hợp này, "con cừu" chính là anh Lê Quốc Kha, ngụ tại Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Anh Kha cho biết mình ngồi làm việc tại văn phòng của ngân hàng MB Bank tại Cao Lãnh – Đồng Tháp, và anh vẫn ngỡ rằng mình vay của ngân hàng MB Bank, thông qua Công ty tài chính MB ShinSei. Hợp đồng vay 14.000.000 đồng với lãi suất 45%/năm, anh Kha còn bị ép mua Bảo hiểm với phí 770.000 đồng. 

Thế nhưng do chưa trả tiền vay, anh Kha đã mang đến rắc rối cho sếp cũ của mình vì số điện thoại di động của sếp cũ có trong danh bạ điện thoại của anh.

282060801-382716083670235-8946215495784791372-n-1654497075.jpg
Lãi suất lên tới 45%/năm, lại còn bị ép mua phí bảo hiểm...

 

Sếp cũ bị đòi nợ kiểu xã hội đen

Việc đòi nợ kiểu khủng bố không mới với những người vay qua App xuất phát từ những công ty tín dụng đen, nhưng đáng nói là bây giờ tồn tại ngay tại các công ty tài chính với tên gọi mỹ miều mang tính gây hiểu lầm và thường kết hợp với các ngân hàng có tên tuổi tại Việt Nam. Câu chuyện FE Credit và bây giờ là MB Credit.

Ông Phạm Thành Doanh – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh GK phản ánh : “Em Lê Quốc Kha là một nhân viên cũ của chúng tôi, hiện đã nghĩ việc. Tôi không hiểu vì lý do gì mà liên tục từ ngày 3/06/2022 – ngày 05/06/2022 tôi và vợ tôi liên tục bị các số điện thoại di động gọi yêu cầu tôi và vợ chồng tôi gọi anh Kha trả nợ? Sau khi tôi tìm hiểu thì gia đình em Kha và cá nhân em Kha xác định có vay từ “ngân hàng MB Bank” tại chi nhánh Cao Lãnh – Đồng Tháp. Tôi yêu cầu em Kha và gia đình cung cấp chứng từ, thì tôi mới vỡ lẽ ra là vay của công ty Tài Chính MB Shinsei, và gia đình em Kha và bản thân em vẫn đinh ninh là minh vay từ “ngân hàng MB” của VN.”

Như vậy, qua sự việc trên chúng ta có thể thấy rõ việc nhập nhằng từ tên gọi cũng như về cách làm việc tại trụ sở của chi nhánh ngân hàng MB tại Cao Lãnh – Đồng Tháp là một hành vi nhập nhằng tên gọi gây hiểu lầm với những người dân thiếu kiến thức.

Cũng theo phản ánh của ông Phạm Thành Doanh với Nhaquanly.vn, ngoài việc gọi điện thoại vào số điện thoại di dộng cá nhân của ông và vợ ông, thì danh bạ điện thoại của ông Doanh và vợ ông cũng không hiểu vì sao bị các đối tượng đòi nợ gọi đến bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng của doanh nghiệp ông Doanh đề hạ uy tín và nhờ những người này nhắn tin cho ông Doanh kêu gọi anh Kha trả nợ?

Theo tìm hiểu của Nhaquanly.vn, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei do ông Lê Quốc Ninh làm người đại diện pháp luật và có địa chỉ tại Tầng 9,10,11,12 Tòa nhà MB Bank, số 21 Cát Linh, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Được thành lập từ năm 2016, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei là công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Shinsei Bank (Nhật Bản).

mb-shinsei-1654502058.jpg
Lô gô của MCredit

Doanh nghiệp này tự giới thiệu trên trang Web của mình như sau:

“Mcredit là một công ty tài chính tiêu dùng với các sản phẩm chính là: Cho vay tiền mặt và Cho vay trả góp. Với lợi thế sản phẩm vượt trội, thủ tục xét duyệt nhanh gọn, dịch vụ chăm sóc hậu mãi tận tâm, lãi suất cạnh tranh và mạng lưới rộng khắp từ thành thị tới nông thôn giúp Mcredit nhanh chóng tiếp cận tới đông đảo khách hàng trong thời gian ngắn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng, Chúng tôi luôn mở rộng cửa chào đón nhân tài gia nhập đội ngũ. Bất kể bằng cấp, kinh nghiệm, vị trí địa lý, vv - Mcredit luôn có vị trí làm việc phù hợp với năng lực của bạn.

Với chế độ đãi ngộ cạnh tranh hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động. Chúng tôi không chỉ mang lại cho bạn lợi ích, mà còn mang đến cho bạn một cơ hội phát triển nghề nghiệp vững vàng và tiềm năng”.

Với những thông tin truy xuất trên mạng và sự giới thiệu như trên thì vai trò liên kết của MB Bank với Công ty Tài chính Shinsei có thể hiểu như thế nào?

Người xưa có câu “Oan có đầu, nợ có chủ”, ông Doanh và vợ ông không liên quan trong việc vay nợ của anh Kha thì câu chuyện đòi nợ này xuất phát từ đâu? Và làm cách nào người đòi nợ có được danh bạ số điện thoại của ông Doanh và vợ ông?

"Các doanh nghiệp tài chính cho vay đã và đang núp bóng dưới nhiều hình thức để đưa người dân ít kiến thức vào bẫy, và gián tiếp có những hành động thu hồi nợ bằng những phương pháp như kiểu “côn đồ” gắn mác ngân hàng.  Theo tôi, đã đến lúc cần báo động những hiện tượng bất nhân trong xã hội, đặc biệt trong giai đoạn cả nước và Chính phủ đang gồng mình khôi phục kinh tế", ông Doanh kiến nghị.

Công ty tài chính không được đe dọa khi đòi nợ

Ngày 8/6, tại nghị trường Quốc hội, khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đã phản ánh tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bội nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua app, qua công ty tài chính mà không trả nợ đúng hạn. "Thống đốc sẽ triển khai biện pháp nào để hạn chế các hành vi nêu trên", Đại biểu Thịnh chất vấn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng  cho hay, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần sửa đổi căn bản quy định của pháp luật.

"Hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty tài chính không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h", bà Hồng cho hay.

Nhật Tân

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhan-vien-vay-cong-ty-tai-chinh-lai-suat-45-sep-dinh-doi-no-a7944.html