IDS Equity Holdings - ông chủ mới của Tập đoàn Đại Dương là ai?

Sau nhiều năm cuộc chiến nội bộ cổ đông tại Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đã có kết quả với phần thắng nghiêng về IDS Equity Holdings - một quỹ đầu tư với nhiều thành viên HDQT là người Nhật. Ở phái ngược lại, những bóng dáng cuối cùng của người sáng lập Hà Văn Thắm dần biến mất khỏi Ocean Group.

oecean-group-1651576016.jpeg
 

Mới đây, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup - Mã chứng khoán: OGC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022.

Tại Đại hội bà Lê Thị Việt Nga đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT OGC. Bà Nga hiện tại đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH IDS Argo Servicer và là đại diện của IDS Equity Holdings – nhóm cổ đông đang nắm quyền chi phối tại tập đoàn (khoảng 51% cổ phần).

Chỉ hai tuần trước khi OceanGroup tổ chức ĐHĐCĐ năm 2022, hàng loạt nhân sự cấp cao và thành viên ban kiểm soát của công ty này đã đồng loạt nộp đơn từ nhiệm. Cụ thể, 3 thành viên HĐQT Ocean Group từ nhiệm theo nguyên vọng cá nhân gồm: Chủ tịch Mai Hữu Đạt, Phó chủ tịch Nguyễn Thành Trung và bà Nguyễn Mai Phương. Hai thành viên ban kiểm soát là bà Nguyễn Hương Nga và ông Nguyễn Thanh Tùng cũng từ nhiệm vì lý do tương tự.

Như vậy, những bóng dáng cuối cùng của người lãnh đạo một thời Hà Văn Thắm dần biến mất khỏi OGC.

Thực tế, OceanGroup được xem như đã ‘đổi chủ’ từ cuối năm 2020 khi nhóm cổ đông IDS Equity Holdings xuất hiện. Theo đó, nhóm này thâu tóm 51% cổ phần của OGC và 22,3% cổ phần tại công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (Mã: OCH).

OceanGroup hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và khách sạn, hiện công ty đang điều hành các khách sạn như: Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Ho Chi Minh City và Starcity Tây Hồ Hà Nội.. Ngoài ra, công ty còn sở hữu các thương hiệu bánh Givral và Kem Tràng Tiền.

OceanGroup - tập đoàn đa ngành tầm cỡ một thời của doanh nhân Hà Văn Thắm

Nhắc đến cái tên Đại Dương 10 năm trước là đề cập một tập đoàn đa ngành tầm cỡ, một cổ phiếu từng được xem như bluechip trên thị trường gắn với tên tuổi của doanh nhân Hà Văn Thắm

Ocean Group có vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng năm 2007, nhưng 3 năm sau đó, tập đoàn này đã tăng vốn lên 2.500 tỷ và tăng lên 3.000 tỷ đồng năm 2011. Ở thời kỳ đỉnh cao, cái tên "Ocean" được dùng chung cho gần chục công ty con hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng, truyền thông, chứng khoán, ngân hàng, thương mại...

doanh-nhan-ha-van-tham-1651560539.jpg

Tập đoàn Đại Dương dưới thời ông Hà Văn Thắm làm Chủ tịch kinh doanh đa dạng trong nhiều lĩnh vực: từ bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông...

Trong báo cáo thường niên năm 2010, ông Hà Văn Thắm gửi tới các cổ đông thông điệp "tập đoàn đã bước ra biển lớn" khi mã chứng khoán OGC được niêm yết trên HoSE. Cuối năm đó, tổng tài sản của Ocean Group đạt gần 7.500 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2010 đạt lần lượt 1.570 tỷ và 785 tỷ đồng, đứng trong nhóm những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán.

Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của Ocean Group đạt hơn 11.400 tỷ với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 3.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank và Ocean Group vướng vòng lao lý cuối năm 2014, tập đoàn này như rơi vào tâm bão với nhiều khó khăn chồng chất. 

Ở thời kỳ "hậu Hà Văn Thắm", hoạt động của Ocean Group chỉ xoay quanh điệp khúc thua lỗ và bán tài sản. Kết thúc năm 2014, tập đoàn này lỗ sau thuế gần 2.548 tỷ đồng. Năm 2015, tập đoàn này đã ghi nhận lợi nhuận gần 700 tỷ nhưng là nhờ bán cổ phần công ty con liên quan đến một dự án bất động sản. Những năm sau đó, vòng xoáy thua lỗ kéo tổng tài sản OGC giảm hơn nửa, lỗ lũy kế gần hết vốn điều lệ. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu OGC có thời điểm rơi về mức thấp nhất còn hơn 1.000 đồng một cổ phiếu.

Những phiên họp thường niên ở giai đoạn không còn người thuyền trưởng cũng chỉ xoay quanh những chỉ trích của cổ đông, những lời hứa của ban lãnh đạo nhưng ít năm nào được thực hiện.

Ngã rẽ chỉ đến vào giữa năm 2018 khi nhóm cổ đông mới xuất hiện nhưng cũng kéo theo những vụ kiện tụng qua lại liên tục xoay quanh tính pháp lý các phiên họp cổ đông, tư cách cổ đông của doanh nghiệp đại diện cho ông Hà Văn Thắm và những người liên quan.

Tiềm lực của IDS Equity Holdings - ông chủ mới của Ocean Group

IDS Equity Holdings là công ty quản lý tài sản rủi ro và chuyên đầu tư vào những doanh nghiệp bị định giá thấp tại Việt Nam. Theo tìm hiểu, IDS Equity Holdings tiền thân là doanh nghiệp Việt nam hoạt động từ năm 1986, hoạt động trong dịch vụ in ấn. Vào năm 2014, Leadvisors đã đầu tư vào IDS và bắt đầu hợp nhất tất cả các khoản đầu tư chính.

Năm 2017, Leadvisors đã nắm giữ quyền sở hữu chi phối tại IDS. Năm 2018, Samurai Power đã bắt tay với Leadvisors để chuyển đổi IDS thành công ty hàng đầu trong việc mua lại, tái cấu trúc và thúc đẩy tăng trưởng của các công ty dẫn đầu bởi những người lãnh đạo xuất sắc, có nhiều tiềm năng nhưng đang được định giá thấp.

occean-4329-1606297157-1651553397.png

Năm 2017, Leadvisors đã nắm giữ quyền sở hữu chi phối tại IDS

IDS chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định và nhiều tiềm năng, đồng thời có sự phòng vệ rủi ro vững chắc từ tài sản và bất động sản của doanh nghiệp.

IDS Equity Holdings đang đầu tư trong 3 lĩnh vực gồm: đầu tư cổ phần, đầu tư NPL (Non-Performing Loans – các khoản nợ xấu) và phát triển bất động sản. Đặc biệt, IDS là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép cho hoạt động kinh doanh NPL. Bằng cách hợp tác với Samurai Power và Argo Holdings - các công ty Nhật Bản hàng đầu trong công tác tái cơ cấu và xử lý nợ, IDS là sự pha trộn giữa chuyên môn về mặt tài chính, dòng vốn và đội ngũ giàu kinh nghiệm để giải quyết danh mục NPL tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực thể thao, IDS Equity Holdings cũng sở hữu Hanoi Buffaloes, một đội bóng rổ chuyên nghiệp thi đấu tại VBA League.

Trong lĩnh vực giáo dục, IDS Equity Holdings đang vận hành hệ thống trường mẫu giáo Ivykids International, trường mầm non SuperKids, IvyKids, Tomoe, Fuji, Thần đồng Việt...

screenshot-3-1651559394.jpg

 HĐQT IDS Equity Holdings

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc của công ty là ông Lê Minh Thành. Ông có bằng Cử nhân từ Marriot School of Management, Đại học Brigham Young.

Theo giới thiệu, ông có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị điều hành cho các tập đoàn lớn, tổ chức tài chính, doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam và Mỹ như: Merrill Lynch, Protiviti, Logan-Rockefeller Global và Leadvisors. Ông đã thực hiện thành công nhiều giao dịch có giá trị lớn cho các tập đoàn tư nhân tại Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, ông còn Chủ tịch và thành viên HĐQT tại nhiều doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết. Tại những công ty này, ông trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch và quản trị điều hành.

Ngoài ông Thành, 3 trong 5 thành viên HĐQT của IDS là những nhà đầu tư người Nhật. 

Đó chính là ông Nobuyuki Matsukura là thành viên HĐQT của IDS Equity Holdings, đại diện cho Tập đoàn Samurai Power – Đối tác Nhật Bản chiến lược của IDS.

Ông có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển và vận hành bất động sản, huy động vốn, xử lý nợ xấu và quản trị doanh nghiệp tại nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Philippines, Campuchia, Myanmar, Singapore và Việt Nam.

Hiện tại ông cũng là Giám đốc điều hành tại nhiều tập đoàn lớn (cả niêm yết và không niêm yết) bao gồm Công ty TNHH Raysum - Doanh nghiệp niêm yết tại Nhật Bản chuyên tái cấu trúc nợ xấu và đầu tư bất động sản.

Ông Matsukura có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh từ Columbia Business School, Đại học Columbia, Hoa Kỳ.

Người Nhật thứ 2 ở IDS là cựu Thống đốc Japan Bank for International Cooperation (JBIC), tổ chức tài chính chuyên thực thi các chính sách, được sở hữu 100% bởi chính phủ Nhật Bản. Trước đó, ông từng là Giám đốc Điều hành (Giám đốc bên ngoài) từ tháng 04 năm 2012.

Trước khi gia nhập JBIC, ông từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp tư nhân, bao gồm: Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Fuji Fire và Công ty Marine Insurance, Phó chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn AIG Japan và Sony.

Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với Ngân hàng Sumitomo (hiện tại là Sumitomo-Mitsui Banking Corporation, SMBC) vào năm 1967 và sau đó trở thành Giám đốc Điều hành vào cuối thập kỷ 90. Trong sự nghiệp của ông tại Ngân hàng Sumitomo, ông đã có 13 năm công tác tại New York bắt đầu từ năm 1985, lúc đó ông là Giám đốc bộ phận Thị trường vốn, đồng thời là Giám đốc điều hành cho bộ phận Thâm nhập thị trường Mỹ và Châu Âu của Ngân hàng Sumitomo. Ông có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực tài trợ vốn xuyên biên giới và thị trường vốn quốc tế.

Ông tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Tokyo năm 1967 và đạt bằng Cao đẳng từ Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quốc Tế năm 1971, trường đại học được thành lập bởi chính phủ Nhật Bản.

Người Nhật cuối cùng trong HĐQT IDS  là ông Hirotaka Todo. Ông là người sáng lập tập đoàn Argo, đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đại diện của tập đoàn. Trong vòng 7 năm thành lập, ông đã đưa công ty trở thành công ty tư nhân xử lý nợ xấu hàng đầu tại Nhật Bản. 

Ông có 23 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực: M&A, tái cấu trúc doanh nghiệp, xử lý nợ, đầu tư công ty nước ngoài, bất động sản, cho vay.

Trước đó, ông đã từng có 7 năm kinh nghiệm tại Ngân hàng Shinsei, chuyên cấp tín dụng cho doanh nghiệp và thu hồi nợ xấu. Ông cũng tham gia vào các thương vụ M&A, đầu tư tái cấu trúc và cho vay hơn 30 doanh nghiệp. Ông có hơn 10 năm kinh nghiêm quản trị một công ty niêm yết trên Sàn chứng khoán Tokyo. Ông tốt nghiệp ngành Kinh tế Quốc tế, Khoa kinh tế tại Đại học Yokohama National.

Yến Nhi

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ids-equity-holdings-ong-chu-moi-cua-tap-doan-dai-duong-la-ai-a7709.html