Suốt nhiều năm, "kỳ phùng địch thủ" của Coteccons trong ngành xây dựng là Hòa Bình. Tuy nhiên sau một thời gian dài bị Coteccons áp đảo về cả vốn hóa, doanh thu, lợi nhuận thì đến nay Hòa Bình đã vượt qua trên nhiều tiêu chí.
Hòa Bình: Mục tiêu doanh thu 17.500 đồng, lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, HBC đặt mục tiêu tổng doanh thu là 17.500 đồng, lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng; tăng lần lượt 54,1% và 261% so với kết quả năm 2021.
Ngoài ra, HBC cũng đưa ra kế hoạch với chỉ tiêu trúng thầu là 20.000 tỷ đồng, trong đó chỉ tiêu trúng thầu dân dụng là 15.000 tỷ đồng và chỉ tiêu trúng thầu công nghiệp 5.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ ông Lê Viết Hiếu – Tổng Giám Đốc Hòa Bình cho biết tính đến thời điểm hiện tại, Hòa Bình đã đạt được gần 50% kế hoạch trúng thầu. Còn về doanh thu hợp nhất backlog (hợp đồng chuyển tiếp) của năm 2021 là khoảng 16.000 tỷ đồng và có ghi nhận 11.000 tỷ đồng trong số này. Do vậy, kế hoạch doanh thu 17.500 đồng là một kế hoạch hoàn toàn khả thi.
Về chỉ tiêu lợi nhuận 350 tỷ đồng, CEO Lê Viết Hiếu cũng cho biết đây là một con số khá tham vọng so với thực tế đang phải đối mặt nhất là trong bối cảnh thị trường gặp phải nhiều thách thức như: giá nguyên vật liệu xây dựng tăng vì nguy cơ đứng gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của căng thẳng Nga – Ukraine, lãi suất ngân hàng tăng, vấn đề trượt giá nhân công…
Để thực hiện kế hoạch tham vọng này, Hòa Bình sẽ đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro khi giá vật liệu xây dựng tăng cao. Cụ thể, đối nhà cung cấp, nhà thầu phụ Hòa Bình luôn chủ động đặt hàng trước khi dự đoán được giá vật tư, vật liệu sẽ tăng. Riêng đối với mặt hàng thép, Hòa Bình có mối quan hệ tốt với nhà cung cấp nên có thể nhận được cơ chế ưu đãi. Mặc dù vậy vẫn khá hạn chế khi chỉ có ưu đãi từ nhà cung cấp thép, còn đối với những nguyên liệu khó mua trước như: nhôm, inox… Hòa Bình sẽ đàm phán lại với chủ đầu tư để hỗ trợ khoản trượt giá như cách Hòa Bình đã hỗ trợ cho các chủ đầu tư những năm trước đó.
Đặc biệt, bên cạnh lĩnh vực xây dựng thì Hòa Bình cũng có những dự án bất động sản đang thực hiện thoái vốn sẽ đóng góp vào lợi nhuận. Điển hình như dự án Ascent Garden Home hiện tại HBC đã gần hoàn tất thoái vốn và chuyển giao cho đối tác mới là Gotec Land. Vì vậy, theo ông Lê Viết Hiếu “dù lợi nhuận năm nay đặt ra khá là thách thức nhưng cũng không phải là không thể thực hiện được”.
Năm 2022 được xác định là năm bản lề để Hòa Bình tạo đà “vươn ra biển lớn”, hướng đến mục tiêu doanh thu dự kiến 20 tỷ USD và lợi nhuận là 1 tỷ USD vào 2032. Theo Chủ tịch Lê Viết Hải, Hòa Bình đã có tốc độ phát triển nhanh và ổn định, doanh thu tăng đều đặn mỗi 5 năm gấp 5 lần, trong suốt 3 thập niên từ 1988 đến 2018. Mục tiêu chiến lược trong thập niên tới là khôi phục tốc độ tăng trưởng đó.
Đồng thời, người đứng đầu Hòa Bình cũng chia sẻ rằng muốn lãi 1 tỷ USD thì phải ra nước ngoài. Tham vọng ra nước ngoài của Hoà Bình có từ nhiều năm trước tuy nhiên trong 2 năm đại dịch, Hòa Bình cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình biến động về tài chính của tập đoàn. Do tình hình thị trường xấu trong đại dịch nên Hòa Bình tạm ngưng vốn cho các dự án nước ngoài để đảm bảo nguồn vốn vận hành cho các dự án trong nước.
Theo kế hoạch của HBC, dự kiến trong quý II/2022, các văn phòng công ty thành viên của Hòa Bình tại Sydney và Brisbane sẽ mở cửa để bắt đầu các hoạt động tại Úc. Đến quý IV/2022 sẽ triển khai xây dựng dự án tại khu vực Great Sydney và New South Wales. Đồng thời, tham gia vào công tác xây dựng tại Brisbane và Gold Coast nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Brisbane sẽ diễn ra vào năm 2032.
Cũng trong quý II/2022, công ty thành viên của tập đoàn và cũng là công ty đầu tiên của Hòa Bình tại Hoa Kỳ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động tại Texas. Cách tiếp cận với các thị trường mới của HBC sẽ theo hướng tăng trưởng tự nhiên hoặc M&A.
"Hòa Bình cần tiếp tục khẳng định vị thế là nhà thầu xây dựng hàng đầu ở thị trường nội địa và đưa thương hiệu Hòa Bình vững bước trên thị trường quốc tế", Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình ông Lê Viết Hải kỳ vọng.
Đồng thời ông cũng gửi thông điệp: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trên chặng đường phía trước chắc chắn vẫn còn nhiều chông gai nhưng đó sẽ luôn là động lực giúp Hòa Bình vững vàng vượt qua những giới hạn của chính mình để tiếp tục làm nên những kỳ tích".
Về phía CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD), năm nay công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần là 15.010 tỷ đồng, tăng trưởng 165% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 20 tỷ đồng – thấp hơn cả mức lợi nhuận trong năm ngoái mà công ty này đạt được.
Kết quả kinh doanh trong năm 2021 của Coteccons khá "bết bát" với doanh thu đạt 9.077 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch. Trong đó lợi nhuận sau thuế chỉ 24 tỷ đồng, hoàn thành 7% kế hoạch – đây là một mức thấp chưa từng có của công ty này.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Coteccons hoạt động hoàn toàn dưới sự điều hành của ban lãnh đạo mới do ông Bolat Duisenov làm Chủ tịch HĐQT. Theo lý giải, mức lợi nhuận của Coteccons thấp như vậy là do các nguyên nhân như: doanh nghiệp đã chịu tác động bởi cuộc tái cấu trúc, thay đổi cơ cấu nhân sự cấp cao, ảnh hưởng dịch bệnh làm cho hàng loạt những công trường trọng điểm phải đóng cửa trong suốt 4 tháng giãn cách xã hội, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu….
Việc đặt ra kế hoạch mục tiêu lợi nhuận năm 2022 thấp như vậy của Coteccons cũng đã trở thành chủ đề được quan tâm nhiều nhất tại ĐHĐCĐ năm nay. Giải thích về vấn đề này, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết công ty đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi vì phải nhìn vào toàn cảnh thị trường xây dựng với nhiều yếu tố khó khăn như: giá vật liệu xây dựng tăng, nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, ưu tiên các phúc lợi để đảm bảo cuộc sống cán bộ nhân viên…
Đồng thời Chủ tịch HĐQT Coteccons cũng chia sẻ thêm khi giá vật liệu tăng thì nhiều đơn vị cắt giảm chi phí dẫn tới ảnh hưởng chất lượng xây dựng nhưng Coteccons là thầu xây dựng cần đảm bảo chất lượng và bàn giao đúng tiến bộ.
Bên cạnh đó, Coteccons có kinh nghiệm và nhìn ra nợ xấu luôn phát sinh, do đó cần phải lập dự phòng tài chính. Theo ông Bolat Duisenov, dù trích lập dự phòng ảnh hưởng đến lợi nhuận nhưng là một việc phải làm để đảm bảo sự bền vững về cấu trúc tài chính cho công ty trong tương lai.
Theo bà Mai Lê - Kế toán trưởng Coteccons, khoản trích lập dự kiến trong năm nay ước tính khoảng 95 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp không trích lập thì lợi nhuận có thể là đạt 115 tỷ đồng.
Cùng với sự rời đi của nhà sáng lập ông Nguyễn Bá Dương vào thời điểm tháng 10/2020, hàng loạt nhân sự trung và cao cấp - những người từng “vào sinh, ra tử” với Coteccons trong nhiều năm cũng đã rời tập đoàn. Hệ quả của việc này là Coteccons phải thực hiện tái cấu trúc công ty với rất nhiều khó khăn đến từ bên trong lẫn bên ngoài.
Trái ngược với Hòa Bình xác định năm 2022 là cột mốc quan trọng để tập đoàn này thực hiện chiến lược tiến ra thị trường nước ngoài thì phía Coteccons lại xác định đây là năm để “củng cố nội tại” và tập trung vào hai mục tiêu chính là nâng cao chất lượng hệ thống quản trị công ty và giữ chân nhân tài.
Cụ thể, với mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống quản trị công ty, năm 2021, Coteccons đã chính thức đưa vào vận hành Hệ thống phần mềm Quản trị doanh nghiệp (ERP). Đây là một hệ xương sống quản trị (theo tiêu chuẩn quốc tế IFRS) bao gồm phân hệ quản lý dự án, tài chính, nguồn vốn, ngân sách, kế toán quản trị, bán hàng, mua sắm, vật tư, báo cáo tài chính quốc tế.
Trong năm nay, Coteccons sẽ tiếp tục kiện toàn và triển khai các giai đoạn tiếp theo của hệ thống để có thể quản lý hiệu quả doanh thu, chi phí trên từng dự án và tổng thể dự án, phân tích và dự báo hiệu quả của các dự án để có quyết định đầu tư, triển khai tối ưu.
Với việc giữ chân nhân tài, Coteccons sẽ tiếp tục duy trì các chế độ cho nhân sự trong giai đoạn thị trường hứng chịu thiệt hại do dịch Covid nhằm duy trì nguồn nhân sự và chăm lo cho đời sống của cán bộ nhân viên. Theo Coteccons, công ty luôn xác định con người là trọng tâm để phát triển bền vững, là nền tảng để bứt phá trong nhiều năm về sau này.
"Coteccons sẽ không chạy theo việc giảm giá để lấy dự án mà chọn chiến lược tối ưu đầu vào và đấu thầu tập trung vào thời điểm, tập trung nhân sự trên đa nền tảng Design & Build, kết cấu, an toàn, giải pháp thi công, công nghệ để thuyết phục chủ đầu tư", ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh.
Yến Nhi
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thay-gi-qua-so-lieu-cua-hai-ky-phung-dich-thu-hoa-binh-va-coteccons-a7677.html