Công ty Cổ phần Trần Doãn (gọi tắt là Trần Doãn Group, trụ sở tại 539 Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM) do ông Trần Ngọc Doanh làm Tổng giám đốc ký hợp đồng thuê mặt bằng của Công ty Cổ phần Gamuda Land (dưới đây gọi tắt là Gamuda Land) ở quận Tân Phú; giá thuê là hơn 332 triệu đồng/ tháng; thời hạn thuê 15 năm. Hợp đồng thuê ký vào cuối tháng 1/2019.
Sau đó, lấy lý do Trần Doãn Group chậm thanh toán tiền thuê mặt bằng, Gamuda Land đã thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với doanh nghiệp này. Phía Trần Doãn cho rằng mình đề nghị Gamuda Land giảm tiền thuê mặt bằng là phù hợp thực tế do dịch Coivd gây ra, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh của họ. Đồng thời, Trần Doãn nại cớ dịch Covid là trường hợp bất khả kháng nên họ yêu cầu Gamuda Land áp dụng quy định về trường hợp bất khả kháng vào hợp đồng- thương vụ của họ.
Tuy nhiên, phía Gamuda Land thẳng thừng từ chối yêu cầu này của Trần Doãn Group. Lý do, theo phía Gamuda Land đưa ra để lý giải, phản bác Trần Doãn là vì trong hợp đồng ký kết giữa hai bên, không ghi điều khoản dịch bệnh là thuộc trường hợp bất khả kháng.
Còn theo quy định của pháp luật dân sự cũng chỉ có một số trường hợp được mặc định, quy định là trường hợp bất khả kháng, như: Thiên tai, chiến tranh… nhưng không hề ghi rõ, “bỏ ngỏ” quy định dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng.
Ngoài ra, khi phản hồi cho phía Trần Doãn, Gamuda Land viện dẫn áp mục 12.4 điều 12 của Hợp đồng trên, và bác bỏ yêu cầu của Trần Doãn. Theo đó, quy định nêu trên cho rằng, nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá 3 tháng thì hợp đồng có thể chấp dứt bởi một trong các bên. Một bên chỉ cần thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Trần Doãn Group. Do đó, Gamuda Land cho rằng, yêu cầu của Trần Doãn không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ để xem xét nên phía Gamuda Land không áp dụng, không chấp thuận.
Theo thông tin trên báo chí, ông Trần Ngọc Doanh- Chủ tịch HĐQT của Trần Doãn Group cho rằng, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng tại mặt bằng đã thuê của Gamuda Land và mới hoạt độnh kinh doanh được 2,5 năm. Nay Gamuda Land chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, thu hồi mặt bằng sẽ gây thiệt hại lớn cho Trần Doãn Group về kinh tế hàng trăm tỷ đồng cho Trần Doãn. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh và cả uy tín của phía Trần Doãn Group.
Bình luận về vụ việc này, một luật sư (đề nghị không nêu tên) cho biết: Dựa trên nội dung vụ việc mà báo chí đăng tải, có thể thấy phía Trần Doãn Group đã có sự “non nớt” về mặt pháp lý khi ký hợp đồng mà không tiên lượng đến các rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ phát sinh các hậu quả trong tương lai.
Họ bị đối tác “qua mặt” khi không ghi rõ, định nghĩa, giải thích chi tiết về khái niệm, thuật ngữ pháp lý “trường hợp bất khả kháng” vào trong hợp đồng. Lẽ ra cần mô tả kỹ vào hợp đồng về các trường hợp bất khả kháng có bao gồm những trường hợp nào.
Ngoài ra, còn cần đưa vô các ràng buộc về điều kiện khó khăn trở ngại khách quan cho hoàn cảnh thay đổi gây khó khăn khi các bên thực hiện hợp đồng, thì trách nhiệm hai bên sẽ ra sao, có bị phạt hay bồi thường hợp đồng hay không?…
“Giao dịch dân sự là sự thỏa thuận tự nguyện của các bên. Trừ các điều bị pháp luật cấm thực hiện, còn nói chung các bên đều có quyền ghi vào hợp đồng nếu thấy cần thiết và phù hợp, thấy cần làm rõ về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng. Từ đó mới có thể loại trừ phần nào các nguy cơ có thể có, tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong trường hơp này, do chủ quan và thiếu sự nhận định tỉnh táo sáng suốt, Trần Doãn Group đã bị đối tác “gài bẫy” hợp đồng nên phát sinh thiệt hại kinh tế. Đây là một điều rất đáng tiếc”- vị luật sư này nói.
Hiện nay Trần Doãn Group đã kiện Gamuda Land đòi bồi thường thiệt hại. Và vụ việc này sẽ ảnh hưởng và gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, uy tín thương hiệu của Trần Doãn Group.
Lê Huy
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bi-doi-tac-gai-bay-tran-doan-group-doi-dien-nguy-co-thiet-hai-hang-tram-ty-dong-a7667.html