Số tiền không được hai bên tiết lộ do quy định về bảo mật.
Tại
thị trường Việt Nam, Warburg Pincus (WP) mới chỉ có bốn khoản đầu tư
bao gồm Vincom Retail, Lodgis, Techcombank và BW Industrial Development
JSC và không có khoản đầu tư nào WP rót vốn dưới 100 triệu USD.
MoMo là công ty thứ năm tại Việt Nam nhận vốn từ WP. Đại diện MoMo cho
biết số tiền mà Warburg Pincus đầu tư vào ứng dụng ví điện tử này có thể
nói là con số cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài
đầu tư cho lĩnh vực Fintech và Thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đây
là vòng gọi vốn thứ ba của MoMo. Trước đó công ty đã gọi vốn thành công
28 triệu USD từ các định chế tài chính hàng đầu thế giới như
Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity.
Thông tin từ MoMo cho biết đến thời điểm hiện tại ứng dụng này có tổng cộng 10 triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất năm 2018. Khối lượng giao dịch thông qua MoMo đã tăng gấp ba trong năm vừa qua. MoMo cũng là fintech duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 100 fintech thế giới do KPMG công bố.
“2018 là một năm có nhiều chuyển biến ngoạn mục của MoMo. Chúng tôi đã ghi nhận số lượng giao dịch và con số khách hàng đăng ký sử dụng đạt mức lớn nhất từ trước đến nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng thị phần của mình, giữ vững vị trí siêu ứng dụng ví điện tử số 1 tại Việt Nam”, ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc MoMo chia sẻ.
Mặc dù không tham gia điều hành, với khoản đầu tư của mình, WP sẽ cử người tham gia hội đồng quản trị của MoMo, đại diện MoMo cho biết. Với số tiền thu về từ WP, MoMo tiếp tục đầu tư vào công nghệ, mở rộng mạng lưới khách hàng và đối tác, tăng điểm tiếp nhận MoMo và đầu tư vào nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu tốt nhất của người dùng.
Thanh toán không tiền mặt, mục tiêu do thủ tướng chính phủ đề ra đến năm 2020 đang là cơ hội cho các fintech như MoMo phát triển mạnh mẽ. Hiện thị trường Việt Nam có gần 30 ví điện tử được cấp phép hoạt động.
Linh Anh