Diễn đàn Kinh tế năm 2022: Chính quyền, doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi số

Sáng 15-4, Diễn đàn Kinh tế năm 2022 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai" đã được khai mạc tại TP.HCM.

TP.HCM và cơ hội lớn để thúc đẩy chuyển đổi số

Diễn đàn là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP.HCM chủ trì tổ chức nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm trên địa bàn.

Sự kiện có sự góp mặt của hơn 900 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao, lãnh đạo của các tổ chức, định chế tài chính lớn như WB, IMF, IFC, ADB…

dien-dan-kinh-te-2022-1-1650033846.jpg

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc Diễn dàn Kinh tế 2022

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết: Diễn đàn năm nay tổ chức trong bối cảnh kinh tế - xã hội thành phố đang phục hồi mạnh mẽ sau một năm bị khủng hoảng trầm trọng do đại dịch COVID-19. Đồng thời với đó, sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ, đến mức lấn áp nền kinh tế truyền thống.

"Đại dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Song cũng chính từ trong ứng phó với dịch, môi trường chuyển đổi số có cơ hội phát triển mạnh mẽ phục vụ công tác phòng, chống dịch, giảm tác động tiêu cực từ đại dịch", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, kinh tế số chiếm 40% GRDP.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội đồng lý luận trung ương cũng nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc đột phá thể chế, nguồn lực, phát triển hạ tầng để thúc đẩy kinh tế số.

Cụ thể, ông Thắng nhận định thành phố có nhiều lợi thế, là nơi khởi xướng nhiều đột phá, có quy mô nền kinh tế lớn. Thành phố cũng là một trung tâm đổi mới sáng tạo, có đội ngũ nhân lực dồi dào trong đó có sự kết nối rộng rãi với đội ngũ nhà khoa học trong và ngoài nước, và có tỉ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại di động cao nhất nước.

dien-dan-kinh-te-2022-2-1650033846.jpg

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 900 đại biểu

Trong phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị TP.HCM tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế thực, từ đó tạo ra nền tảng, bệ phóng bền vững cho nền kinh tế số.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM rà soát những bất cập về thể chế, giải quyết điểm nghẽn phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao nhận thức của nguồn lực tham gia vào hoạt động chuyển đổi số, chuyển biến nhận thực thật sự từ bộ máy chính quyền.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn, an ninh mạng trong bối cảnh thế giới đầy biến động cũng nội dung quan trọng mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý TP.HCM cần quan tâm khi thực hiện các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số.

Doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền thành phố

Ngoài mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, Diễn dàn Kinh tế năm 2022   sự kiện còn là cơ hội để các doanh nghiệp trình diễn, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số đã chứng minh được tính hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. Sự kiện có sự góp mặt của nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ đến từ các "ông lớn" trong ngành như: FPT, Viettel, VNPT, FSI... 

dien-dan-kinh-te-2022-31-1650033923.jpg

Diễn dàn Kinh tế 2022 là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu những giải pháp chuyển đổi số hiệu quả

Ông Bùi Ngọc Bình – Phó Giám Đốc FSI Chi Nhánh HCM chia sẻ đây là trách nhiệm lớn lao và vinh dự của doanh nghiệp khi đồng hành hỗ trợ TP. HCM chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật.

“Với năng lực công nghệ và đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, FSI mong muốn đồng hành cùng TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung thực hiện hóa mục tiêu phát triển kinh tế số của Việt Nam và TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 gồm những trụ cột: nhân lực số; công nghệ số, hạ tầng số; thể chế số; kinh tế số trong lĩnh vực tài chính.

Bên cạnh đó, FSI cũng cam kết sẽ đồng hành và dành nhiều ưu đãi trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ phục vụ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại địa bàn TP. HCM.”, ông Bình khẳng định.

Ông Bình cho biết tại sự kiện lần này, FSI đem tới các giải pháp gồm: Hệ thống tự động hóa doanh nghiệp WEONE (được xếp hạng 5 sao tại giải thưởng Sao Khuê 2022) giúp doanh nghiệp chuyển đổi số đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành; công nghệ VIONE chuyển đổi file âm thanh, giọng nói tiếng Việt sang văn bản với độ chính xác lên tới 98% và nền tảng công nghệ số DIONE giúp các đơn vị triển khai triển khai xử lý, tạo lập cơ sở dữ liệu lớn, chất lượng cao trong thời gian ngắn với chi phí tiết kiệm.

Phạm Sơn

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dien-dan-kinh-te-nam-2022-chinh-quyen-doanh-nghiep-dong-hanh-chuyen-doi-so-a7570.html