Công ty WTO – doanh nghiệp vừa đăng ký đầu tư lớn nhất vào Hóc Môn với khu đô thị trị giá 1,8 tỷ USD là ai?

Dự án xây dựng khu đô thị mới, dịch vụ thương mại kết hợp du lịch giải trí trị giá 1,8 tỷ USD (tương đương 43.240 tỷ đồng) tại Hóc Môn của Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất của huyện Hóc Môn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi diễn ra vào ngày 12/4, TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào hai địa phương này với tổng giá trị gần 17 tỷ USD.

Cụ thể, TP. HCM đã trao 10 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369.104 triệu USD (tương đương 8.489 tỷ đồng) và 39 Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16.572 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng).

Đáng chú ý nhất là dự án xây dựng khu đô thị mới, dịch vụ thương mại kết hợp du lịch giải trí trị giá 1.880 tỷ USD (tương đương 43.240 tỷ đồng) tại Hóc Môn của Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO). Đây cũng là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất của huyện Hóc Môn trong Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này.

Về Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) trước đây còn có tên gọi là Vietracimex. Theo giới thiệu, tiền thân của công ty này là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 2006, đơn vị này cổ phần hóa thành Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) trong đó ông Võ Nhật Thăng có phần góp vốn chiếm tỷ lệ 93,37%. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa của đơn vị này bị Thanh tra Chính phủ kết luận là có nhiều sai phạm. Cụ thể, tại thời điểm đó ông Võ Nhật Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn nhà nước) đã tự ý sử dụng quyền chi phối của cổ đông lớn để chỉ đạo Vietracimex hoạt động không theo đúng chủ trương, phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, huy động thêm vốn góp… đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cập nhật đến ngày 21/7/2020, công ty này có vốn điều lệ hơn 8.510 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT của công ty là ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959). Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, WTO hiện tại sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.

wto-2-1649931495.PNGÔng Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) 

‘Ông trùm’ trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng

Bất động sản và năng lượng được xem là 2 lĩnh vực mũi nhọn của WTO. Đối với mảng bất động sản, công ty này là chủ đầu tư của một loạt dự án lớn như: dự án Hinode City tại địa chỉ 201 Minh Khai, Hà Nội; KĐT Kim Chung – Di Trạch Hoài Đức, Hà Nội; dự án Phạm Hùng (Mỹ Đình, Hà Nội); Hanoi Golf Club (Sóc Sơn, Hà Nội)… Bên cạnh đó, Vietracimex còn sở hữu 2 lô đất ở Hà Nội tại số 926 đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng với diện tích 8.534,8 m2 và lô đất tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn rộng 29.204 m2.

Tại TP.HCM, WTO cũng là chủ đầu tư của hàng loạt các dự án như: KĐT Bình Khánh; Lô 2 (1.570 căn hộ) khu tái định cư 38,4ha tại KĐT mới Thủ Thiêm; dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long quy mô 41,87 ha (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM)… Ngoài ra công ty này đang xây dựng một số tổ hợp khách sạn tại các tỉnh, thành khác như: dự án Sunrise VNT Phú Quốc, Trung tâm văn phòng và khách sạn 5 sao Lạng Sơn…

Tuy nhiên, một số dự án bất động sản của WTO cũng dính phải nhiều “lùm xùm”. Điển hình như dự án Hinode City tại địa chỉ 201 Minh Khai đã bị phạt với hàng loạt sai phạm từ vi phạm trật tự xây dựng đến PCCC, theo nguồn tin từ Vietnamnet. Cụ thể, tháng 9/2019, chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai đã bị xử phạt do “Tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp; tháng 7/2020 bị phạt vì đã thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC…

vacm-pctm-night-slide-1649931766.jpgPhối cảnh dự án Hinode City

WTO cũng là một “tay chơi” lớn trong lĩnh vực năng lượng, hiện nay doanh nghiệp đã và đang đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió.

Trong lĩnh vực thủy điện, công ty này nổi tiếng với các dự án như: thuỷ điện Tà Thàng tại Lào Cai công suất 60MW, vốn đầu tư 2.147 tỷ đồng; thuỷ điện Bắc Mê công suất 45MW, vốn đầu tư 2.394 tỷ đồng; thủy điện Mỹ Lý, công suất 180 MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng; thủy điện Nậm Mô 1, công suất 90 MW, tổng mức đầu tư 4.128 tỷ đồng; thuỷ điện Đạ Dâng - Đa Chomo công suất 24MW, vốn đầu tư 653 tỷ đồng…

Trong lĩnh vực điện mặt trời, WTO đang đầu tư 2 dự án tại tỉnh Bình Thuận là nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2 với tổng mức đầu tư xấp xỉ 7.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty này cũng đầu tư vào nhà máy điện gió Hòa Thắng 1,2 tại tỉnh Bình Thuận. Gần đây nhất vào đầu năm 2021, WTO cũng chính thức khởi công Dự án Điện gió Cà Mau 1 – giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng với công suất 350 MW, bao gồm 4 nhà máy 1A, 1B, 1C và 1D, được xây dựng trên biển thuộc các xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi và xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn.

Cập nhật kết quả kinh doanh, theo dữ liệu từ VietTimes cho thấy, trong vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Vietracimex không được khả quan khi khoản doanh thu liên tục sụt giảm mạnh. Đáng chú ý vào năm 2016, WTO báo lỗ 1,36 tỷ đồng.

wto-1-1649931489.pngMột số chỉ tiêu tài chính của Vietracimex (nay là WTO). Nguồn: VietTimes

Gần đây nhất vào năm 2019, WTO ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.561 tỷ đồng, lãi 41 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của WTO là 19.265 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu ở mức 5.635 tỷ đồng. Có thể thấy doanh thu và lợi nhuận của công ty này chưa thực sự tương xứng với quy mô tài sản.

Mi Mi

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cong-ty-wto-doanh-nghiep-vua-dang-ky-dau-tu-lon-nhat-vao-hoc-mon-voi-khu-do-thi-tri-gia-18-ty-usd-la-ai-a7562.html