Sau khi Thủ tướng Chính phủ liên tiếp có công điện yêu cầu rà soát và xử lý những bất cập, các vụ việc bị cơ quan chức năng xử lý thì cắc chắn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn mới ổn định và an toàn. Tốc độ phát triển dự báo sẽ có phần chậm lại để phát triển bền vững hơn.
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng, Chuyên gia luật về tài chính ngân hàng khi trao đổi về ứng xử cần có của nhà đầu tư trên thị trường TPDN, nhất là sau khi có rủi ro bộc lộ như trường hợp 9 đợt trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với giá trị hơn 10.000 tỷ đồng vừa bị hủy bỏ, cũng như một số trường hợp bị phát hiện và xử phạt cuối năm 2021.
TPDN là công cụ để huy động vốn, thông thường là trung, dài hạn. Doanh nghiệp (DN) phát hành là bên đi vay, người mua trái phiếu (trái chủ) là bên cho vay. Sau khi mua trái phiếu thì các trái chủ có thể chuyển nhượng trái phiếu của mình cho người khác (trái chủ mới). Từ một nghiệp vụ huy động vốn của DN, đã hình thành các hoạt động mua và bán trái phiếu sau khi phát hành trên thị trường.
Để bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu, pháp luật quy định về điều kiện, trách nhiệm công bố thông tin trung thực, minh bạch khi DN phát hành trái phiếu. Rủi ro của trái phiếu chính là khả năng hoàn trả của DN, khả năng hoàn trả phụ thuộc vào khả năng tài chính của DN, tài sản bảo đảm của trái phiếu.
Là người nhiều năm đảm nhận các vị trí cấp cao tại một số ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, việc đánh giá tài sản bảo đảm phải dựa trên các yếu tố: Tài sản có thuộc sở hữu của DN hay không, giá trị được xác định như thế nào, quản lý tài sản thế nào trong thời hạn của trái phiếu, khả năng xử lý tài sản để thu hồi vốn khi DN không có khả năng thanh toán.
Với những điểm cơ bản trên, chuyên gia Nguyễn Duy Hưng cho rằng, nhà đầu đầu tư trái phiếu đầu tiên phải có những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm nhất định trước khi cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư. Bởi vì, trái phiếu có rủi ro cao thì mức sinh lời lớn, ngược lại, trái phiếu có rủi ro thấp thì mức sinh lời thấp, lúc nào cũng có rủi ro. Tiếp theo là nhà đầu tư phải chủ động và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trước khi đầu tư.
Vị chuyên gia này dẫn một ví dụ về báo cáo tài chính, năm 2001, Enron Corporation, một công ty năng lượng của Mỹ có trụ sở tại Houston, Texas với tài sản hàng chục tỷ đô la đã phá sản, gây thiệt hại cho các cổ đông. Báo cáo tài chính của Enron được kiểm toán có nhiều sai phạm. Trước đó, có rất nhiều chuyên gia, tổ chức tư vấn vẫn khuyên nhà đầu tư mua cổ phiếu công ty này. Sự kiện này dẫn đến Công ty kiểm toán Arthur Andersen, một trong 5 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới phải giải thể (4 công ty kiểm toán khác là PWC, KPMG, Deloitte và Ernst and Young).
"Cho dù các vụ việc đã xảy ra, thị trường TPDN tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vì đó là nhu cầu khách quan của thị trường", ông Hưng nói.
Chính vì vậy, để xây dựng một thị trường TPDN minh bạch, rõ ràng thì cần ngày một hoàn thiện các quy định pháp lý chặt chẽ để xây dựng khuôn khổ, quy tắc cho thị trường TPDN. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc, linh hoạt để khi xây dựng các quy định pháp lý tránh việc làm tăng các thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động của thị trường.
Nói về quy định và khuôn khổ pháp lý cho thị trường TPDN khi gắn với năng lực thực thi trên thực tiễn, chuyên gia Nguyễn Duy Hưng nêu góc nhìn: "Nếu quy định pháp lý chặt chẽ nhưng năng lực quản lý của bộ máy còn hạn chế chắc chắn sẽ khó bảo vệ được nhà đầu tư cũng như gây cản trở sự phát triển của thị trường. Do đó, quan trọng nhất của khuôn khổ pháp lý với thị trường trái phiếu là các quy định nhằm bảo đảm các thông tin được công bố trung thực, chính xác, công khai và đúng thời điểm, đặc biệt các quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm. Trên cơ sở các thông tin được công bố và có thể tiếp cận, nhà đầu tư cân nhắc quyết định đầu tư trên cơ sở xác định và chấp nhận rủi ro".
Ông Hưng cũng cho rằng niềm tin của nhà đầu tư là cơ sở để thị trường TPDN phát triển. Niềm tin này được xây dựng trên cơ sở nhà đầu tư được tiếp cận các thông tin trung thực, chính xác, công khai và đúng thời điểm, đồng thời, quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
"Bảo vệ quyền lợi, niềm tin của nhà đầu tư không có nghĩa là Nhà nước bảo đảm thu hồi đủ vốn cho nhà đầu tư, chịu rủi ro cho nhà đầu tư. Kinh nghiệm, hiểu biết, sự lựa chọn, cân nhắc tính toán của các nhà đầu tư là yếu tố trọng yếu để thị trường trái phiếu phát triển", ông Nguyễn Duy Hưng nêu ý kiến.
Trong dài hạn, kênh TPDN được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực cung ứng vốn cho kênh tín dụng ngân hàng. Nhu cầu vốn vay qua phát hành TPDN dự kiến vẫn ở mức cao trong bối cảnh nền kinh tế được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển trong năm 2022-2023.
Mở rộng ra thị trường vốn, chuyên gia nguyên kinh tế của HSBC Devendra Joshi nhận định: "Mọi người thường nghĩ tới Việt Nam như một câu chuyện đầu tư tốt nhưng lại không thể đầu tư – thị trường quá nhỏ, có quá ít cổ phiếu và tính thanh khoản kém. Ấn tượng này tồn tại nhiều năm đối với một số quỹ rất lớn. Nhưng đối với nhiều nhà đầu tư khác, điều này lại không đúng. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó mà làm ngơ Việt Nam lâu hơn nữa".
Ông Devendra Joshi cho rằng "Quan điểm của chúng tôi là thị trường Việt Nam đang được chuẩn bị cho một chu kỳ tăng giá trong nhiều năm. Chỉ số VN-Index hoạt động tốt hơn các chỉ số khác trong khu vực kể từ năm 2015. Với đà tăng trưởng mạnh của thị trường, tôi tin rằng các nhà đầu tư không cần phải cố gắng để tạo ra lợi nhuận danh mục trên mức chuẩn của chỉ số. Từ những kết quả trong quá khứ, tốt hơn hết, nên bám sát các công ty dẫn đầu. Ngoài ra, các cổ phiếu vốn hóa lớn là lựa chọn tốt nhất để xử lý sự gián đoạn do dịch COVID-19 gây ra và sẽ được hưởng lợi từ triển vọng kinh tế dài hạn sáng sủa của đất nước".
Bên cạnh nhu cầu, xu hướng thị trường, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và những vụ việc bị xử lý gần đây cũng là một "má phanh" cần thiết để chấn chỉnh, sàng lọc và lành mạnh hóa thị trường để hướng đến sự phát triển bền vững hơn. Với "má phanh" này, cơ hội sẽ dành cho các TPDN chất lượng.
Trong báo cáo cập nhật nhanh từ vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động đa chiều đến khả năng huy động vốn của nhóm DN cùng ngành trên khi nhà đầu tư sẽ có góc nhìn chọn lọc kỹ càng hơn rất nhiều. Và ở một khía cạnh khác, sự kiện này là cơ hội để các sản phẩm trái phiếu DN chất lượng khẳng định được chỗ đứng với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo nhận định của VCBS, các động thái gần đây của các cơ quan quản lý với các sai phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán sẽ góp phần thanh lọc thị trường, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói riêng và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung.
Lê Nguyễn
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/co-hoi-cho-cac-san-pham-trai-phieu-doanh-nghiep-chat-luong-a7546.html