Năm 2010, Luật Khoáng sản ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 với nhiều quy định đổi mới đã giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, trong đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, sự quản lý của Trung ương trong việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Thế nhưng, thực tế cho đến nay việc khai thác tài nguyên khoáng sản cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong quản lý, khiến cho nạn chảy máu khoáng sản vẫn diễn ra rầm rộ tại một số địa phương.
Đơn cử, tại tỉnh Hòa Bình, với địa thế có nhiều đồi núi, cùng với nhu cầu san gạt mặt bằng hạ cốt đồi để sản xuất và chăn nuôi tăng cao, nhiều trường hợp đã lợi dụng những dự án cải tạo đất để làm “lá chắn”, ngang nhiên khai thác đất trái phép. Thực trạng này đang diễn ra trên địa bàn xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Theo phản ánh của một số người dân, tại đây việc khai thác đất đang diễn ra rầm rộ, lối vào khu mỏ đất nằm giáp ngay mặt đường Hồ Chí Minh, được trải đường bê tông dài khoảng 500m và có hàng rào barie canh gác cẩn mật, người ngoài không thể vào bên trong. Bên trong khu mỏ đất như một “đại công trường” với các loại máy móc và xe cộ hoạt động rầm rộ. Mỗi ngày có cả trăm lượt xe tải vào “ăn đất”, gần như tất cả các xe này đều cơi nới thành thùng, chở quá khổ quá tải.
Qua tìm hiểu, ngày 03/12/2021, UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép số 47/GP-UBND về Khai thác đất san, lấp (Công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy), người đứng tên giấy phép là hộ gia đình bà Bùi Thị Ẹm. Vị trí khai thác thửa đất số 201, bản đồ số 01 tại xóm Hợp Nhất diện tích 10.000m2, thời gian khai thác 09 tháng…
Văn bản này nêu rõ, phần đất dôi dư được vận chuyển phục vụ cho dự án Xây dựng thao trường huấn luyện Trường sĩ quan chính trị tỉnh Hòa Bình (có địa chỉ tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn).
Tại mục 3 điều 2 nêu rõ: “Phối hợp với đơn vị thi công thực hiện khai thác theo phương án đã phê duyệt; khối lượng đất dôi dư được phép khai thác chỉ để phục vụ cho Dự án xây dựng thao trường huấn luyện Trường sĩ quan chính trị tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn” và mục 7 điều 2 có nội dung: “Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, cải tạo mặt bằng”.
Tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, dường như việc hạ cốt nền để lấy mặt bằng sản xuất nông nghiệp chỉ là cái cớ để khai thác tài nguyên mang đi tiêu thụ thương mại. Hằng ngày, những đoàn xe tại đây nối đuôi nhau vào “ăn” đất, sau đó lần lượt chở đi các ngả đường, một số xe vận chuyển đất về khu vực Tế Tiếu, Vân Đình (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), số khác thì vận chuyển về bến thủy nội địa tại sông Bôi (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). Số đất trên dường như được mang đi tiêu thụ thương mại thay vì vận chuyển đến phục vụ cho dự án Xây dựng thao trường huấn luyện Trường sĩ quan chính trị tỉnh Hòa Bình.
Để xảy ra tình trạng này, phần nhiều là do công tác quản lý của chính quyền địa phương còn buông lỏng và chưa thực sự sát sao trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát địa bàn. Việc lợi dụng cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền đất nông nghiệp để khai thác đất trái phép, hoặc sai mục đích cấp phép là vi phạm các quy định của Nhà nước. Việc này không chỉ gây thất thoát một lượng ngân sách lớn cho Nhà nước mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, phá vỡ quy hoạch sử dụng tài nguyên khoáng sản ở các địa phương.
Để làm rõ sự việc đang diễn ra tại xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, ngày 22/3/2022, phóng viên Nhà Quản Lý đã liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND xã Bảo Hiệu và UBND huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên nhiều tuần trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ các cơ quan trên.
Nhà Quản Lý sẽ tiếp tục thông tin về việc này.
Phạm Hiển - Thùy Linh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-khai-thac-tai-nguyen-nhin-tu-viec-ha-cot-nen-tai-tinh-hoa-binh-a7543.html