Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm góp phần đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng, có thể kể đến như: Luật xây dựng 2014; Thông tư số 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình;…
Tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành có quy định về khái niệm an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Theo đó, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu cần đề ra kế hoạch chung về an toàn lao động và được chủ đầu tư thông qua. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn lao động liên quan tới phần việc của mình. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu sẽ quản lý công tác thực hiện an toàn lao động của nhà thầu phụ.
Chủ đầu tư đảm trách nhiệm vụ phối hợp các nhà thầu với nhau trong việc giám sát an toàn lao động, cũng như giải quyết các vấn đề về an toàn lao động phát sinh khi thi công.
Nhiệm vụ, trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng đều được quy định cụ thể và rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, công tác quản lý, giám sát an toàn vẫn bị các nhà thầu cũng như chủ đầu tư xem nhẹ và hậu quả là hàng nghìn vụ tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn xảy ra mỗi năm.
Theo số liệu thống kê của Cục An toàn Lao động, trong năm 2021, trên cả nước đã xảy ra 6.504 vụ TNLĐ làm 6.658 người bị nạn, có 749 vụ TNLĐ gây chết người, 786 người tử vong vì TNLĐ, số người bị TNLĐ nặng là 1.485 người. Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2021 là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Buông lỏng công tác quản lý, giám sát an toàn tại dự án Cải tạo Trường thể thao thiếu niên 10/10
Thực tế cho thấy, tình trạng mất ATLĐ vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các công trình xây dựng. Đơn cử như tại công trình Cải tạo, chống xuống cấp Trường thể thao thiếu niên 10/10 (địa chỉ tại Khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội). Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Tràng An.
Ghi nhận tại công trường cho thấy, dù có chỉ huy công trường giám sát nhưng công nhân vẫn thường xuyên lao động trong tình trạng không có bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, công trường cũng không gắn các biển báo nguy hiểm hay lưới chắn an toàn…
Vào vai người có nhu cầu xin việc nhưng không có bằng cấp, chúng tôi được chỉ huy công trường thuộc Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Tràng An hướng dẫn, “Nếu đi làm ở đây tôi nhận lao động tự do, trả lương theo tháng, chấm công theo ngày, không cần hồ sơ. Ban đầu sẽ làm giúp việc và hỗ trợ thợ chính tại công trường. Ở đây có những tổ đội khoán, do chủ khoán theo từng đầu việc quản lý, công ty chỉ quản lý các chủ đội khoán chứ không quản lý trực tiếp công nhân”.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng, quy chuẩn QCVN 18:2021/BXD quy định các yêu cầu về kỹ thuật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình cho người ở công trường xây dựng và khu vực lân cận công trường xây dựng.
Đáng chú ý, Quy chuẩn mới đã bổ sung các yếu tố có hại ảnh hưởng đến người lao động và buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người lao động đối với các công việc mà người lao động có nguy cơ gặp phải các yếu tố hoặc nguy cơ gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động theo các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và y tế.
Trong xây dựng, vấn đề ATLĐ luôn phải được đặt lên hàng đầu, công tác quản lý phải xuyên suốt có hệ thống, không thể chờ đợi sự tự giác ở cá nhân hay nhóm người nào. Tuy nhiên, theo lời của chỉ huy công trường dự án Cải tạo Trường thể thao thiếu niên 10/10, trách nhiệm an toàn ở đây lại thuộc về chủ những nhóm đội khoán chứ không phải của nhà thầu thi công hay chủ đầu tư.
Đáng lưu ý, việc sẵn sàng nhận người lao động mà không yêu cầu bằng cấp hay hồ sơ giấy tờ gì cũng đặt ra câu hỏi về hợp đồng lao động giữa công nhân với nhà thầu xây dựng. Phải chăng những công nhân làm việc tại công trường này đều chỉ là công nhân tự do và không được kí kết hợp đồng lao động? Nếu xảy ra rủi ro hay sự cố gì, liệu quyền lợi của họ có được đảm bảo hay không?
Những vấn đề trên đang cho thấy rõ sự chủ quan và buông lỏng quản lý, giám sát ATLĐ của chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án xây dựng quận Ba Đình và nhà thầu thi công - Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Tràng An.
Tình trạng TNLĐ ở nước ta đang ở ngưỡng cao so với các nước trong khu vực, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự coi nhẹ, không có biện pháp bảo vệ an toàn, làm việc qua loa, sơ sài của người lao động và người sử dụng lao động. Hậu quả nặng nề của TNLĐ để lại không chỉ về tính mạng con người mà về cả mặt kinh tế. Do đó, cần sự vào cuộc tích cực hơn của các cơ quan có thẩm quyền và có những biện pháp xử phạt thích đáng cho các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện không đúng các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo về Tháng an toàn vệ sinh lao động Trung ương năm 2022, Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết chủ đề tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Các sở, ban, ngành phối hợp thanh, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động trong các ngành, nghề có nhiều nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như xây dựng, điện, khai khoáng, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.
Mai Tuyết – Thùy Linh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thay-gi-qua-cong-tac-quan-ly-giam-sat-an-toan-tai-du-an-cai-tao-truong-the-thao-thieu-nien-1010-a7537.html