Nhà đầu tư nước ngoài muốn thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa hơn nữa

Sau gần 20 năm thành lập, thị trường chứng khoán Việt nam hiện vẫn đang được xếp hạng thị trường cận biên, mà chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng các tổ chức xếp hạng thị trường FTSE và MSCI muốn TTCK Việt Nam mở cửa hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài. Cơ quan quản lý TTCK Việt Nam lo ngại một sự đổ vỡ nếu mở cửa thị trường như kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài.

Đai diện Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đưa ví dụ nhà đầu tư nước ngoài muốn được vay margin (vay một phần tiền để mua chứng khoán) như các nhà đầu tư trong nước, đồng thời đề nghị được thanh toán chậm khi mua chứng khoán, vào ngày chứng khoán về tài khoản (2 ngày sau khi đặt lệnh mua)

Những quy định dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, tránh những cú sốc không đáng có. Ông Sơn cho biết Việt Nam chào đón nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam, tuy nhiên, họ phải mang tiền thực rót vào thị trường, không thể chấp nhận việc họ mang một phần nhỏ tiền vào thị trường, và vay tiền của người Việt để đầu tư vào TTCK Việt Nam. Nguồn vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài, cùng với vay margin sẽ khuếch đại sức mạnh tài chính của họ lên gấp nhiều lần nữa, có thể gây lũng đoạn thị trường, trong khi nền kinh tế không được hưởng nhiều lợi ích từ các khoản đầu tư đó.

Về việc thanh toán chậm khi mua chứng khoán (thanh toán T+2), ông Sơn cho biết sẽ rất khó xử khi tại thời điểm chứng khoán chưa về tài khoản, nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút vốn, sẽ không đảm bảo thanh toán vào ngày T+2 như dự định.

Một vấn đề khác trong việc mở cửa thị trường là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam hiện vẫn đang bị giới hạn tại một số doanh nghiệp, một số ngành nghề, ngăn cản họ mua thêm cổ phần tại các doanh nghiệp niêm yết. Với ngành ngân hàng, tỷ lệ 30% được cho là “không thể khác”. Tuy nhiên, các ngành nghề khác đang được xem xét, và trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp niêm yết đã quyết định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 100% cổ phần. Việc nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài cần sự phối hợp giữa các bộ ngành, không phải là công việc của riêng Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Luật doanh nghiệp đang dự kiến bổ sung một sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán, là chứng khoán lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) - được kỳ vọng sẽ tháo gỡ phần nào vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài.

Để được nâng hạng thị trường, “các chỉ tiêu định lượng chúng ta đáp ứng đủ rồi, chỉ còn các chỉ tiêu định tính” - ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ tại cuộc họp thổng kết TTCK Việt Nam 2019, và cho biết trong các đợt xem xét tới, TTCK Việt Nam sẽ có cơ hội.

Việc chưa được nâng hạng khiến các chứng khoán trên TTCK Việt Nam bỏ lỡ cơ hội được các quỹ đầu tư quốc tế đưa vào danh mục chứng khoán mua vào, thị trường mất cơ hội đón những khoản vốn hàng tỉ USD. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bản Việt, nếu được FTSE và MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam có thể thu hút gần 1,2 tỉ USD từ các quỹ đầu tư thụ động, các quỹ phân bổ các khoản đầu tư dựa vào mức độ uy tín của từng thị trường.

Minh Thư

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-muon-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-mo-cua-hon-nua-a752.html