Ngân hàng nào đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất?
Báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, do Công ty Chứng khoán SSI mới công bố cho thấy, các doanh nghiệp đã phát hành 723 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, tăng 56% so với 2020. Vậy ngân hàng nào đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất?
Mới đây Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Cụ thể 3 công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông và Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022. Các doanh nghiệp này đều là các công ty chưa đại chúng.
Theo quyết định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Quyết định huỷ này là chưa từng có tiền lệ, sau khi Tân Hoàng Minh đã huy động thành công, nhận tiền từ các trái chủ.
Với quyết định này, các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu phải dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong 9 đợt chào bán này.
Từ câu chuyện của Tân Hoàng Minh và thực trạng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, có thể thấy, với vai trò người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang nắm một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, trong đó chiếm tỷ lệ cao là của các doanh nghiệp bất động sản.
Báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, do Công ty CP Chứng khoán SSI mới công bố cho thấy, các doanh nghiệp đã phát hành 723 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, tăng 56% so với 2020.
Vietcombank là một trong những nhà băng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021.
Tại NamABank, mức tăng trưởng thậm chí ghi nhận tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm qua bao gồm OCB (91%), TPBank (65%), ABBank (58%), MB (53%), VIB (49%),…
Tuy nhiên, Techcombank vẫn đang là ngân hàng đứng đầu hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 62.809 tỷ đồng, tăng 16.081 tỷ đồng, tương đương 34,4% so với con số cuối năm 2020. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng tới 11% trong tổng tài sản của nhà băng, cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng trung bình 2,6% của nhóm khảo sát.
MBB đang đứng vị trí thứ hai, với lượng trái phiếu doanh nghiệp trị giá 42.962 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm, chiếm gần 7,1% tổng tài sản. Ngân hàng cho biết, các trái phiếu này có kỳ hạn từ 2 tháng đến 15 năm, với lãi suất dao động từ 6,5% đến 11,1%/năm.
VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cũng là những ngân hàng đang nắm lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, với giá trị trên 10.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Một số ngân hàng nhỏ cũng đang nắm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, như tại ABBank, cuối năm 2021 ngân hàng này đang có 9.503 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 58% so với cùng kỳ và chiếm tới 7,8% tổng tài sản.
Một điểm đáng chú ý, theo số liệu của SSI, tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo tương đối cao. Đến cuối năm 2021, số trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu chiếm tới 53% tổng trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính phát hành.
Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172,5 nghìn tỷ đồng - chiếm 54,2% lượng phát hành 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33 nghìn tỷ đồng (10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.
Điều này theo đó, có thể gây rủi ro lớn cho trái chủ, mà cụ thể ở đây là các ngân hàng thương mại trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp không được đảm bảo, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn sẽ không thể trả được nợ gốc và lãi.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...
Tuy nhiên thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới hơn 700.000 tỷ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2021.
Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Mới đây ngày 5/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Theo cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an, ngoài ông Đỗ Anh Dũng cơ quan chức năng cũng ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối 06 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Gồm các ông: Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh;
Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Phùng Thế Tính, Nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
Kết quả điều tra ban đầu đã xác định: trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 03 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.