Những dịch chuyển trong ngành bán lẻ

Thị trường tăng trưởng nhanh và đều đặn, đang đặt ra thách thức mới cho các nhà bán lẻ Việt Nam.

Tại sự kiện "Dữ liệu và công nghệ trong Tương lai của Bán lẻ" diễn ra ngày 19.12, ông Vũ Ngọc Tâm - Tổng thư ký toà soạn Tạp chí Nhà Quản Lý, Giám đốc The Manager Intelligence Unit (MIU), đã có bài trình bày chia sẻ góc nhìn tổng quan về "Chuyển động ngành bán lẻ và vai trò của dữ liệu". 

Nền kinh tế tăng trưởng ổn định tạo động lực lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam

Sự kiện "Dữ liệu và công nghệ trong Tương lai của Bán lẻ" được tổ chức sau một năm 2019 đầy sôi động của ngành bán lẻ. Tập đoàn Vingroup chuyển giao chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+ cho tập đoàn Masan, đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy Vinpro, sáp nhập trang thương mại Adayroi với VinID. Cũng trong thời điểm này, Sài Gòn Co.op - đơn vị sở hữu các chuỗi bán lẻ như Co.opmart, Co.opFood ký kết hợp tác toàn diện với Momo. Thị trường đang có một sự chuyển động rất nhanh, chuỗi cũ chuyển giao và những công ty mới như MoMo tạo động lực cho các mô hình mới tham gia vào thị trường.

x

Tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam duy trì mức cao, trên 10% trong vòng gần 20 năm qua, theo Tổng cục Thống kê. Theo báo cáo mới của World Bank, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8% năm 2019, đứng thứ hai khu vực Đông Á. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở tỉ lệ 3%. Việt Nam cũng là quốc gia có ngành tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, cùng sự nổi lên mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, sự xuất hiện của thế hệ Y và thế hệ Z - đang dần chiếm tỉ lệ lớn trong thị trường tiêu dùng. 

Về mặt số lượng nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường, các nền tảng thương mại điện tử có vẻ đang yếu thế so với các chuỗi bán lẻ, với sự tham gia của cả thương hiệu nước ngoài như 7-Eleven, FamilyMart, Guardian, lẫn thương hiệu trong nước Thế Giới Di Động, FPT Retail,... Phân loại theo mặt hàng, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, bách hóa, và cửa hàng điện tử đang chiếm ưu thế. 

Về kênh bán lẻ, trong khi số lượng chợ truyền thống đang giảm dần, thì số lượng trung tâm thương mại, siêu thị tăng dần. Động lực bán lẻ đã lan ra từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sang các thành phố “hạng 2” khác như Bình Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng.

Ông Vũ Ngọc Tâm trình bày tại sự kiện "Dữ liệu và công nghệ trong tương lai ngành bán lẻ" sáng ngày 19.12 - Ảnh: Tín Phùng
Ông Vũ Ngọc Tâm trình bày tại sự kiện "Dữ liệu và công nghệ trong tương lai ngành bán lẻ" sáng ngày 19.12 - Ảnh: Tín Phùng
Dữ liệu và công nghệ định hình tương lai bán lẻ

Người tiêu dùng đang trải nghiệm đa kênh trong làn sóng mobile và internet. Hệ quả tất yếu khiến nhu cầu đa dạng hơn. Các nhà bán lẻ phải đối mặt với sự phân mảnh về nhu cầu. Đồng thời, yêu cầu của khách hàng đã thay đổi. Họ yêu cầu sản phẩm - dịch vụ phải tiện lợi hơn (convenience). Thế hệ Y và Z không còn trung thành với nhãn hàng yêu thích vì họ muốn thử những điều mới (disloyalty). Điều thứ ba cùng chịu tác động bởi tầng lớp tiêu dùng mới là cá nhân hóa (personalization). Trong những năm qua, hạ tầng bán lẻ cũng thay đổi đáng kể, nhờ sự tham gia tích cực của các công ty logistics thế hệ mới như Giao Hàng Nhanh, Ahamove, Grab,... và các công ty fintech như MoMo, VNPay,... 

Trong tương lai, trung tâm thương mại buộc phải trở nên tập trung hơn nếu muốn thu về nhiều lượt khách hàng hơn. Đồng thời mô hình này cũng đẩy về khu vực ngoại ô và giữ lại một vài trung tâm đầu não trong nội ô. Những thay đổi này đòi hỏi nhà bán lẻ phải vận hành thực thụ, chính xác. Theo nhận định của chuyên gia bán lẻ tại Mỹ, Jon Bird, đây là thời đổi vai của bán lẻ. Những công ty mới đang quay về tập trung xây dựng cửa hàng thực, trong khi những nhà bán lẻ kiểu mới đầu tư những thứ mới (so với họ) như thương mại điện tử, công nghệ. 

Trong khi siêu thị truyền thống vẫn phải đầu tư duy trì cửa hàng online để không bị bỏ phía sau, thì nhiều công ty hàng tiêu dùng cố gắng phân phối trực tiếp tới người tiêu dùng. Điều này phát sinh chi phí chuyển đổi rất lớn về vận hành. Cùng với đó, một trong những yếu tố quan trọng là tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Điều này sẽ được quyết định bởi dữ liệu. Dữ liệu truyền thống tập trung vào thống kê số lớn, nhận diện nhóm khách hàng, tập trung vào các thông số cơ bản như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp,... và thường phát sinh sau khi mua hàng. Trong khi đó, dữ liệu kiểu mới giúp nhà bán lẻ hiểu từng khách hàng, biết thông tin về khách hàng kể cả khi họ chưa quyết định mua hàng. Với công nghệ, khách hàng chỉ bước vào hoặc đi ngang qua cửa hàng, cũng đã phát sinh dữ liệu. Trong dữ liệu kiểu mới, các nguồn dữ liệu khác nhau (từ các bộ phận như sale, marketing, chăm sóc khách hàng,...) cũng được liên kết với nhau. 

Dữ liệu giúp định hình tương lai bán lẻ, bởi công nghệ xử lý dữ liệu sẽ giúp cho nhà bán lẻ giải quyết bài toán "chiến thắng từng khách hàng", chứ không đơn thuần là một nhóm khách hàng. Nhìn chung, các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ đang ở trong giai đoạn chuẩn bị để thu thập dữ liệu. Họ cũng đang phải đối mặt với việc chi phí vận hành và bán hàng tăng cao, do nhu cầu của khách hàng ngày càng phân mảnh hơn. Các nhà bán lẻ phải bán hết vòng đời của khách hàng. Tương lai yêu cầu nhà bán lẻ phải thay đổi nhanh. Ngoài ra, bởi dữ liệu và công nghệ sẽ là điều bắt buộc, nên doanh nghiệp tại Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với chính sách bảo mật thông tin và dữ liệu khách hàng, như đang diễn ra tại Mỹ và châu Âu. Cùng với đó, những xu hướng dịch chuyển mới, như New Retail, Smart Retail, sẽ diễn ra chậm rãi và vững chắc trên thị trường.

New Retail: Tương lai của bán lẻ dưới tác động của dữ liệu và công nghệ

Thời gian qua, chúng ta đã nghe nhắc nhiều đến cụm từ "New Retail". Mới đây, sau khi giải thể chuỗi cửa hàng điện máy VinPro và sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi.com vào VinID, tập đoàn Vingroup lần đầu tiên chia sẻ định hướng mới - xây dựng mô hình New Retail. Đối với Vingroup, New Retail là "kết hợp bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O)", CEO tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang nói với báo chí.
Giữa năm nay, ông Đinh Anh Huân, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Seedcom cũng cho biết về việc đang theo duổi mô hình New Retail. Đối với Chủ tịch Seedcom, New Retail là "làm sao để ứng dụng công nghệ vào phục vụ khách hàng bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào".

New Retail "sinh ra ở Trung Quốc và tiến ra toàn cầu" - như nhan đề cuốn sách cùng tên "New Retail: Born in China, Going global". Cụm từ này lần đầu tiên được nhắc đến bởi Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba trong bức thư gửi cổ đông năm 2017. Tại Trung Quốc, Alibaba đã tiên phong xây dựng một mô hình New Retail rất cảm hứng, với hệ sinh thái toàn diện bao gồm: siêu thị bán lẻ (HEMA), nền tảng thương mại điện tử (Taobao), ví điện tử (AliPay), dịch vụ logistics (ele.me),...

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác, như chuyên gia bán lẻ Jon Bird cho rằng, thực ra "New Retail" không hề mới. Chưa kể, mỗi người có thể đưa ra một định nghĩa khác nhau về khái niệm này.

Vì vậy, chúng tôi muốn tiếp cận New Retail như một cụm lần đầu tiên đề cập và gợi cảm hứng từ nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Alibaba, để miêu tả tương lai của ngành bán lẻ với việc tăng cường ứng dụng công nghệ và tạo hệ sinh thái. New Retail ở đây là một mô hình mới, một phương pháp và cách thức mới, để chúng ta có thể tiếp cận trong tương lai của bán lẻ - một ngành biến đổi không ngừng.

Vũ Ngọc Tâm - Thư ký toà soạn Tạp chí Nhà Quản Lý, dẫn nhập phiên thảo luận "Tương lai của ngành bán lẻ mới (New Retail) dưới tác động của công nghệ xử lý dữ liệu", tại sự kiện Dữ liệu và Công nghệ trong Tương lai của bán lẻ, do Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức tại TP.HCM ngày 19.12.

Dâng Phạm (lược ghi)

dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhung-dich-chuyen-trong-nganh-ban-le-a751.html