Tương lai của ngành bán lẻ: Tạo hệ sinh thái hay là chết?

Giám đốc mảng Social Payment, Ví điện tử MoMo cho rằng nếu không có hệ sinh thái giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn, doanh nghiệp bán lẻ sẽ bị đào thải.

Dẫn câu chuyện "nóng hổi" của Vingroup, khi doanh nghiệp này vừa rút khỏi mảng bán lẻ trực tiếp và tuyên bố nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình “New Retail”, ông Nguyễn Xuân Trường (Trường Bomi) Giám đốc mảng Social Payment, Ví điện tử MoMo bàn về tương lai của bán lẻ tại hội thảo cùng tên do Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức ngày 19.12, tại TP.HCM.

Mô hình "New Retail" được nhắc tới lần đầu bởi Jack Ma, người sáng lập Alibaba năm 2017. Thực tế, theo ông Trường, Alibaba đã làm rất thành công. Alibaba xây dựng được một hệ sinh thái mà ông nói đùa rằng "ngoài Alibaba còn 40 tên cướp nữa". Ở đây, 40 tên cướp là các nền tảng hỗ trợ trải nghiệm khách hàng, mang lại sự tiện lợi và giữ khách hàng ở lại lâu hơn với nhà bán lẻ.

Dù chậm hơn nước bạn chuyển động này đang diễn ra tại Việt Nam. Vingroup khai tử cửa hàng Vinpro, chuyển nhượng hệ thống VinMart, VinMart+ và sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi.com vào VinID - một ứng dụng tích hợp nhiều chức năng của Vingroup. Đặc biệt với sự xuất hiện của One Mount Group (OMG) - doanh nghiệp Vingroup nắm 51% cổ phần tham gia vào lĩnh vực vận chuyển. "Câu chuyện ở đây là New Retail. Dù không còn trực tiếp bán lẻ nhưng Vingroup vẫn tập trung nhiều vào chuyển đổi số cho mục tiêu bán lẻ trong tương lai", ông Trường nhìn nhận.

Ông Nguyễn Xuân Trường nói về New Retail.
Ông Nguyễn Xuân Trường nói về New Retail.

Ông cho rằng tương lai của ngành bán lẻ trong thập kỷ tới dành cho những đơn vị xây dựng được hệ sinh thái vững chắc xung quanh mình, lôi kéo người dùng ở lại càng nhiều càng tốt. Nếu không, họ sẽ bị kết liễu.

"Không quan trọng xuất phát của doanh nghiệp bạn từ đâu, tất cả đều phải hướng tới mở rộng hệ sinh thái của mình bằng cách cung cấp những giá trị khác biệt về thương mại điện tử, nội dung truyền thông… Ví dụ MoMo xuất phát từ fintech, có mở rộng được hệ sinh thái hay không sẽ quyết định tương lai của MoMo", ông Trường nói.

Thị trường Việt Nam đang định hình các thành phần khác nhau của hệ sinh thái. Có những đơn vị cung cấp giải pháp kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến - New Retail. Khách hàng có thể mua online nhưng trải nghiệm offline nhờ các nền tảng giao hàng giải quyết bài toán về logistics. Cấu phần khác của hệ sinh thái là các đơn vị thanh toán như MoMo, ZaloPay và các đơn vị đảm bảo cho dữ liệu thông suốt như các ứng dụng nền tảng Now, Grab… Sự bắt tay giữa nhà bán lẻ, fintech và logistics tất yếu.

Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ, theo ông Trường cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số để tối ưu. Chia sẻ trải nghiệm hài lòng về một hệ thống cắt tóc đã ứng dụng công nghệ giúp khách hàng đặt chỗ tiện lợi, ông Trường nói: "Đôi khi chỉ là làm mới những cái rất cũ nhưng muốn làm phải tư duy lớn, phải dám thay đổi”.

Thái Hoàng

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tuong-lai-cua-nganh-ban-le-tao-he-sinh-thai-hay-la-chet-a746.html