Từ đầu tháng 1 đến nay, các nhà băng đã tăng lãi suất huy động để thu hút khách hàng gửi tiền. Có những ngân hàng đã tăng 0,3-0,8 điểm phần trăm cho lãi suất tiết kiệm online và tung ra các chương trình ưu đãi quà tặng. Theo đó, đến gần chục ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất trên 7%/năm, một số nơi có thể đạt trên dưới 7,5%/năm.
Sang tháng 3, đà tăng lãi suất vẫn tiếp diễn với mức điều chỉnh phổ biến là 0,1-0,3%/năm.
BacABank vừa áp dụng biểu lãi suất mới từ tuần trước và tăng ở nhiều kỳ hạn so với trước đó. Từ ngày 22/3, lãi suất huy động khách hàng cá nhân kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên 6,7%/năm. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng 0,1 điểm phần trăm lên 6,1%/năm.
MSB cũng cập nhật tăng lãi suất trong tháng 3 với mức tăng 0,1 điểm phần trăm lên 6,2%/năm cho kỳ hạn gửi online 12 tháng trở lên; tăng từ 3,8%/năm lên 4%/năm cho kỳ hạn 3 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 5,8%/năm.
Ngân hàng OCB cũng cộng thêm 0,1-0,3 điểm phần trăm cho lãi suất huy động khi gửi tại quầy. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại phòng giao dịch tăng 0,2 điểm phần trăm lên 6,35%/năm. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng từ 5,9%/năm lên 6,1%/năm. Ngân hàng cũng giữ nguyên mức tăng cao nhất lên 6,75%/năm cho kỳ gửi online 36 tháng.
Trong khi đó, nhóm Big 4 gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, và VietinBank vẫn giữ nguyên lãi suất kể từ gần 6 tháng trước. Hiện không còn đợt tăng nóng nào nữa và thanh khoản hệ thống dần đi vào ổn định.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong tháng 1, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tài chính tăng khá mạnh. Cụ thể, tiền gửi của người dân tăng vọt 1,95% (tương đương 103.000 tỷ đồng) lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng trong tháng 1. Đây cũng là tháng tăng mạnh nhất trong 10 tháng trở lại đây.
Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy dòng tiền gửi nhiều khả năng sẽ quay trở về ngân hàng sau hơn 1 năm chảy vào chứng khoán do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Trong 2 năm đại dịch COVID-19, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và các ngân hàng buộc phải cắt giảm lãi suất. Điều này khiến cho nhiều người đồng loạt rút tiền để chuyển vào chứng khoán với cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn.
Chỉ riêng năm 2021, có đến 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, và đây là con số kỷ lục và cao gấp rưỡi trong tổng số mở mới của 4 năm liền trước. Cũng trong năm ngoái, VN-Index tăng 36%, lọt top 7 thị trường tăng mạnh nhất thế giới với mức điểm vượt ngưỡng 1.500.Thanh khoản thị trường cũng cao đột biến với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt gần 26.600 tỷ đồng/phiên (1.16 tỷ USD/phiên), gấp 3,6 lần năm liền trước.
Trong khi đó, dòng tiền gửi vào ngân hàng đã giảm mạnh từ năm 2020, ở mức 6,46%, trong khi những năm trước cao hơn hẳn. Năm 2017, tăng trưởng tiền gửi là 13,54%, và năm 2016 là 17,4%.
Tuy nhiên, tình hình đang dần thay đổi khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi và dần mở cửa trở lại. Nhiều chuyên gia dự đoán dòng tiền gửi sẽ sớm trở lại với các ngân hàng bởi so với chứng khoán thì đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và ổn định.
Chưa kể thị trường chứng khoán gần đây phát sinh nhiều vấn đề như ‘bán cổ phiếu chui’ hay lũng đoạn thị trường. Điều này có xu hướng gây ra nhiều bất lợi với các nhà đầu tư cá nhân.
Ngoài ra, bất động sản, một trong 3 kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam (cùng với chứng khoán và ngân hàng) cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề về pháp lý và đẩy giá.
Cho nên trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng vẫn là sự lựa chọn đầu tư hợp lý nhất của nhiều người, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.
Lưu Hằng
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ngan-hang-van-la-su-lua-chon-dau-tu-hop-ly-nhat-cua-nhieu-nguoi-a7430.html