Thặng dư thương mại với Mỹ đang tăng

Việt Nam luôn duy trì thặng dư thương mại với Mỹ, và mức thặng dư này đang không ngừng tăng.

Một tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định chính thức đánh thuế lên tới 456% với thép từ Việt Nam có nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan. Mỹ viện lý do thép xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan - hai quốc gia/vùng lãnh thổ đã bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, đã mượn Việt Nam như một trung gian để né thuế.

Thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ ngày càng được chú ý hơn, gắn liền với rủi ro từ các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Không chỉ thép, thuỷ hải sản cũng đang chịu những hàng rào tương tự.

Việt Nam khẩu sang Mỹ 55 tỉ USD và nhập khẩu từ nước này 13 tỉ USD trong 11 tháng, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. Xuất khẩu sang Mỹ không ngừng tăng trong những năm qua, mỗi năm tăng thêm khoảng 5 tỉ USD trong giai đoạn 2011 - 2018. Năm 2019, dự kiến xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng khoảng 10 tỉ USD so với cùng kỳ. Cùng với đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng nới rộng.

"Việc tăng trưởng xuất khẩu càng nhanh, sức ép từ Mỹ càng lớn. Đây là điểm cần lưu ý nhất tại thời điểm này", TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành & doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin & Dự báo xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định.

Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về nguyên tắc với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng thương mại diễn ra gần 21 tháng nay giữa hai cường quốc. Nội dung chi tiết các thỏa thuận chưa được tiết lộ nhưng giới chuyên môn đánh giá thắng lợi đang nghiêng về phía chính quyền Trump. Dù vậy, những nhượng bộ như Trung Quốc mua thêm nông sản của Mỹ hay việc đình chỉ áp thuế của chính quyền Trump chưa giải quyết căn cơ xung đột về chính trị, an ninh quốc gia, công nghệ…

Xung đột thương mại Mỹ - Trung đang trong quãng thời gian hạ nhiệt để chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo giải quyết bản chất của mâu thuẫn. Thị trường thế giới đón nhận thông tin này một cách thích cực, nhưng với Việt Nam đây là một thời điểm nhạy cảm. TS. Trần Toàn Thắng nhận định sau thỏa thuận, Mỹ có thể sẽ xem xét các đối tác thâm hụt thương mại khác trong đó có Việt Nam.

Giá trị xuất nhập khẩu với Mỹ. Đơn vị: tỉ USD.
Giá trị xuất nhập khẩu với Mỹ. Đơn vị: tỉ USD.
Xuất khẩu các mặt hàng chủ đạo sang Mỹ.
Xuất khẩu các mặt hàng chủ đạo sang Mỹ.


"Xuất khẩu ngày càng tăng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại", ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định buổi làm việc với Cục Phòng vệ thương mại ngày 9.8.

Ngay từ giữa năm, Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo khi một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận thương mại xuất sang thị trường Mỹ tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng thuộc diện này như sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu, hàng tiêu dùng... có đặc điểm dễ gia công, lắp ráp. Sau 11 tháng, điện thoại và linh kiện tăng 62%, máy vi tính tăng 105%, sản phẩm từ sắt thép tăng 49%, nguyên phụ liệu dệt may tăng 70%.

Phía Mỹ chưa xác định việc xuất khẩu một số mặt hàng sang Mỹ tăng đột biến do hiệu quả của tăng đầu tư hay lẩn tránh thuế. Nhưng với việc xuất khẩu cao, ông Linh cho rằng nguy cơ bị áp dụng phòng vệ cũng cao. Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ đang xây dựng danh sách các mặt hàng để tránh rủi ro bị đưa vào diện cảnh báo của đối tác.

Giữa tháng Năm, Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới vướng cáo buộc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, chế biến tối thiểu và xuất khẩu sang Mỹ từ nghị sĩ LaHood bang Illinois. Cáo buộc của vị nghị sĩ đại diện cho vùng được coi là thủ phủ của các trại tôm miền Trung Tây nước Mỹ hiện chưa có hiệu hiệu lực pháp lý nhưng ảnh hưởng không nhỏ với các doanh nghiệp.

Dù tự tin không vi phạm bất kỳ điều khoản nào của luật pháp Mỹ, sẵn sàng để các cơ quan chức năng nước này điều tra, ông Lê Văn Quang, chủ tịch HĐQT Minh Phú chia sẻ, doanh nghiệp đang cử luật sư của công ty đang làm việc với các cơ quan chức năng. Trước hết là tránh một cuộc điều tra, Minh Phú phải công bố các bằng chứng bác bỏ cáo buộc từ ông LaHood. Ngoài tổn thất về chi phí cho các hoạt động này, kế hoạch kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Những cáo buộc như của ông LaHood là một dạng vũ khí mà hệ thống thương mại Mỹ có thể sử dụng bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ngành nào, từ thuỷ sản, đến sắt thép…

Mới đây, theo thông tin từ Bộ Tài chính, phía Mỹ gửi kiến nghị cắt giảm thuế nhập khẩu một loạt nông sản, thực phẩm mà nước này có lợi thế như thịt gà, thịt lợn, sữa, hạnh nhân, táo tươi, nho tươi, nho khô, lúa mỳ, óc chó chưa bóc vỏ, khoai tây… Mức cắt giảm thuế ở hầu hết các mặt hàng được phía Mỹ yêu cầu đưa về gần với mức cam kết của Việt Nam trong CPTPP - một hiệp định tự do thương mại mà Mỹ không tham gia.

Thuế nhập khẩu phần lớn thịt lợn, thịt gà được yêu cầu giảm ngay trong năm 2020 và tiến đến 0% trong năm 2027. Các mặt hàng nông sản như táo tươi, nho tươi nhập từ nước này được kiến nghị đưa về 0% ngay trong năm 2020. Lúa mỳ, khoai tây chế biến... được đề nghị giảm thuế xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Mỹ máy vi tính, điện tử; máy móc thiết bị và bông các loại… với mức trên 1 tỉ USD sau 11 tháng. Các mặt hàng nông sản của nước này sang Việt Nam ở mức dưới 300 triệu USD. Các sản phẩm lợi thế của Mỹ được hưởng thuế tối đa theo nguyên tắc tối huệ quốc FMN trong khi các nước có mặt hàng cạnh tranh trực tiếp như Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand… đều được hưởng thuế ưu đãi hơn từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thậm chí, EU sẽ được hưởng ưu thế từ EVFTA trong thời gian tới.

Yêu cầu giảm thuế của Mỹ đưa ra dưới hình thức đơn phương, không đi kèm cam kết nào, trong bối cảnh Việt Nam đang xuất siêu sang nước này. Việt Nam không chấp nhận một cách hoàn toàn các yêu cầu từ Mỹ, nhưng vẫn nhượng bộ tại một số khoản mục. Các yêu cầu giảm thuế của phía Mỹ đều được Bộ Tài chính xem xét lấy ý kiến dưới dạng sửa đổi Nghị định 125/2017 về thuế MFN. Tuy nhiên, mức thuế được giảm thấp hơn đề nghị của phía Mỹ.

Thái Hoàng

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thang-du-thuong-mai-voi-my-dang-tang-a737.html