Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được rót vốn gần 6.700 tỉ đồng

Dự án đường cao tốc dài hơn 50km kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã nhận được cam kết cho vay từ bốn ngân hàng Việt Nam.

Bốn ngân hàng gồm Vietinbank, BIDV, Agribank và VPBank vừa ký hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cam kết cho vay tổng cộng 6.686 tỉ đồng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là dự án BOT, thu hồi vốn bằng cách thu phí với các phương tiện giao thông sử dụng tuyến đường. Vốn sẽ được giải ngân dần theo tiến độ của dự án, bắt đầu từ tháng 1.2020, ông Lê Quốc Bình, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R), liên doanh sở hữu 50% vốn điều lệ BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trọn vẹn trong địa bàn tỉnh Tiền Giang, đi qua năm huyện của tỉnh này. Song song với đường Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh, vốn đang bị quá tải như các tuyến quốc lộ khác, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là sự lựa chọn mới cho các phương tiện vận tải, rút ngắn thời gian chạy xe. Là dự án BOT, tuyến đường sẽ được thu phí cho đến khi hoàn vốn. Mức phí phân loại cho các loại xe khác nhau, dự kiến điều chỉnh tăng sau mỗi ba năm trong suốt vòng đời dự án (tối đa 15 năm).

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trong tổ hợp các tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ (Ảnh: CII B&R)
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trong tổ hợp các tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ (Ảnh: CII B&R)

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành sẽ giúp kết nối với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương (có chiều dài trên 60km) cũng như có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến cao tốc này nằm trong hệ thống cao tốc bao gồm Bến Lức - Long Thành, Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Hồ Chí Minh - Trung Lương và Mỹ Thuận - Cần Thơ kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã được khởi công 10 năm trước, nhưng bị trì hoãn do thiếu vốn. Giải quyết vướng mắc về vốn, đặc biệt là vốn vay ngân hàng, được xem là nút thắt cuối cùng của dự án kéo dài một thập kỷ này. Cuối tháng 9.2019, Thủ tướng Chính phủ sau khi thị sát dự án, đã yêu cầu ban quản lý dự án thực hiện đúng tiến độ để ngày cuối năm 2020 thông tuyến và khánh thành chính thức vào 30.4.2021.

Từ cơ quan quản lý là Bộ Giao thông Vận tải, đến nay dự án đã được chuyển sang cơ quan quản lý mới là Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, tỉnh có 5 huyện thuộc tuyến cao tốc. Tổng mức đầu tư cho dự án theo điều chỉnh mới nhất là 12.700 tỉ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ trực tiếp gần 2.200 tỉ đồng, chủ đầu tư (CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) huy động tối thiểu 3.400 tỉ đồng, còn lại vay vốn ngân hàng. Thông tin từ CII B&R cho biết đến nay nhà đầu tư đã giải ngân khoảng 2.500 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng, và nhà nước giải ngân gần 1.400 tỉ đồng.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cao-toc-trung-luong-my-thuan-duoc-rot-von-gan-6700-ti-dong-a735.html