"Bà trùm" trứng gia cầm Ba Huân vừa bán 25% cổ phần cho doanh nhân trẻ Trần Việt Hưng

Được biết, ông Trần Việt Hưng là một doanh nhân trẻ và đã có kinh nghiệm gần 10 năm làm việc tại Singapore.

Mới đây, CTCP Ba Huân đã xác nhận thông tin bán 25% cổ phần cho ông Trần Việt Hưng. Tuy nhiên, giá trị thương vụ này lại không được công bố.

Đồng thời, ông Hưng cũng sẽ trở thành Tổng giám đốc để dẫn dắt và điều hành các hoạt động kinh doanh của CTCP Ba Huân. Được biết, ông Trần Việt Hưng là một doanh nhân trẻ và đã có kinh nghiệm gần 10 năm làm việc tại Singapore.

ba-huan-1647246468.jpg
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT CTCP Ba Huân

Theo chia sẻ từ bà Phạm Thị Huân, bà có mối quan hệ quen biết với gia đình ông Trần Việt Hưng và đây cũng là đối tác trong nước của công ty nên không lo bị thâu tóm. Tại CTCP Ba Huân, bà Phạm Thị Huân vẫn ở vị trí quản lý cao nhất. Theo bà Huân, bà cũng đã mất hơn một năm tìm hiểu mới đi đến quyết định này.

Chia sẻ thêm về việc bán 25% cổ phần của Ba Huân, bà Phạm Thị Huân – chủ tịch HĐQT cho biết CTCP Ba Huân là công ty gia đình nếu không chịu đổi mới, không có lãnh đạo giỏi thì rất khó cạnh tranh trong bối cảnh thị trường khốc liệt hiện nay. Vì thế, bà quyết định bán 25% cổ phần để cùng đối tác tham gia điều hành, phát triển công ty và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Với thương vụ lần này, đối tác sở hữu 25% cổ phần cũng đã kí cam kết bảo hộ thương hiệu Ba Huân trong 50 năm kể từ ngày kí hợp đồng.

Trước đó, vào năm 2018 quỹ VinaCapital từng ký hợp đồng đầu tư chi 32,5 triệu USD để đổi lấy gần 34% cổ phần Ba Huân, sau đó thương vụ này đã bất thành. Theo thỏa thuận, VinaCapital và Ba Huân sẽ ký hợp đồng chính thức bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu giữa bản hợp đồng tiếng Anh và tiếng Việt thì phía Ba Huân cho rằng một số điều khoản của VinaCapital đưa ra rất bất lợi cho Ba Huân.

Cụ thể hơn, đó là điều khoản tỷ suất hoàn vốn 22% và giới hạn ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà. Nếu Ba Huân không đạt được kết quả trên thì công ty sẽ bị phạt trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần.

Ba Huân là thương hiệu trứng gia cầm quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, không những thế, sản phẩm trứng được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Malaysia, Singapore.

Đặc biệt, nhắc tới Ba Huân là gắn liền với tên tuổi của bà Phạm Thị Huân. Thương hiệu Ba Huân ra đời vào năm 1985, khi bà Huân quyết định lên Chợ Lớn mở vựa trứng riêng. Năm 2001, doanh nghiệp Ba Huân (sau này là Công ty TNHH Ba Huân) ra đời.

Năm 2003, trước khủng hoảng dịch cúm gia cầm, nhiều gia đình nông dân với chuồng trại nuôi gà, vịt lấy trứng truyền thống bỗng chốc phá sản. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến mất nguồn cung ứng nguyên liệu.

Trước tình hình đó, bà Huân đi khắp các nước châu Âu, châu Á và dừng chân tại tập đoàn MOBA Hà Lan, nơi có thiết bị xử lý trứng hàng đầu thế giới. Bà mạnh dạn đầu tư hệ thống thiết bị tự động hóa, xử lý trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 trứng/ giờ.

Sau nhiều năm phát triển, hiện công ty này đang chiếm khoảng 30% thị phần sản xuất trứng gia cầm trong nước. Mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường TP.HCM khoảng một triệu quả trứng gia cầm.

Lưu Hằng

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ba-trum-trung-gia-cam-ba-huan-vua-ban-25-co-phan-cho-doanh-nhan-tre-tran-viet-hung-a7301.html