Gần 2 năm mới được xét duyệt người khuyết tật
Theo phản ánh của anh Phạm Văn Bình, con trai ông Phạm Văn Ngọ, ở thôn Hồng Phong 2, Xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy cho biết, gần 2 năm nay, gia đình đã làm đơn cũng như hoàn thành các hồ sơ thủ tục cần thiết nhưng không rõ vì lí do gì mà UBND huyện Lạc Thủy không xét duyệt trợ cấp xã hội cho ông Phạm Văn Ngọ.
Ông Phạm Văn Ngọ sinh năm 1933, tuổi cao sức yếu, phải nằm 1 chỗ do đột quỵ, mức độ liệt là ½ cơ thể. Gia đình ông thuộc hộ nghèo của xã. Được biết Nhà nước luôn có chính sách ưu tiên đối với người cao tuổi, tháng 10/2020, anh Bình (con trai ông Ngọ) đã làm đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật (viết tay) cho ông Ngọ gửi UBND xã Yên Bồng với hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương.
Theo đó, anh Bình cho biết, anh đã hoàn tất hồ sơ thủ tục làm đúng và đầy đủ theo Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH; Luật Người khuyết tật năm 2010; Nghị định hướng dẫn số 28/2012/NĐ–CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH.
Việc làm hồ sơ, anh Bình thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định của pháp luật và Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH như: Đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật; giấy khám sức khỏe của bệnh viện huyện Lạc Thủy chứng nhận ông Ngọ bị liệt ½ cơ thể do tình trạng sức khỏe yếu thêm nữa do tai biến mạch máu não gây ra, đến việc kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng không thể vận động, mức độ đặc biệt nặng,…
Tuy nhiên, đến nay gia đình vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận khuyết tật cũng như bất kì sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền. Anh Bình cho biết thêm, trước sự việc trên anh đã tìm hiểu thì được biết, bà Đinh Thị Thu Huyền, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện trả lại hồ sơ do thiếu xác nhận, giấy khám chữa bệnh, chứng nhận bệnh án, giấy tờ khám chữa bệnh, điều trị xác nhận từ bệnh viện cấp tỉnh trở lên mới được xét duyệt hồ sơ.
Tuy nhiên trên thực tế, với tình trạng liệt ½ cơ thể của ông Ngọ cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp và địa hình trung du miền núi, thì việc di chuyển đã khó khăn cho cả người khỏe mạnh, chứ chưa nói tới người cao tuổi. Việc làm của phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy dường như quá “máy móc” hay là cố tình gây khó dễ đối với việc xét duyệt hồ sơ cho người cao tuổi?
Dù vẫn trong thời gian chờ đợi được cấp Giấy chứng nhận khuyết tật, ngày 24/2/2022 do tuổi cao, sức yếu ông Ngọ đã qua đời. Đại diện gia đình ông Ngọ cho biết, việc đòi quyền lợi cho ông giờ cũng không cần nữa nhưng đó cũng như hồi chuông cảnh báo liệu rằng còn bao nhiêu trường hợp như ông Ngọ - những đối tượng chính sách nhưng không nhận được quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương?
Chính quyền nói gì?
Trước thông tin anh Bình phản ánh tới báo chí, ngày 28/2/2022, UBND huyện Lạc Thủy đã có văn bản Số 307/UBND-LĐTBXH do Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Vân gửi Sở LĐ-TB&XH, báo cáo về nội dung trên.
Theo đó, ngày 28/10/2020, gia đình Ông Phạm Văn Ngọ, sinh năm 1933, trú tại thôn Hồng Phong 2, xã Yên Bồng có đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật (viết tay) cho ông Phạm Văn Ngọ gửi UBND xã Yên Bồng. Đến tháng 6/2021, ông Hồ Thanh Cương - Nguyên công chức Lao động Thương binh xã Yên Bồng hướng dẫn gia đình Ông Phạm Văn Ngọ làm hồ sơ thủ tục để xét duyệt.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tại sao sau hơn 6 tháng, cán bộ xã Yên Bồng mới hướng dẫn gia đình ông Ngọ làm thủ tục pháp lý?
Tiếp đó, theo văn bản trên, sau khi tiếp nhận hồ sơ, ngày 26/1/2022, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng đã họp kết luận khuyết tật và mức độ khuyết tật của các trường hợp thuộc xã Yên Bồng trong đó có hồ sơ của ông Phạm Văn Ngọ. Căn cứ Biên bản họp ngày 26/1/2022, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng đã kết luận trường hợp ông Phạm Văn Ngọ là khuyết tật nhưng chưa cấp Giấy chứng nhận khuyết tật.
Đến ngày 17/2/2022 hồ sơ của ông Phạm Văn Ngọ chưa hoàn thiện nên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng chưa có văn bản đề nghị kèm hồ sơ của đối tượng gửi Phòng LĐ-TB&XH để thẩm định trình UBND huyện quyết định.
Tuy nhiên, theo anh Bình phản ánh, việc xác định mức độ khuyết tật căn cứ theo Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH đã được UBND xã Yên Bồng cấp giấy Xác nhận khuyết tật số 159/GXNKT vào ngày 26/11/2021. Vậy nhưng báo cáo của UBND huyện Lạc Thủy lại cho biết ngày 26/1/2022 mới tiếp nhận được hồ sơ và đến ngày 17/2/2022 thì cho biết do hồ sơ của ông Ngọ chưa hoàn thiện nên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng chưa có văn bản đề nghị kèm hồ sơ của đối tượng gửi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội để thẩm định trình UBND huyện quyết định.
Theo Điều 5 và Điều 6 của Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện thì trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 Thông tư; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
Bên cạnh đó thì thủ tục và trình tự cấp Giấy xác nhận khuyết tật cũng chỉ trong 05 ngày làm việc.
Văn bản trả lời của UBND huyện Lạc Thủy đã cho thấy sự chậm trễ trong việc trợ cấp cho người cao tuổi khuyết tật. Người dân nộp đơn từ năm 2020, nhưng đến tận năm 2022 mới nhận được hồ sơ, trong khi đó theo quy định, trình tự làm thủ tục và tiếp nhận thủ tục hành chính là 20 ngày làm việc phải xét duyệt cho người cao tuổi.
Người cao tuổi là nền tảng của gia đình, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển xã hội. Nhà nước luôn có chính sách ưu tiên đối với người cao tuổi, hỗ trợ hết mức nhằm ổn định an sinh xã hội, nâng cao cuộc sống tinh thần cho người dân. Việc chăm sóc và phát huy tốt vai trò người cao tuổi là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đạo đức người Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình dường như đang đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Có lẽ các cấp chính quyền tại địa phương cần sự quản lý sát sao hơn tới việc thực hiện các chính sách của Nhà nước để người cao tuổi nói riêng, những đối tượng chính sách và yếu thế nói chung không cảm thấy mặc cảm.
Thùy Linh