Tỷ lệ 49% ở bản dự thảo lần này đã nới biên độ so với bản dự thảo được trình ban đầu (30%).
Hiện tại 90% thị phần ví điện tử Việt Nam đang nằm trong tay năm doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30 đến trên 90%, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết tại buổi toạ đàm tổ chức cuối tháng 8.2019. Ông Sơn cũng đồng thời cho biết quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ không bị hồi tố. Có nghĩa là các trung gian thanh toán có tỷ lệ sở hữu trên mức quy định từ trước, sẽ không phải điều chỉnh tỷ lệ này.
Tuy nhiên, hết thời hạn 10 năm giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các ví điện tử sẽ buộc phải điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống dưới 49% - theo quy định của dự thảo.
Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là tổ chức không phải là ngân hàng trong nước hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong hệ sinh thái fintech, đó là các ví điện tử, tiền di động. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ví điện tử được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với thời hạn 10 năm.
Tại buổi Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo, ngày 11.12, một số chuyên gia pháp lý cho rằng việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, CPTPP. Quy định hiệu lực hồi tố của dự thảo (khi giấy phép hết hạn, các trung gian thanh toán phải điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài) cũng trái với Luật Đầu tư (Điều 74), đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi chính phủ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đặng Thanh Sơn, Luật sư thành viên Công ty Luật Baker McKenzie đã dẫn ra trường hợp Trung Quốc bị WTO xử thua kiện khi áp dụng hạn chế tương tự trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng “trung gian thanh toán” không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, nhưng đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán. Nếu Chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực.
Hiện dự thảo vẫn đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu và điều chỉnh trước khi đưa ra Nghị định chính thức thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP.
Minh Thư
Xem thêm: Nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu vào ví điện tử Việt Nam
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/trung-gian-thanh-toan-van-bi-siet-ty-le-so-huu-nuoc-ngoai-a720.html