Ngày 28/2, Tập đoàn dầu khí Shell của Anh thông báo sẽ bán cổ phần tại tất cả các liên doanh với tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết hơn 3 triệu công ty Nga, bao gồm Gazprom, sẽ không thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tại London do các lệnh trừng phạt mới.
Trong thông báo gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán London, Shell cho biết sẽ bán 27,5% cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin-2, trên đảo Sakhalhin thuộc vùng Viễn Đông của Nga.
Tập đoàn này cũng sẽ chấm dứt 50% lợi ích trong dự án phát triển mỏ dầu Salym ở Tây Siberia và dự án thăm dò Gydan trên bán đảo Gydan thuộc Tây Bắc Siberia.
Shell là một trong 5 công ty năng lượng đã cam kết tài trợ tới 10% trong tổng chi phí ước tính 9,5 tỷ USD của dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức.
Tuy nhiên, công ty cũng đã thông báo ý định chấm dứt tham gia vào dự án này, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tuần trước tuyên bố đình chỉ cấp phép cho dự án.
Trước đó, ngày 27/2, Tập đoàn dầu khí Anh BP cũng thông báo sẽ rút 19,75% cổ phần khỏi công ty dầu mỏ Rosneft của Nga.
Ngoài 2 công ty trên, ngân hàng HSBC và công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới là AerCap đã thông báo rút khỏi Nga trong bối cảnh các nước phương Tây gia tăng trừng phạt với Moskva liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.
Ngân hàng HSBC của Anh thông báo bắt đầu thu hẹp các mỗi quan hệ với nhiều ngân hàng Nga. Một số công ty nước ngoài tạm dừng hoạt động trong khi những công ky khác cũng lên kế hoạch để rút khỏi Nga.
Các nước phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga như đóng cửa không phận với các máy bay Nga, chặn các ngân hàng Nga tiếp cận mạng lưới tài chính SWIFT toàn cầu và hạn chế quyền sử dụng 639 tỷ USD vốn dữ trữ nước ngoài của nước này.
Cũng trong ngày 28/2, Liên minh châu Âu (EU) đã liệt các nhà tài phiệt hàng đầu có liên hệ với Điện Kremlin vào danh sách đen trừng phạt. Trong số những cái tên nổi tiếng có đồng minh thân cận của ông Putin là Igor Sechin, người đứng đầu Tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft, cùng với Nikolay Tokarev, chủ tịch Công ty đường ống Transneft của Nga.
Danh sách trừng phạt còn có tên 3 người được tạp chí Forbes xếp hạng trong top 10 người giàu nhất nước Nga, gồm: ông trùm kim loại Alexei Mordashov, nhà tài phiệt Alisher Usmanov và doanh nhân kiêm bạn của ông Putin Gennady Timchenko.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khi trả lời phỏng vấn Đài France Info vào ngày 1-3 cho biết tổng số tài sản bị phong tỏa của Nga lên tới "gần 1.000 tỉ USD".
Trong khi đó, dữ liệu được CNBC xem xét từ Marine Traffic cho thấy ít nhất 4 du thuyền khổng lồ thuộc sở hữu của các lãnh đạo doanh nghiệp Nga đã hướng tới Montenegro và Maldives kể từ khi một loạt các biện pháp trừng phạt Nga được các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, bao gồm cả Bộ Tài chính Mỹ công bố trong những ngày gần đây.
Tài sản của các giám đốc điều hành Nga bị nhắm tới có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi chính quyền của tổng thống Joe Biden trong một tuyên bố thành lập lực lượng đặc nhiệm nhằm vào các tài sản béo bở của họ, bao gồm cả du thuyền và biệt thự. Pháp đang đưa ra danh sách các tài sản thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, bao gồm ô tô và du thuyền, có thể bị tịch thu theo lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.
“Tuần tới, chúng tôi sẽ khởi động một lực lượng đặc nhiệm xuyên Đại Tây Dương đa phương để xác định, truy lùng và đóng băng tài sản của các công ty và nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt - du thuyền, biệt thự của họ và bất kỳ khoản lợi nhuận bất chính nào khác mà chúng tôi có thể tìm thấy.” trích từ Tweet gần đây của Nhà Trắng
Quỳnh Giang
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhieu-cong-ty-nuoc-ngoai-rut-khoi-nga-do-lo-ngai-lenh-trung-phat-a7186.html